Giá đường thị trường nội địa và quốc tế 1/2006-9/2009(quy ra USD/tấn)Nguồn: agrodata www.agro.gov.vn Đối với Việt Nam, giá đường trắng tinh luyện trên thị trường nội địa hiện nay đã tăng từ 50-60% so với hồi tháng 1/2009. Khác với thế giới, giá tăng không phải do mất mùa, do sản xuất ethanol mà do giảm diện tích. Uớc tính diện tích mía giảm tới 22 nghìn ha so với năm 2008 (năng suất bình quân 59 tấn/ha) tương đương với mức giảm khoảng 115-125 nghìn tấn đường hay giảm cung khoảng 10%.
Ngành mía đường Việt Nam đã được hỗ trợ rất lớn bởi chương trình 1 triệu tấn đường 1995-2000, và các biện pháp bảo hộ phi thuế trước khi vào WTO. Kể từ năm 2007, khi hội nhập WTO quota nhập khẩu hàng năm được xác định theo cam kết WTO, hạn ngạch năm 2007 là 55.000 tấn và mỗi năm tăng thêm 5% với thuế suất nhập khẩu đường mía trong hạn ngạch là 25% đối với đường thô và 60% đối với đường tinh luyện. Đồng thời, theo cam kết CEPT/AFTA thì thuế nhập khẩu đường thô sản xuất từ mía của các nước ASEAN trong năm 2009 là 10%. Đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch bị áp dụng mức thuế suất rất cao, lên tới 80-100%
Hy vọng sự bảo hộ như vậy sẽ giúp thúc đẩy ngành mía đường vững mạnh, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi về giá và sự ổn định của thị trường đối với một mặt hàng thiết yếu. Song, người tiêu dùng Việt Nam đã và vẫn đang phải trả một mức giá cao hơn 2 lần mức giá thế giới.
Năm 2009 thị trường đường thế giới tăng giá đột biến, và dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao trong vài năm tới. Đáng ra giá thế giới tăng mạnh, giá nội địa có thể không tăng mạnh theo và đây có thể coi là một cơ hội cho ngành mía đường Việt Nam vươn lên để đạt lợi nhuận và tự đứng vững được, người nông dân bán mía giá cao tăng thu nhập, người tiêu dùng trả giá không bị mức tăng cao như tốc độ tăng giá thế giới. Song sự suy giảm của vùng nguyên liệu, cùng với giá thành sản xuất cao đã làm cho giá thị trường nội địa cũng tăng theo giá thế giới.
Kết quả là cơ hội đối với ngành đường bị bỏ lỡ, người tiêu dùng vẫn chịu thiệt vì mức giá vẫn cao. Đối với người nông dân trồng mía cũng không được hưởng lợi vì họ đã bán mía từ vụ trước, và nhiều vùng đã chuyển sang các cây trồng khác. Lại có thể diễn ra tình trạng chuyện lại sang trồng mía, điệp khúc chặt trồng lại vẫn có thể diễn ra.