Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thế giới với vấn đề kinh doanh năng lượng sạch
04 | 10 | 2007
Việc sản xuất và kinh doanh năng lượng sạch trên thế giới đang ngày càng phát triển để đối phó những lo ngại về an ninh năng lượng, về nguồn dầu lửa đang cạn kiệt, giá dầu thế giới tăng cao, môi trường bị đe dọa nghiêm trọng.
Chương trình môi trường LHQ (UNEP) vừa cho biết, các thị trường buôn bán liên quan lĩnh vực khí thải gây hiệu ứng nhà kính ước đạt 2 nghìn tỷ USD vào năm 2012.

Kinh doanh năng lượng sạch là một lĩnh vực đầu tư mới mẻ và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Cộng đồng quốc tế đang tăng cường đầu tư cho năng lượng tái sinh như sức gió, nước hay ánh sáng mặt trời... ước tính năm 2005, đầu tư vào lĩnh vực này đạt tới 63 tỷ USD. Dự báo, ngành kinh doanh này sẽ tăng trưởng mỗi năm 20-30% trong vòng một thập niên. Năm năm qua, sản xuất năng lượng từ dầu mỏ và than đá chỉ tăng 2-3% mỗi năm, trong khi năng lượng bằng sức gió và năng lượng mặt trời tăng khoảng 30%. Trên thế giới hiện có 49 quốc gia có chương trình khuyến khích đầu tư và sử dụng năng lượng sạch.

Năng lượng tái sinh còn là một lĩnh vực quan trọng giúp các nước châu Á, nhất là ở các vùng nông thôn tạo môi trường thu hút đầu tư quốc tế. UNEP cho biết, đến nay, đã có hơn 40 dự án năng lượng sạch đang được triển khai ở các nước đang phát triển và các nước này có thể nhận được nguồn đầu tư vào năng lượng sạch lên tới 100 tỷ USD trong những năm tới. Trung Quốc là nước dẫn đầu châu Á về đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái sinh với mục tiêu đưa năng lượng tái sinh chiếm 10% tổng nguồn cung cấp năng lượng của nước này vào năm 2010. Hơn 30 triệu người Trung Quốc đang sử dụng nước nóng từ năng lượng mặt trời. Ấn Ðộ đã quy hoạch 39,2 triệu ha trồng cây gia-tơ-ro-pha để có thể thay thế 20% nhu cầu nhiên liệu diesel trong năm năm tới. Indonesia và Philippines đã thu hút hơn 20 triệu USD đầu tư nước ngoài trồng các loại cây cung cấp nhiên liệu sinh học. Liên Hiệp châu Âu (EU) đặt mục tiêu đến năm 2010 có 5,75% nhiên liệu cho giao thông không có nguồn gốc hóa thạch, 18% điện năng tạo ra từ các nguồn tái sinh được. Chính phủ Pháp có kế hoạch nâng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu sạch lên 5,75% vào năm 2008 và 10% vào năm 2010. Thụy Ðiển đã đưa ra một kế hoạch táo bạo phấn đấu để vào năm 2020, trở thành nước đầu tiên trên thế giới phát triển nền kinh tế không lệ thuộc vào dầu mỏ, tức là thay thế tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch bằng những nguồn năng lượng có thể tái tạo.

LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành một cuộc cách mạng nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Trong các nguồn năng lượng mới như sức gió, pin mặt trời, tấm nhiệt mặt trời, địa nhiệt, thủy điện cỡ nhỏ và sinh học, thì năng lượng bằng sức gió phát triển nhanh nhất vì có lợi thế rẻ tiền, dồi dào, dễ áp dụng, sạch và không làm hại môi trường. Châu Âu đang dẫn đầu thế giới về năng lượng bằng sức gió. Hiệp hội Năng lượng sức gió châu Âu ước tính đến năm 2020 khoảng 195 triệu người, tức một nửa số dân lục địa này, có thể sử dụng điện bằng sức gió. Tại Mỹ, việc sử dụng điện bằng sức gió đã tăng đến 35%. Trung Quốc cũng đề ra mục tiêu tăng gấp đôi mức sản xuất điện từ sức gió hiện nay.

Theo UNEP, nhiên liệu diesel sinh học có thể giảm tới 78% lượng khí thải đi-ô-xít các-bon. Brazil hiện là nước dẫn đầu Mỹ la-tinh trong việc sử dụng năng lượng sinh học tái sinh. Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) cho rằng, việc phát triển năng lượng sinh học sẽ phục hồi ngành sản xuất mía đường ở một số nước, như ở Brazil có tới một triệu chiếc ô-tô chạy bằng năng lượng sản xuất từ cây mía. Nhiều nước Ðông - Nam Á cũng có những chương trình phát triển chiến lược về năng lượng tái sinh, như Malaysia sử dụng xe ô-tô chạy bằng nhiên liệu sinh học được chế biến từ nguồn dầu cọ phong phú trong nước hay Philippines sử dụng phế liệu của ngành mía đường để sản xuất năng lượng. Malaysia, nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, đã xây dựng 10 nhà máy sản xuất diesel sinh học từ dầu cọ để xuất khẩu. Thái-lan khẳng định sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học là mục tiêu của nước này trong vài thập kỷ tới.
 


Theo Nhân dân
Báo cáo phân tích thị trường