Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bỏ quên quyền lợi của dân?
19 | 03 | 2009
“Cứ thế này thì chẳng khác gì thả gà ra mà đuổi. Vụ mùa năm ngoái, ở xã tôi, mặc dù chủ lò đã hứa hỗ trợ năng suất 80 kg thóc/sào, nhưng khi thu hoạch lúa xong chỉ chi trả cho chúng tôi 80 nghìn đồng/sào (bằng khoảng 1/4). Cuối cùng là hoà cả làng!”

Như Báo Hànộimới Online đã phản ánh, trong những ngày vừa qua, hơn 550 mẫu lúa xuân của các xã: Thống Nhất, Lê Lợi, Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) bị chết và úa vàng do ảnh hưởng từ khói của hàng chục lò gạch từ 2 thôn Giáp Long và Thượng Giáp (xã Thống Nhất). Ngày 11-3, UBND huyện Thường Tín đã đình chỉ hoạt động của các lò gạch này. Tuy nhiên, các bước giải quyết tiếp theo của UBND huyện còn lúng túng, thiếu bài bản, dẫn đến quyền lợi của hàng trăm hộ dân bị thiệt hại chưa được đảm bảo, gây ra sự bức xúc không đáng có.

Thả gà ra để đuổi!

Ngày 18-3, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chị Đặng Thị Đạo (thôn Hà Vỹ, xã Lê Lợi) cho biết: Gia đình chị có 4,6 sào ruộng thì có  tới 3,8 sào tại các xứ đồng: Ngâu, đầu cửa dưới… bị ảnh hưởng nặng từ khói lò gạch, khó có thể phục hồi được. Ông Nguyễn Văn Hùng ở cùng thôn cấy hơn 1 mẫu thì có tới 80% diện tích lúa chết, vàng lá. Nhiều ruộng lúa chỉ còn lơ thơ vài cây, ông Hùng ngán ngẩm: “Lúa này có phun thuốc bón lá, đổ phân xuống cũng chẳng hy vọng gì”.

Lê Lợi là một trong ba xã có lúa bị ảnh hưởng của khói lò gạch, với diện tích hơn 246,6 mẫu, trong đó gần 10 mẫu có nguy cơ mất trắng. Tuy nhiên, cho đến nay toàn bộ diện tích này lại chưa được các chủ lò gạch công nhận; mức độ thiệt hại chưa được thống nhất đánh giá phân loại. Sở dĩ có sự việc này là do huyện Thường Tín không chỉ đạo? Một vị  lãnh đạo huyện xã Lê Lợi cho biết: Sau khi phát hiện ra có lúa chết, UBND xã Lê Lợi đã đề nghị UBND xã Thống Nhất (nơi các lò gạch hoạt động- PV) và các chủ lò gạch tổ chức buổi kiểm tra thực tế vào ngày 4-3. Số diện tích lúa bị thiệt hại được đưa ra dựa trên số liệu thu phí dịch vụ của HTX nông nghiệp Lê Lợi, thế nhưng các chủ lò gạch không chấp nhận. Và cũng chưa thể thống nhất được mức bồi thường thiệt hại ban đầu, mặc dù cuộc họp kéo dài quá trưa và khá gay gắt. Việc còn dang dở, bỗng nhiên có sự chỉ đạo của huyện: Tập trung hướng dẫn nông dân chăm sóc phục hồi diện tích lúa bị khô héo… Sau “sự kiện” đó, mặc dù UBND xã Lê Lợi nhiều lần mời UBND xã Thống Nhất và các chủ lò gạch tiếp tục họp bàn để thống nhất các nội dung trên, nhưng không có ai đến nữa. Như thế phải chăng có chuyện UBND huyện Thường Tín “bỏ lọt” việc bồi thường thiệt hại cho bà con xã viên khi xử lý vụ việc?

Dù đã tốn nhiều công sức, nhưng chúng tôi cũng chỉ có trong tay 2 văn bản là Thông báo số 23/TB-UBND và Quyết định số 747/QĐ-UBND ngày 9/3/2009 của UBND huyện Thường Tín. Trong số các công việc cần làm theo tinh thần Thông báo này có mục 1.2: UBND huyện thành lập tổ công tác và giao Phòng Tài nguyên-Môi trường chủ trì…”; mục 2.4: “Phòng Tài chính-Kế hoạch… sản xuất”. Tuy vậy, cho đến nay “tổ công tác” vẫn chưa được thành lập, mà thay vào đó là quyết định thành lập “Đoàn kiểm tra hoạt động sản xuất lò gạch vi phạm về đất đai, đê điều, môi trường tại xã Thống Nhất” (QĐ số 474/QĐ-UBND ngày 9/3/2009). Nhiệm vụ của Đoàn kiểm tra là: “Kiểm tra… báo cáo UBND huyện”, nhưng không thấy giao nhiệm vụ thống kê, xác định mức độ thiệt hại, mặc dù đây lại là cơ sở rất quan trọng để làm rõ trách nhiệm, cũng như bồi thường thiệt cho bà con nông dân.

Chính vì UBND huyện không giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan chức năng tiến hành đánh giá, thống kê, phân loại đầy đủ diện tích thiệt hại, làm rõ trách nhiệm bồi thường, đảm bảo quyền lợi của người dân, nên không có cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.

Cũng từ nguyên nhân đó, hàng chục người dân trong xã đã đến trụ sở UBND xã thắc mắc- Bí thư Đảng uỷ xã Lê Lợi cho biết. Ông Lê Tri Luân, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu cũng chia sẻ: Trong vài ngày qua, có rất nhiều người dân bức xúc khi chưa rõ quyền lợi của họ có được các chủ kò gạch đảm bảo hay không?

Việc chậm trễ khi xử lý sự việc ngay từ ban đầu đã khiến không ít người nghi ngại. Bà Nguyễn Thị Soái (xã Thống Nhất) thẳng thắn: “Cứ thế này thì chẳng khác gì thả gà ra mà đuổi. Ngay như vụ mùa năm ngoái, ở xã tôi, mặc dù chủ lò đã hứa hỗ trợ năng suất 80 kg thóc/sào, nhưng khi thu hoạch xong chỉ chi trả cho chúng tôi 80 nghìn đồng/sào (bằng khoảng 1/4). Cuối cùng là hoà cả làng!”

Thách đố năng suất lúa đạt 1 tạ/sào!

Cũng phải thừa nhận, huyện Thường Tín đã khá chủ động trong việc chăm sóc, khôi phục diện tích lúa xuân bị thiệt hại. Mức hỗ trợ ban đầu để mua phân chăm bón, phục hồi lúa cho xã Tô Hiệu hơn 180 triệu đồng; phân bón lá cho xã Lê Lợi 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do cây lúa sinh trưởng bị chậm lại, chưa kể số diện tích bị thiệt hại nặng, không thể phục hồi được, nên việc ảnh hưởng đến năng suất lúa là không thể tránh khỏi. Ông Lê Xuân Viết, Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp Lê Lợi kể: Ở xứ đồng Ngâu (thôn Hà Vỹ), sau khi được phun thuốc bón lá, bón phân chăm sóc, một vị phó phòng Nông nghiệp& PTNT huyện Thường Tín cho rằng, có thể đạt năng suất bình quân 100 kg/sào. Bởi vậy, nhiều bà con xã viên trong thôn Hà Vỹ đã thách đố: “Nếu người nào làm được những thửa ruộng quá thưa thớt kia đạt năng suất 1 tạ/sào, thì chúng tôi biếu không”. Trên thực tế, đây là xứ đồng đất loại 1, năng suất lúa bình quân mỗi vụ đạt hơn 2 tạ/sào.

Một số vấn đề nữa không thể không tính đến, đó là khi định lượng được mức độ thiệt hại thì lấy kinh phí từ nguồn nào để bồi thường? Được biết, cho đến nay, các chủ lò gạch mới chỉ tạm ứng hỗ trợ 3 xã khoảng hơn 300 triệu đồng. Mức tạm ứng cao nhất 100 nghìn đồng/sào, trong khi hiện tại tiền công thuê cấy là 120 nghìn đồng/sào. Hơn nữa, khi các vi phạm được xử lý, lò gạch bị cưỡng chế, phá dỡ, liệu có thể buộc các chủ lò gạch trên địa bàn xã Thống Nhất phải có trách nhiệm với những diện tích lúa thiệt hại do họ gây ra? Phương án bồi thường sẽ được tính toán, xử lý như thế nào, nếu thiếu những biên bản xác nhận mức độ thiệt hại, và nếu có chắc cũng vượt quá thẩm quyền giải quyết của một phòng, ban cấp huyện.

Rõ ràng, cách xử lý của UBND huyện Thường Tín trước sự việc này, khiến người nông dân chưa thể yên tâm khi quyền lợi chính đáng của họ bị xâm hại, và chưa có cơ sở nào đảm bảo họ được bồi thường thường thích đáng. Được biết, bình quân diện tích canh tác tại các xã Tô Hiệu, Lê Lợi, Thường Tín khoảng 1 sào/người; nguồn lương thực của họ chủ yếu trông chờ vào đồng ruộng canh tác lúa. Bởi vậy, mục tiêu của Chính phủ về đảm bảo an sinh xã hội có thể thực hiện, khi trong vài tháng tới không ít hộ dân ở 3 xã ngoại thành Hà Nội nói trên trông chờ vào những cánh đồng kém năng suất vì khói lò?



Nguồn: www.hanoimoi.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường