Đó là kết quả của cuộc điều tra do Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers' (PwC) vừa tiến hành đối với 1.100 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại 50 nước trên thế giới.
Theo đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhiều Tổng giám đốc lựa chọn để tính chuyện tiến hành các thương vụ mua bán sáp nhập xuyên quốc gia trong năm 2007 nhất. Tiếp đó là các khu vực Tây Âu, Đông Âu và Mỹ Latin.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp lớn trên thế giới đều cho rằng các thương vụ mua bán sáp nhập xuyên quốc gia là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để tiếp tục tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong năm nay.
Điều thú vị của kết quả khảo sát năm nay là đa số lãnh đạo doanh nghiệp muốn tiến hành các thương vụ mua bán sáp nhập xuyên quốc gia ngay trong khu vực của mình hơn là vươn ra các châu lục khác.
Thách thức với hoạt động sáp nhập ở châu Á
Kết quả điều tra cũng cho thấy, hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp lớn trên thế giới đều cho rằng, thách thức lớn nhất có thể cản trở tham vọng mua bán sáp nhập của họ là các yếu tố: xung đột, văn hoá không tương thích và đặc biệt là sự thay đổi bất ngờ của chính sách ở các nước.
Hewitt Associates (Hewitt), một công ty tư vấn nguồn nhân lực toàn cầu cho biết khả năng lãnh đạo, sự hoà hợp về văn hoá và mối quan hệ giữa nhân viên là những thách thức lớn nhất đối với thành công của các thương vụ liên kết và sáp nhập (M&A) ở châu Á - Thái Bình Dương.
Thông báo này là kết quả của một cuộc nghiên cứu kéo dài hai tháng về hoạt động M&A ở châu Á - Thái Bình Dương do Hewitt tiến hành gần đây. Cuộc nghiên cứu này đánh giá mối liên hệ giữa yếu tố nguồn nhân lực với thành công lâu dài của các thương vụ liên kết sáp nhập trong khu vực.
Hewitt đã bắt đầu tiến hành chương trình nghiên cứu hoạt động M&A giữa 73 công ty quy mô lớn của 11 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 3 đến tháng 4, giống như chương trình mà Hewitt đã tiến hành ở Liên minh châu Âu cách đây 3 năm.
Kết quả cuộc nghiên cứu này cho thấy các hoạt động liên kết sáp nhập ở châu Á sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, với 59% số người được hỏi cho biết trong tương lai gần họ thích đầu tư vào châu Á hơn các khu vực khác, còn 44% rất lạc quan về hoạt động liên kết sáp nhập ở châu Á trong hai năm tới.
Cũng theo cuộc nghiên cứu này, 34% số người được phỏng vấn tin rằng yếu tố nguồn nhân lực chưa đáp ứng đúng yêu cầu là một trong những cản trở lớn trong các thương vụ liên kết sáp nhập.
Sự hoà hợp văn hoá gần đây đã trở thành yếu tố nguồn nhân lực phức tạp và quan trọng nhất trong một thương vụ liên kết sáp nhập. Nhưng 52% số người được hỏi cho biết họ không tin là sự hội nhập văn hoá sẽ mất hơn 6 tháng, và chỉ có 13% cho biết họ dành cho quá trình này một thời gian thích hợp.
Cuộc nghiên cứu cho thấy chỉ có 28% số người được phỏng vấn coi trọng sự hoà hợp giữa các yếu tố con người trong quá trình sáp nhập. Tuy nhiên, nhiều công ty đang bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của yếu tố con người trong quá trình liên kết sáp nhập hoặc thành lập liên doanh.
2006, năm được mùa của những vụ sáp nhập
2006 quả là một năm được mùa của những vụ sáp nhập, với tổng giá trị các thương vụ kiểu này đã vượt quá kỷ lục của thời hoàng kim 2000.
Theo số liệu thống kê của hãng thông tin Dealogic, tính đến ngày 20/11, tổng giá trị của những vụ sáp nhập trong năm 2006 đã lên tới 3.460 tỷ USD, tính trên phạm vi toàn cầu.
Con số này đã vượt kỷ lục lập năm 2000 là 3.330 tỷ USD. Tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's gọi đây là "hội chứng sáp nhập".
Tuy nhiên, về số lượng những vụ sáp nhập, con số năm 2006 (tổng cộng 28.312 thương vụ) lại giảm so với năm 2000 (31.019 thương vụ).
Năm 2006, nước Mỹ vẫn là trung tâm của những vụ sáp nhập, chiếm tới 36% tổng giá trị của những vụ sáp nhập trên toàn cầu, với giá trị tuyệt đối đạt 1.220 tỷ USD, giảm so với mức 46%, tương đương 1.530 tỷ USD của năm 2000.
2006 là một năm được mùa của những vụ sáp nhập một phần là nhờ dòng vốn ngày càng tăng của các quỹ đầu tư tư nhân cũng như các công ty đang niêm yết trên các sàn chứng khoán thế giới.
Bên cạnh đó, lãi suất của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới thấp kỷ lục trong năm nay cũng góp phần đẩy các tổ chức, cá nhân rót tiền thêm vào các công ty để nắm giữ cổ phần, cổ phiếu thay cho gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi.
Một nguyên nhân nữa giúp giá trị các vụ sáp nhập trên thế giới phá kỷ lục là do xu hướng cổ phần hoá, tư nhân hoá đang trở nên phổ biến hơn ở nhiều nước, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang phát triển, tạo nguồn hàng dồi dào hơn cho các nhà đầu tư đang có tiền nhàn rỗi.
Theo dự đoán của Phó Giáo sư Anthony Sabino thuộc trường Đại học St. John's University ở New York, xu hướng sáp nhập sẽ tiếp diễn theo đà này vào năm 2007, với số lượng cũng như tổng giá trị còn cao hơn năm 2006.