Ngành chế biến gỗ Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh trong những năm gần đây, trở thành một trong bảy mặt hàng đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho đất nước, đưa Việt Nam thành một trong 4 quốc gia xuất khẩu mặt hàng gỗ chế biến lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh sự phát triển của ngành công nghiệp gỗ chế biến, nghề gỗ mỹ nghệ của Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ. Hiện nay cả nước có khoảng 342 làng nghề gỗ mỹ nghệ, trong đó có những làng nghề lớn như Vân Hà (Hà Nội), Hữu Bằng, Dư Dụ, Vạn Điểm, Chuyên Mỹ, Nhị Khê (HàTây), Bích Chu (Vĩnh Phúc), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Đông Giao (Hải Dương), Đồng Minh (Hải Phòng), La Xuyên (Nam Định), Kim Bồng (Quảng Nam).v.v…Không chỉ được đánh giá cao về chất lượng, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Việt Nam còn phong phú về mẫu mã, chủng loại, phục vụ cho mọi nhu cầu đa dạng của cuộc sống từ đồ trang trí nội thất như bàn, ghế, tủ, đèn… đến các loại tượng, đồ trang sức, đồ dùng nhà bếp. Sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt ở thị trường hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần mang lại kim ngạch xuất khẩu hàng trăm triệu USD/năm.
Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một thị trường đầy hấp dẫn đối với các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây là một thị trường thống nhất cho phép hàng hoá, dịch vụ và con người có thể di chuyển một cách tự do giữa các nước thành viên. EU còn là thị trường rộng lớn của 27 quốc gia thành viên với dân số khoảng 460 triệu người. Hàng năm EU tiêu thụ đồ nội thất lớn nhất thế giới, đồng thời tiêu thụ gỗ và các mặt hàng gỗ đứng thứ hai sau Mỹ do không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nội bộ mà còn được chế biến để xuất khẩu và tái xuất khẩu. Nhóm các sản phẩm nội thất nhập khẩu vào EU chủ yếu là nội thất phòng ăn và phòng khách đã nhồi đệm hoặc không nhồi đệm. Tuy nhiên, các mặt hàng nội thất của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU còn khá khiêm tốn.
Cùng với thị trường châu Âu, Mỹ là thị trường nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và nội thất hàng đầu thế giới. Hàng năm, Mỹ nhập khoảng 70 tỷ USD đồ gỗ và nội thất. Những mặt hàng nhập khẩu lớn nhất ở Mỹ là bàn ghế bằng gỗ, phụ kiện giế dùng cho xe cộ bằng kim loại, đồ gỗ nhà bếp, bàn ghế văn phòng, gỗ tùng bách….Phần lớn, nhóm hàng gỗ và gỗ chế biến được nhập khẩu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, một phần được chế biến để xuất khẩu và tái xuất khẩu. Đặc điểm nổi bật nhất của thị trường Mỹ là quy mô lớn, nhu cầu tăng thường xuyên và rất đa dạng sản phẩm. Nhưng đây cũng là khó khăn cho nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam vì các đơn hàng thường rất lớn nên khó đáp ứng được yêu cầu. Thị trường Mỹ cũng là thị trường mở nên cạnh tranh rất ác liệt. Nhờ có Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ từ cuối năm 2001, Việt Nam đã thâm nhập thị trường Mỹ và năm 2003 đã đứng trong danh sách 15 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ. Giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ năm 2006 đạt 774 triệu USD.
Nhật Bản-với số dân 127 triệu người, có mức sống khá cao, Nhật Bản được đánh giá là thị trường mở quy mô lonứ. Các mặt hàng ghế gỗ, đồ dùng văn phòng, đồ dùng nhà bếp bằng gỗ… đang là những lựa chọn ưu tiên của người Nhật Bản. Vì vậy, Nhật Bản cũng là thị trường đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ gia dụng.
Các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật rất đa dạng gồm gỗ nhiên liệu dạng khúc, gỗ cây, gỗ đã cưa hoặc xẻ theo chiều dọc, tấm gỗ lạng làm lớp mặt, gỗ ván trang trí làm sàn, ván sợi bằng gỗ, tượng gỗ và đồ trang trí bằng gỗ, ghế ngồi, khung tranh, ảnh bằng gỗ… Trong các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang Nhật Bản, mặt hàng gỗ nội thất chiếm tỷ trọng nhiều nhất, khoảng 56,1% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Nhật Bản.
Như vậy, thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong những năm gần đây, từ chỗ tập trung vào các thị trường trung chuyển như Đài Loan, Singapore, Hàn quốc… để tái xuất khẩu sang một nước thứ ba, đến nay đã xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường của người tiêu dùng. Hiện tại các sản phẩm gỗ của Việt Nam có mặt ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với các chủng loại sản phẩm đa dạng, từ hàng trang trí nội thất trong nhà, hàng ngoài trời đến các mặt hàng dăm gỗ. Kim ngạch xuất khẩu gỗ liên tục tăng. Chỉ tính riêng các mặt hàng gỗ và đồ gỗ được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp tăng từ 135 triệu USD năm 1998 lên khoảng 1 tỷ USD năm 2004 và đạt 1,93 tỷ USD năm 2006.
Thời gian tới, ngoài việc duy trì và phát triển các thị trường truyền thống kể cả thị trường trung chuyển và thị trường người tiêu dùng trực tiếp, ngành gỗ Việt Nam sẽ tập trung phát triển mạnh một số thị trường mục tiêu, có nền kinh tế phát triển ổn định, sức mua ổn định và nhu cầu liên tục tăng, các thể chế về kinh doanh, thương mại hoàn thiện, hệ thống phân phối rộng khắp và năng động bao gồm EU, Mỹ, Nhật Bản và Liên bang Nga.
(KTVN)