Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chế biến - xuất khẩu hạt điều: Phát triển thiếu bền vững
11 | 03 | 2009
Mặc dù vụ điều năm 2008 là lần thứ ba liên tiếp, VN dẫn đầu các nước xuất khẩu (XK) nhân điều lớn nhất thế giới; song, nhìn lại sự phát triển ngành chế biến - XK hạt điều VN, nhiều người vẫn không khỏi e ngại, bởi còn quá nhiều thách thức khiến cho sức cạnh tranh của ngành điều không cao, phát triển thiếu bền vững.

XK mạnh, nhưng sản xuất phập phù!

Một nhà chế biến - XK điều đã bày tỏ ý kiến của mình tại cuộc họp về ngành điều được Bộ NNPTNT tổ chức tại TPHCM vào ngày 6.3.2009: "Nói về ngành điều, bao giờ chúng tôi cũng có 2 cảm giác, vừa tự hào, vừa lo âu. Tự hào vì hạt điều VN đã vươn lên dẫn đầu thế giới, nhưng lo âu bởi sản xuất hạt điều VN cũng còn nhiều lắm những khiếm khuyết".

Thật vậy, theo thống kê của Cục Trồng trọt, năm 2008 là năm thứ ba liên tiếp, VN dẫn đầu thế giới trong XK nhân điều, với giá trị kim ngạch XK 920 triệu USD - tăng 41,3% so với năm 2007. Song, bên cạnh thành quả rực rỡ ấy, năm 2008, diện tích trồng điều tại các địa phương cũng bị thu hẹp.

Theo báo cáo của sở NNPTNT các địa phương, diện tích trồng điều niên vụ 2007-2008 là 421.498ha; trong đó, diện tích thu hoạch khoảng 320.000ha. So với niên vụ 2006-2007, diện tích cây điều đã giảm 15.502ha.

TS Hoàng Quốc Tuấn - Trưởng phòng quy hoạch - Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp - cho rằng: Năm 2007 và 2008, diện tích trồng điều giảm 17.046ha, nhưng điều tra thực tế, diện tích điều giảm ít nhất phải gấp hơn 2 lần so với số thống kê. Giảm nhiều nhất là ở các tỉnh: Khánh Hoà (4.100ha), Bình Định (3.000ha), Đắc Lắc (2.900ha)...

Sản lượng thu hoạch qua các năm cũng không bền vững, mà lúc giảm, khi tăng. Thí dụ: Năm 2006, sản lượng 340.000 tấn, năm 2007 là 400.000 tấn, nhưng năm 2008 giảm còn 350.000 tấn.

Năng suất điều lại tăng rất chậm và không ổn định, do nông dân trồng điều ít đầu tư thâm canh đúng kỹ thuật. Năng suất năm 2005 đạt 1,06 tấn/ha, năm 2006 giảm còn 0,9 tấn/ha, năm 2007: 1,03 tấn/ha và năm 2008 là 1,10 tấn/ha.

Trong lúc đó, tổ chức chế biến lại hết sức manh mún và tự phát. Năng suất lao động được cải thiện, nhưng còn thấp; sản phẩm không đa dạng và ít sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Ước tính cả nước có trên 200 DN chế biến hạt điều, nhưng mới chỉ có... 20 DN đạt ISO 9001:2000 và HACCP. Toàn quốc có 203 DN tham gia XK điều, nhưng các DN XK có quy mô, kim ngạch XK từ 5 triệu USD trở lên, chỉ có 38 DN. Nhiều DN tổ chức XK không có nhà máy chế biến, khi thuận lợi tham gia, khi khó khăn thì bỏ.

Làm gì để kích cầu ngành điều?

Không thể phủ nhận vị trí XK mũi nhọn của ngành điều, nhưng cũng không vì "mũi nhọn" ấy mà quên không có giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành điều, nhất là giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay.

Ông Nguyễn Đức Thanh - quyền Chủ tịch Hiệp hội Điều VN - cho rằng: "Cần phải có chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo ít nhất 5% thị phần vào năm 2010, 10% thị phần năm 2015 và 20% thị phần năm 2020. Còn bây giờ, con số chiếm lĩnh thị phần trong nước của sản phẩm hạt điều, dường như là con số 0 tròn trĩnh".

Ông Thanh cho biết thêm, lâu nay, hầu như tất cả các DN chế biến - XK điều chỉ chú trọng XK mà quên thị trường nội địa. Tới khi, khủng hoảng kinh tế thế giới, chủ trương kích cầu nội lực, quay lại thị trường nội địa, ngành điều chới với.

Nhiều DN chế biến - XK điều VN đã kiến nghị: Cần phải tăng cường hơn nữa việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến - XK điều. Nỗ lực đến năm 2015, phải có 20% số nhà máy và năm 2020, có 50% số nhà máy chế biến - XK điều đạt các tiêu chuẩn ISO, HACCP và RFC; đồng thời, cởi bỏ thuế nhập khẩu điều thô. Đây là những chuẩn mực và điều kiện để hạt điều VN đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Lãng - chuyên gia ngành điều thuộc Hiệp hội Điều VN: "XK nhân điều tuy có tăng về số lượng và giá trị kim ngạch XK; nhưng trong 2 năm qua (2007 và 2008) đã để xảy ra khá nhiều tranh chấp thương mại do phía DN VN không thực hiện đúng hợp đồng giao hàng như: Giao hàng chậm, huỷ hợp đồng với nước ngoài do giá nguyên liệu tăng, hay khi giá nhân điều XK giảm, các DN không giao hàng, vì sợ lỗ vốn...

Đây là những vi phạm thương mại không đáng có, mà nguyên nhân chủ yếu là do tính dự báo hiện trạng thị trường không chính xác, cũng như năng lực quản lý quá kém của các DNVN, dẫn tới những thua thiệt trên".

 



Nguồn: Lao động
Báo cáo phân tích thị trường