Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làng nghề đang ăn nên làm ra
05 | 10 | 2009
Những hợp tác xã trồng trọt, nuôi vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao đang tạo thành một làn sóng mới ở nhiều địa phương.

Thấy được tiềm năng kinh tế của nhiều loại sản phẩm nông nghiệp giá trị kinh tế cao, nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đã kết hợp với doanh nghiệp xây dựng những làng nghề nuôi trồng, hợp tác xã sản xuất nhiều sản phẩm mới.

Sản phẩm lạ

Phong trào nuôi chim yến ở tỉnh Bạc Liêu đang phát triển rầm rộ với những thành công bước đầu. Tỉnh này đang có kế hoạch thành lập làng nghề nuôi yến, một trong những làng nghề mới và được nhiều doanh nghiệp tham gia.

Theo lời kể của một số người dân, năm 2004, một đàn yến từ đâu bay về cư ngụ trên tầng nóc của Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu. Chỉ trong một thời gian, đàn yến từ vài chục con đã tăng lên hàng ngàn con. Sự hiện diện bất ngờ của loài chim quý này khiến nhiều người dân ở Bạc Liêu vô cùng phấn khích. Nhiều người đã đầu tư cải tạo ngôi nhà mình để kéo yến đến ở.

Hiện có hàng chục hộ và doanh nghiệp đang tập trung phát triển kinh tế với ngành nghề mới. Ông Nguyễn Chí Luận, Giám đốc Công ty Địa ốc Bạc Liêu - doanh nghiệp bỏ hơn bảy tỷ đồng cho dự án nuôi yến nhận định: với điều kiện thiên nhiên thuận lợi như hiện nay, trong tương lai, ở Bạc Liêu loại hình kinh tế này sẽ phát triển mạnh. Theo tính toán của ông Luận, đầu tư một căn nhà để thu hút chim yến về làm tổ diện tích tối thiểu 32 m2, cao 12 m và cần phun mưa tạo độ ẩm, tạo mùi bầy đàn chim yến... hết khoảng 200 triệu đồng. Một năm căn nhà đó có thể thu hoạch được 4 kg tổ yến trị giá trên 100 triệu đồng.

Dừa sáp giúp dân phất lên

Cũng như làng yến ở Bạc Liêu, làng trồng dừa sáp ở tỉnh Trà Vinh cũng đang dần được hình thành. Ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè, Bạc Liêu, cho biết trái dừa sáp đã có lâu đời ở vùng này nhưng rất ít người biết đến giá trị của nó. Nhiều người không biết đã bán dừa sáp trộn chung với dừa khô nên giá bán rẻ, nhiều tay “cò” dừa biết chuyện này nên thường hay thâm nhập vào vùng để mua dừa sáp giá rẻ. Thấy được bất lợi này, các ngành chức năng quyết định tìm lai giống dừa quý, đặc biệt là kết nối trồng dừa lại thành tổ hợp để phát triển thương hiệu dừa đặc sản.

Hợp tác xã kinh tế mới thành lập giúp nhiều hộ dân phất lên và bán được dừa sáp giá ổn định. Cụ thể như hợp tác xã mua trong dân 70-80 ngàn đồng/trái dừa sáp, cao hơn nhiều lần so với thời điểm chưa có hợp tác xã. Lúc đó giá dừa sáp được thương lái mua chỉ 30-50 ngàn đồng/trái.

Theo anh Thạch Phu My, người đề xuất dự án hợp tác xã dừa sáp, một số hộ đến nay đã có 30-40 cây dừa sáp, cho khoảng 70-80 trái. đó là chưa kể đến một lượng lớn trái dừa giống cho thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/năm. Hiện tại toàn xã Tân Hòa đã có được 13.000 cây dừa và số lượng sẽ còn tăng hơn nhiều khi nhu cầu thị trường ngày càng lớn.

Ngoài ra, còn khá nhiều làng nghề, hợp tác xã mới xuất hiện với những giống cây trồng lạ, gieo trồng đơn giản, có giá trị kinh tế cao như chanh không hạt, dưa hấu không hạt, lúa một tép... đang được nhiều địa phương triển khai, được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng.



Theo www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường