Trong số 27 thành viên EU, các nước Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan, Thụy Điển là những thị trường nội thất lớn nhất châu Âu. Năm 2004, các nước trên chiếm 80% tổng tiêu dùng hàng nội thất của EU, đạt 70 tỷ USD. Nhiều nhất trong số các nước xuất khẩu đồ gỗ vào EU là Trung Quốc.
Những quy định khắt khe từ EU
Để xuất khẩu được các sản phẩm gỗ vào EU, sản phẩm gỗ xuất khẩu phải đáp ứng một số quy định như sau.
Về bộ Quy định sản phẩm, gồm có trách nhiệm pháp lý theo quy định 85/343/EEC, nghĩa là phải có đền bù thiệt hại cho cá nhân hoặc tập thể khi sản phẩm không an toàn, gây thiệt hại cho người sử dụng. Kế đến, quy định kiểm soát các chất nguy hiểm có thể có trong sản phẩm, như: cadmium, PCP bị hạn chế dư lượng, các chất amiăng, PCB, PCT bị cấm, hóa chất gây thủng tầng ozôn (bị cấm từ 2015) và cho kiểm soát theo chế độ đặc biệt khắt khe làm từ gỗ gụ, thông Chilê, gỗ hồng sắc của Braxin. Song song đó là các yêu cầu khá chặt chẽ về bao bì, nhãn mác sản phẩm. Đây là quy định chung cho hầu hết các mặt hàng xuất khẩu vào EU.
Ngoài ra, EU cũng đang có nhiều yêu cầu để bảo vệ người lao động, bảo đảm an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, các yêu cầu về điều kiện môi trường, như: sản xuất thân thiện với môi trường, nhãn sinh thái và đặc biệt là chương trình phát triển bền vững diện tích rừng.
Theo đó, các doanh nghiệp được đòi hỏi phải có chứng chỉ rừng FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng quản lý rừng quốc tế), yêu cầu chỉ được khai thác rừng trồng, rừng không có nguy cơ bị diệt chủng, phải bảo đảm đa dạng sinh học, chức năng phòng hộ đồng thời phải có biện pháp nâng cao thu nhập của người lao động nghề rừng.
Tình hình xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào EU
Đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU hiện đang hưởng thuế GSP với mức thuế suất chủ yếu là 0% (một số mã hàng chịu thuế 2,1%) đã giúp Việt Nam có một lợi thế nhất định khi chen chân vào thị trường EU so với Trung Quốc, Indonesia, Brazil, Malaysia..., do các nước này không được hưởng GSP.
Kim ngạch xuất khẩu hàng gỗ Việt Nam vào EU trong thời gian qua có mức tăng trưởng trung bình 15%/năm, tập trung vào đồ gỗ nội thất và đồ dùng ngoài trời. Trong năm 2006 đạt 501,9 triệu USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, riêng 3 tháng đầu năm 2007 đạt 200,72 triệu USD.
Tuy nhiên so với tổng lượng nhập khẩu và tiêu dùng của EU thì mức xuất khẩu của Việt Nam còn khiêm tốn và chưa phản ánh đúng tiềm năng. Một trong những nguyên nhân là đồ gỗ Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với hàng Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Đông Âu...
Mặt khác, đồ gỗ Việt Nam còn mắc phải một số nhược điểm, như: cơ sở sản xuất nhỏ, còn manh mún, thiếu đầu tư cho sản xuất từ mẫu mã đến chất lượng, công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường còn thấp, kém hiệu quả, nguồn cung nguyên liệu và phân phối còn chưa đồng bộ, ít nhiều còn manh nha...
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, ngành gỗ nói riêng còn chưa biết liên kết lại khi chưa đủ mạnh, hoặc đã mạnh thì mạnh hơn để có thể đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Theo Thứ trưởng Công nghiệp Bùi Xuân Khu, thì đây là một đặc điểm cố hữu của các doanh nghiệp trong nước.
"Các doanh nghiệp Việt Nam, một mình thì làm tốt, nhưng nếu có 3 doanh nghiệp hợp lại chỉ có đấu đá nhau, chèn ép và hạ giá lẫn nhau nhằm giành được nhiều hợp đồng với khách hàng. Hệ quả của sự việc này là chính ta bị kiện bán phá giá, và thậm chí bản thân doanh nghiệp cũng không đủ năng lực để thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận, phải hủy hợp đồng và bồi thường", ông nói.
Triển vọng và giải pháp
Theo dự báo của EU và của Việt Nam, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường EU vẫn sẽ tiếp tục tăng, tối thiểu 10%/năm. Các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam cũng đã ý thức rõ được nhu cầu của thị trường tuy khó tính nhưng đầy triển vọng này, nên cũng đã có những cải tiến chất lượng cũng như mẫu mã... cho phù hợp với nhu cầu thị hiếu.
Ví như sản xuất đồ gỗ có kết hợp với nhiều chất liệu phụ trợ khác, vừa làm phong phú và đa dạng về mẫu mã, lại tiết kiệm được chi phí do các vật liệu phụ trợ thường rẻ tiền và lại thân thiện môi trường. Có thể lấy thí dụ như đồ gỗ có kết hợp song mây, lá, vải, inox, bèo...
Mặt khác, thị trường EU đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần quan tâm đến thị hiếu của người tiêu dùng đối với một số chủng loại sau: Nội thất dân tộc, đồ dùng bình dân phù hợp với phong cách giản dị đương thời, như: ghế không đệm, bộ bàn tròn, đệm nhỏ để quỳ, đồ dùng nhà bếp không giá đỡ, đồ không dùng thường xuyên; nội thất thuộc địa với đồ dùng xa hoa bằng gỗ sẫm màu, như: wengé, gỗ mun, gỗ anh đào; nội thất bằng song mây kết hợp với kim loại cũng đang rất được ưa chuộng; nội thất cho phòng khách nhỏ; nội thất văn phòng với đặc tính đa chức năng và hiện đại; nhóm nội thất thiên nhiên, nội thất cho người già, người có thu nhập thấp...
Mặc dù đã có những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ cũng như cơ hội đến từ việc các doanh nghiệp tự cải tiến sản xuất làm đa dạng mẫu mã, khi xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp một số khó khăn và đó cũng chính là yêu cầu cần vượt qua khi muốn xâm nhập hoặc giành lấy thị trường này về lâu dài.
Đó là: khi tiếp cận khu vực thị trường đồ gỗ giá thấp và trung bình, giá cả cạnh tranh là rất cần thiết. Giao hàng nhanh, đúng hẹn, đúng mùa vụ, đóng gói tốt và yêu cầu có chứng chỉ gỗ (FSC) cũng đang là một đòi hỏi có tính ràng buộc. Ngoài ra, những mặt hàng gỗ cao cấp nên đi kèm với tính đa dạng mà sáng tạo, không trùng lắp, nhái mẫu mã, nghèo nàn mẫu mã.
Hiện nay, xu hướng "thay đổi gu" trong tiêu dùng hàng nội thất gỗ rất nhanh nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp khởi đầu muốn đầu tư dài hạn.