Theo đó, những sản phẩm làng nghề cũng không nằm ngoài quy luật này, với những nét tinh tế, tài hoa, giàu giá trị nghệ thuật truyền thống, sản phẩm làng nghề ngày càng khẳng định được thương hiệu và giá trị đích thực của mình. Cùng với sự phát triển của xã hội, làng nghề truyền thống đã được bảo vệ, gìn giữ và ngày càng phát triển. Do vậy, những sản phẩm của làng nghề được làm ra không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa văn hóa vật chất mà chứa đựng trong đó là cả một giá trị văn hóa tinh thần rất lớn. Sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ thủ công đã tạo nên những nét tinh tế của sản phẩm cùng với sự vận dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại đã tạo nên sản phẩm mang một bản sắc văn hóa riêng của làng nghề truyền thống. Mỗi làng nghề đều tôn vinh một người sáng lập nghề, được gọi là “ông tổ nghề”, để tưởng nhớ người đã mang nghề về cho quê hương. Hàng năm, người dân thường có những hoạt động tổ chức lễ hội để qua đó nhắc nhở bổn phận những người làm nghề phải giữ nguyên cái gốc của nghề và tiếp nối xây dựng, khẳng định được thương hiệu của sản phẩm làng nghề.
Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) đã được hơn nghìn năm tuổi. Từ lâu, làng Vạn Phúc đã nổi tiếng với nhiều sản phẩm đa dạng như: Lụa Vân, lụa Sa, lụa Hoa, đũi, gấm, lanh... và đã trở thành một sự lựa chọn không thể thiếu của mọi khách hàng trong và ngoài nước khi đến Hà Tây. Du khách nào khi đặt chân đến làng lụa cũng trầm trồ, thán phục vẻ đẹp tinh tế và tao nhã của lụa Vạn Phúc. Lụa Vạn Phúc khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường chính nhờ vào chất lụa: Lụa phải mềm, mỏng, nhẹ, thoáng mát nhưng không rạn, không nhăn... Sự đa dạng về mẫu mã, tinh xảo về kỹ thuật, phong phú về màu sắc và nguyên tắc không được đánh mất lòng tin với người tiêu dùng đã tạo nên thương hiệu lụa Vạn Phúc trong lòng người tiêu dùng. Hiện nay, lụa Vạn Phúc vinh dự là một trong những sản phẩm làng nghề nhận giải thưởng “Tinh Hoa Việt Nam” - giải thưởng tôn vinh giá trị đích thực của làng nghề trong Lễ hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thương hiệu của lụa Vạn Phúc ngày càng được khẳng định qua sự gia tăng số lượng máy dệt, số mét lụa và số luợt khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua hàng.
Xuất hiện muộn hơn làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nhưng làng nghề giày da Phú Yên (Phú Xuyên) đã được nhiều người biết đến là nơi sản xuất ra những đôi giày da nổi tiếng. Các sản phẩm của làng nghề có mặt rộng rãi khắp trên thị trường cả nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Thái Bình... Luôn nhiệt huyết yêu nghề và mong muốn gìn giữ được những nét riêng biệt của giày da Phú Yên, người làm nghề luôn cẩn trọng khi làm nghề. Sản phẩm của làng nghề đã cuốn hút được khách hàng chính là ở vẻ đẹp không ngừng cách tân và chất liệu của sản phẩm làm cho đôi giày mang một vẻ đẹp mới. Người Phú Yên ngày càng say mê với nghề hơn. Bên cạnh những mẫu giày cũ, người làm nghề đã không ngừng sáng tạo, cải tiến để tìm ra những mẫu mới, đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất mới, đồng thời, tham gia các cuộc thi thiết kế giày thời trang, qua đó tìm ra được những mẫu giày phù hợp và thích ứng được với xu hướng của khách hàng trong từng thời kỳ khác nhau, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm. Sắp tới để quảng bá cho thương hiệu của giày da Phú Yên, làng nghề sẽ đóng một đôi giày lớn nhất Việt Nam với chiều dài 10 m. Hiện nay, giày da Phú Yên đang có mặt khắp thị trường trong nước và được khách hàng yêu thích, là một minh chứng chân thực nhất cho thương hiệu của sản phẩm giày da Phú Yên với người tiêu dùng.
Có thể kể đến rất nhiều những sản phẩm làng nghề truyền thống khác như: Sơn mài Duyên Thái, sơn khảm Ngọ Hạ, mây tre Phú Vinh, thêu Quất Động, cơ khí Thanh Thùy... Tất cả các làng nghề đã xây dựng thành công một thương hiệu của mình trong lòng người tiêu dùng bởi những giá trị của sản phẩm làng nghề đó đã được khách hàng trân trọng, nâng niu và tìm đến. Tuy nhiên, trước những tác động của cơ chế thị trường hiện nay, thương hiệu của từng sản phẩm làng nghề cần được bảo vệ hơn và cần thiết có sự đăng ký bản quyền để đảm bảo giữ gìn, công nhận những giá trị đích thực của sản phẩm. Hy vọng rằng, bên cạnh việc tiếp tục gìn giữ và phát huy làng nghề truyền thống, cùng với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, chắc chắn sản phẩm làng nghề sẽ ngày càng khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị của mình.