Đề án đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện, trình Chính phủ vào đầu tháng Tư tới.
Mỗi năm đào tạo một triệu lao động
Ngày 25/3, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về đề án đào tạo nghề cho LĐNT (sau đây viết tắt là đề án) với sáu đầu cầu (Hà Nội, Phú Thọ, Đà Nẵng, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ).
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh cho biết, mục tiêu của đề án là đảm bảo, từ năm 2011 trở đi, mỗi năm đào tạo trên một triệu LĐNT, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 lao động nông nghiệp còn khoảng 30 phần trăm, tỷ lệ LĐNT qua đào tạo đạt trên 50 phần trăm, nâng thu nhập của LĐNT tăng trên 2,5 lần so với hiện nay.
Giai đoạn đầu (2009-2010), sẽ tập trung tuyên truyền về chủ trương, chính sách đào tạo nghề cho LĐNT ở các cấp, ngành, địa phương. Tổ chức thí điểm các mô hình đào tạo phù hợp cho các nhóm đối tượng LĐNT như lao động làm nông nghiệp (gồm cả lao động ở các vùng chuyên canh); lao động chuyển sang phi nông nghiệp ở nông thôn; lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; lao động trong các làng nghề... với khoảng 50 nghề.
Cụ thể, đào tạo các nghề nông nghiệp cho 15 nghìn LĐNT thuộc các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề trồng và chăm sóc rừng, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Dạy nghề phi nông nghiệp cho bốn nghìn lao động để chuyển sang lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Giai đoạn hai (2011-2015), sẽ mở rộng các mô hình thí điểm dạy nghề cho LĐNT để thực hiện mục tiêu đào tạo 5,2 triệu người; đào tạo, bồi dưỡng cho 500 nghìn cán bộ, công chức xã.
Trong giai đoạn tiếp theo (2016-2020), tiến hành đào tạo cho sáu triệu LĐNT. Bộ LĐ-TB&XH dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án từ nay đến năm 2020 là 23.140 tỷ đồng.
Cần phân bổ kinh phí hợp lý
Xung quanh những mục tiêu, chính sách, giải pháp thực hiện... của đề án đào tạo nghề cho LĐNT còn nhiều ý kiến băn khoăn từ các địa phương. Những vướng mắc chủ yếu là về kinh phí và độ tuổi học nghề.
Chủ tịch Hội Nông dân Thái Bình cho rằng, chỉ tiêu đào tạo một triệu LĐNT mỗi năm là quá khiêm tốn so với 34 triệu LĐNT đang có nhu cầu được đào tạo nghề hiện nay.
Ở từng địa phương, có các thế mạnh, ngành nghề đặc thù khác nhau nên cần phân nhu cầu đào tạo LĐNT theo từng vùng kinh tế trọng điểm, theo lãnh thổ thì phù hợp hơn.
Về chính sách đối với dạy nghề, đại diện tỉnh Thái Bình đánh giá mức hỗ trợ kinh phí cho LĐNT chưa thể động viên họ yên tâm theo học. Các đối tượng LĐNT học nghề dưới ba tháng được hỗ trợ hai triệu đồng/người/khoá cũng chưa hợp lý. Những người học sơ cấp trở lên cũng nên được hỗ trợ kinh phí.
Theo bà Hoàng Thu Phong, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, mức phí hỗ trợ đi lại cho một người 200.000 đồng/một khoá học là quá ít.
Nhiều địa phương không có xe buýt, người học phải tự túc phương tiện (như dùng xe đạp, xe máy) sẽ rất khó khi thanh toán. Đồng tình với ý kiến này, các đại biểu tại điểm cầu Cần Thơ đề nghị có mức hỗ trợ hợp lý cho học viên sống trong vùng có nhiều sông, kênh rạch đi lại bằng tàu thuyền.
“Thay vì hỗ trợ tiền mua ô tô bán tải như quy định trong đề án, nên xem xét phương án mua tàu, thuyền cho các địa phương có nhiều kênh, rạch ở Đồng bằng Sông Cửu Long” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ đề nghị.