Tích tụ ruộng đất nhằm tiến đến một nền sản xuất nông nghiệp với công nghệ hiện đại, quy mô lớn. Tuy nhiên, ngay cả khi đã tích tụ được một diện tích đất đáng kể thì nông dân lại phải “đụng” đến một cái khó khác, ấy là thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được quy định trong Luật Đất đai. Theo đó, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với cá nhân, hộ gia đình là 20 năm đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; 50 năm với đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất. Thời hạn ngắn khiến nhiều người không an tâm đầu tư tiền của, công sức vào nông nghiệp.
Thời hạn ngắn, khó sản xuất hiện đại
“Trồng trọt với công nghệ cao thì phải đầu tư nhà kính, nhà lưới, áp dụng hệ thống tưới hiện đại, làm hệ thống đường sá. Như vậy phải rất lâu sau mới thu hồi được vốn. Trong khi đó, với thời hạn sử dụng đất ngắn, người dân sợ đầu tư không an toàn. Những năm tới không được tiếp tục sử dụng đất đó thì sao? Dù về nguyên tắc thì khi hết hợp đồng, anh vẫn có quyền được giao lại đất đó nhưng người ta thấy không chắc chắn. Lỡ có mâu thuẫn với ông chính quyền ở đó hay vì một lý do nào khác, ông ấy lại không giao cho nữa...” - ông Tăng Minh Lộc, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, phân tích những lo lắng của người dân.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM hôm qua (26-3), ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, cũng trăn trở: “Tiền đầu tư cho một trang trại chăn nuôi rất lớn, nhất là với hệ thống xử lý môi trường ở đó. Nếu chỉ được giao đất với thời gian ngắn thì không ai dại đầu tư vào đó”.
Nên giao đất ổn định, lâu dài
“Tâm lý người dân là muốn được giao ruộng đất lâu dài để cải tạo, đầu tư. Theo tôi, bên cạnh việc xóa bỏ hạn điền thì nhà nước cũng không nên giới hạn về thời gian sử dụng đất. Chúng ta phải trở lại quy luật thông thường, theo dòng chảy của tự nhiên” - ông Tăng Minh Lộc nhấn mạnh.
Đi vào trường hợp cụ thể, ông Hoàng Kim Giao cho rằng đối với trang trại chăn nuôi thì phải giao đất tối thiểu 30 năm, lý tưởng nhất là giao hẳn đất cho người sử dụng.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, về thời hạn giao đất nông nghiệp, hiện đang có hai luồng ý kiến khác nhau. Một là kéo dài thời hạn hơn so với hiện nay; hai là không giới hạn về thời gian giao đất. “Theo tôi, tùy vào khả năng và nhu cầu của người sử dụng đất để có giới hạn về thời gian giao đất hay không. Nhưng với những trường hợp có thời hạn thì cũng cần nới rộng hơn so với hiện nay” - ông Cường nói.
Thời hạn giao đất sẽ được quy định trong Luật Đất đai sửa đổi (dự kiến trong năm nay) theo hướng nào? Hôm qua (26-3), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, đơn vị chủ trì soạn thảo luật này, cho biết: “Vấn đề này hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau và đang còn tranh luận. Chúng tôi sẽ phải qua một số nước để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm”.
Ông Vũ Quang Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn An Giang: Gặp rắc rối vì thời hạn hết Theo tôi biết thì thời gian qua ở An Giang đã xảy ra nhiều trường hợp “giấy đỏ” của nông dân hết hạn sử dụng, khi đi vay tiền ở các ngân hàng thì bị phía ngân hàng từ chối cho vay. Khi ấy nông dân phải đến cơ quan tài nguyên và môi trường xin gia hạn thời gian sử dụng thì mới có đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn. Tôi còn nghe nông dân ở một số tỉnh có người đã bán đất khi “giấy đỏ” được cấp sắp hết thời hạn 20 năm vì sợ bị nhà nước thu hồi đất khi hết hạn.
Theo tôi, nếu nhà nước chủ trương đưa nền nông nghiệp đi lên sản xuất lớn, mà thời hạn giao đất không có sự điều chỉnh phù hợp thì những người góp vốn cổ phần bằng tài sản đất cũng sẽ không an tâm sản xuất. Bởi trong quá trình làm ăn cổ phần có hiệu quả, nếu “giấy đỏ” hết hạn sử dụng thì liệu nhà nước có thu hồi lại đất của dân hay vẫn phải ngồi lại để làm thủ tục gia hạn tiếp. |