Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu đồ gỗ: Tăng tốc nhưng thiếu bền vững
01 | 08 | 2007
VnEconomy-19/10/2006) - Năm 2003 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chỉ mới đạt 560 triệu USD, đến năm 2004 đã tăng lên gần 2 lần: 1,1 tỷ USD. Năm 2005 xuất khẩu đồ gỗ tiếp tục tăng tốc, đạt gần 1,6 tỷ USD và chính thức đứng vào tốp 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của cả nước (sau dầu khí, giầy dép, dệt may, thuỷ sản).

Nếu tính chung giai đoạn 2001- 2005, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt gần 40%/năm. Và, đích đến của năm 2006 là trên 2 tỷ USD. Ngành gỗ sẽ tăng trưởng bền vững hơn, nếu giải quyết được 2 khó khăn: nguồn nguyên liệu và nhân lực.

"Qua mặt" Philippines về thị trường

Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp.HCM dẫn nguồn từ báo Inquirer của Philippines cho biết: Việt Nam đã vượt qua Philippines trong cuộc đua giành thị trường đồ gỗ nội thất toàn cầu. Theo đó, thị phần của Việt Nam trong thị trường toàn cầu đã tăng lên 0,78% trong năm 2005, vượt hơn thị phần 0,54% của Philippines.

Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp đồ gỗ hàng đầu thế giới, với 11,9%, tiếp đến Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được các nước đánh giá là một đối thủ mới nổi đầy tiềm năng, nhờ chi phí sản xuất rẻ, nhân lực dồi dào.

Hiện nay cả nước có khoảng 1.250 doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ, trong đó có 60 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên làm hàng xuất khẩu, thu hút 170.000 lao động với nhiều nghệ nhân có tay nghề cao. Phần lớn số doanh nghiệp tập trung ở 3 cụm: cụm Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương; cụm các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; cụm Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Trong đó, cụm Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã trở thành một khu liên hợp chế biến đồ gỗ cao cấp, lớn nhất nước.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, sản phẩm đồ gỗ nước ta đã có mặt ở 120 nước trên thế giới. 70% sản phẩm được xuất khẩu sang 3 thị trường lớn là EU, Nhật Bản, Mỹ. Trong đó thị trường EU chiếm xấp xỉ 28%, Nhật Bản 24%, Mỹ 20%. Đáng chú ý thị trường Mỹ, tuy mới được khai phá, song lại chiếm ngôi vị hàng đầu về mức tăng trưởng nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam những năm gần đây.

9 tháng đầu năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, đạt hơn 1,35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2005. Theo ông W.Towne Bake - Tổng giám đốc Công ty Indochina Wood (Hoa Kỳ), xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam năm 2006 có thể đạt 1,3 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với 700 triệu USD trong năm 2005.

Ông Trần Quốc Mạnh - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa) khẳng định: năm 2006 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ hoàn toàn có khả năng vượt kế hoạch 2 tỷ USD.

Theo Bộ Thương mại, việc Mỹ đánh thuế chống bán phá giá khá cao đối với đồ gỗ Trung Quốc cũng là một trong những lợi thế để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào thị trường này. Vấn đề đặt ra là, các doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được lợi thế hay lại để "cơ hội vàng" tuột khỏi tay?

Liên kết để hội nhập

Theo Bộ Thương mại, một chiến lược phát triển tổng thể các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước trong giai đoạn đầu Việt Nam gia nhập WTO từ nay đến năm 2010 đã được xác lập, trong đó riêng ngành chế biến gỗ phải đạt kim ngạch xuất khẩu là 5,5 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, con số này có thể thực hiện được với điều kiện ngành phải có những nỗ lực rất lớn, đồng thời phải khắc phục ngay những căn bệnh "trầm kha" về thiếu nguyên liệu và nhân lực trình độ cao. Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản, với năng lực chế biến hiện nay, doanh nghiệp cả nước cần từ 3-3,5 triệu m3 gỗ qui tròn/năm, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng được khoảng 20%, còn lại phải nhập khẩu.

Một khó khăn khác là, lâu nay các nước Đông Nam Á là thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu cho Việt Nam, nhưng từ giữa năm 2005 hai nước cung cấp gỗ lớn nhất là Malaysia, Indonesia quyết định ngừng xuất khẩu gỗ xẻ khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam lao đao về nguyên liệu đầu vào. Năm 2006 dự kiến nhập khẩu nguyên liệu chừng 700 triệu USD, chiếm khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu.

Trong số các doanh nghiệp chế biến gỗ hiện nay, nhiều doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực về vốn đã hình thành nên một số tập đoàn chế biến gỗ lớn đủ sức cạnh tranh với nước ngoài, như: Công ty TNHH Khải Vy, Công ty CP Savimex, Công ty TNHH Trường Thành Tp.HCM.

Năm 2005, đã có khá nhiều lô hàng bị trả lại từ nhiều nước vì bị lỗi. Và, cũng năm 2005 có khá nhiều đơn đặt hàng đến với các doanh nghiệp, nhưng ngay cả các đại gia cũng phải từ chối do không đáp ứng được số lượng. ể khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trước đây; giữ vững thị trường, đáp ứng những đơn đặt hàng lớn của đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước đang hướng đến sự liên kết sản xuất theo chuỗi.

Tức là, mỗi doanh nghiệp sẽ làm một khâu để hoàn chỉnh sản phẩm. Điển hình cho sự liên kết này là cụm công nghiệp gỗ Phú Tài (Bình Định), với 60 doanh nghiệp đang cùng hợp tác để sản xuất và kinh doanh.

Kinh nghiệm từ các nước có thế mạnh về xuất khẩu đồ gỗ cho thấy, chỉ khi các doanh nghiệp trong cùng ngành có sự liên kết để sản xuất thì mới tạo nên sức mạnh, tăng khả năng xuất khẩu. Bằng không, doanh nghiệp nào đứng ngoài sẽ bị đào thải.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam thì cho rằng, gia nhập WTO Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sẽ có cơ hội nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn, nên nếu tiếp tục làm theo phương thức nhỏ lẻ chắc chắn sẽ không ổn. Vì vậy nếu không có sự hợp tác thì các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong hoạt động.

Ông Quyền nói: "Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập".

(Nguon tin: VnEconomy)



Báo cáo phân tích thị trường