Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhu cầu cá rô phi cao nhưng giá vẫn duy trì ở mức tương đối thấp
24 | 12 | 2016
Trong nửa đầu năm 2016, ước khoảng 170.000 tấn cá rô phi (nguyên con, phile và tẩm bột) cung ứng ra thị trường quốc tế. Nguồn cung giảm gần đây tại Trung Quốc vào mùa hè vừa qua có thể đẩy giá cá rô phi tăng vào cuối năm 2016 – đầu năm 2017.

Châu Á

Châu Á tiếp tục là nguồn cung cá rô phi lớn nhất thế giới. Trong nửa đầu năm 2016, khu vực này cung cấp 150.000 tấn cá rô phi cho thị trường xuất khẩu, bao gồm 52% phile đông lạnh và 48% cá nguyên con đông lạnh. Các nhà sản xuất lớn nhất trong khu vực lần lượt là Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan và Malaysia. Đài Loan là khu vực tiên phong trong sản xuất cá rô phi trong 10 năm qua. Trong nửa đầu năm 2016, xuất khẩu cá rô phi của Đài Loan tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó 62% là cá đông lạnh, phần lớn là nguyên con sang thị trường Mỹ. Các thị trường Trung Đông, đặc biệt là Cô-oét, UAE và Bahrain đang nổi lên là các thị trường có nhu cầu cao đối với cá rô phi. Cá rô phi phile chất lượng cao đông lạnh dùng cho sashimi được xuất khẩu sang Nhật Bản với mức giá cao 11,6 USD/kg mặc dù thị trường nội địa đã hấp thụ phần lớn nguồn cung.

Tại Ấn Độ, Trung Đông đang nổi lên là thị trường ngày càng quan trọng. Hiện khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu cá rô phi của Ấn Độ là sang các thị trường Trung Đông, với UAE, Saudi Arabia và Oman là các thị trường nhập khẩu lớn nhất.

Trung Quốc

Xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2016 duy trì ổn định, tương đương với cùng kỳ năm 2015, mặc dù có sự chuyển dịch trong cơ cấu chủng loại sản phẩm xuất khẩu. Xuất khẩu cá rô phi phile đông lạnh và cá rô phi nguyên con đông lạnh, vốn chiếm tỷ trọng cao nhất, nay đang trên đà giảm, với mức giảm lần lượt 2,8% và 3,4% trong nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015. Cá rô phi tẩm bột phile xuất khẩu tăng trưởng tốt với Mexico, các thị trường châu Phi và Israel nhập khẩu mạnh. Xuất khẩu cũng tăng mạnh sang Bờ Biển Ngà, thị trường lớn thứ 3 của Trung Quốc sau Mỹ và Mexico.

Giá xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2016 giảm so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình cá phile đông lạnh giảm 12,3%, cá rô phi tẩm bột 8,3% và cá nguyên con đông lạnh giảm 5%. Tuy nhiên, do nguồn cung từ Trung Quốc giảm trong mùa hè vừa qua do thời tiết lạnh làm giảm sản lượng cá rô phi dự trữ, giá xuất khẩu đã tăng mạnh trở lại.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá rô phi Trung Quốc mặc dù giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường châu Phi chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong cơ cấu thị trường xuất khẩu cá rô phi Trung Quốc, với mức nhập khẩu 44.700 tấn. Các thị trường Mỹ Latin chiếm 12,4% cơ cấu thị phần, trong đó Mexico chiếm tỷ trọng lớn nhất. Xuất khẩu cá rô phi sang Iran tiếp tục tăng lên 8.400 tấn trong nửa đầu năm 2016, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ

Nhập khẩu cá rô phi của thị trường Mỹ trong nửa đầu năm 2016 giảm 10% về lượng và 21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Lượng nhập khẩu đạt 100.500 tấn, trị giá 404,6 triệu USD. Mặc dù Mỹ tăng nhập khẩu cá rô phi từ Đài Loan và Indonesia nhưng không bù đắp được giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giá nhập khẩu trung bình cá rô phi phile đông lạnh trong cùng giai đoạn so sánh giảm 11%. Nhu cầu cá rô phi có thể tăng trong những tháng tới khi các hoạt động thu mua sôi động hơn trước kỳ nghỉ lễ năm mới.

Mỹ Latin

Honduras tiếp tục là nhà cung cấp cá rô phi lớn nhất Trung Mỹ, mặc dù giá trị xuất khẩu sang giảm 19% trong nửa đầu năm 2016. Ngành nuôi cá rô phi ngày càng quan trọng tại Brazil và hiện là ngành sản xuất thủy sản lớn thứ 2 của nước này. Bang sản xuất cá rô phi chính là Parana, chiếm hơn 25% tổng sản lượng cá rô phi cả nước. Ngành này tăng trưởng nhanh nhờ hệ số chuyển đổi thức ăn hiệu quả, các thể chế nghiên cứu nông nghiệp và CAN (Liên đoàn thủy sản và chăn nuôi Brazil), hiện ở mức 1:4. Nhu cầu cá rô phi trên thị trường nội địa ngày càng tăng và đồng Real Brazil giảm giá so với đồng USD nên thúc đẩy xuất khẩu.

Một số nhà phân tích dự báo rằng Brazil sẽ trở thành nhà sản xuất cá rô phi hàng đầu thế giới, về dài hạn cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường phile đông lạnh. Theo báo cáo gần đây của Rabobank, Brazil có thể tăng tốc độ sản xuất đến 10%/năm, vượt mức sản lwongj 490.000 tấn vào năm 2020.

Tại Colombia, xuất khẩu cá rô phi tăng chủ yếu do nguồn cung cá rô phi giảm trên thị trường nội địa. Các nhà sản xuất lớn thường lựa chọn xuất khẩu do tỷ suất lợi nhuận cao hơn., đặc biệt là khi đồng peso Colombia đang giảm giá so với đồng USD. Nông dân Colombia sản xuất cá rô phi đỏ được ưa chuộng tại thị trường trong nước, nhưng hiện đang chuyển dịch sang sản xuất cá rô phi đen, với chi phí sản xuất thấp hơn để xuất khẩu. Do đó, thâm hụt cá rô phi đỏ cho thị trường nội địa có thể dẫn đến giá tăng trong năm 2017.

EU

Trong nửa đầu năm 2016, EU đã giảm nhập khẩu 1.120 cá rô phi từ các nhà cung cấp ngoại khối, chủ yếu giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng cộng EU đã nhập khẩu 12.300 tấn, 56% là cá phile đông lạnh và 44% là cá nguyên con đông lạnh.

Mặc dù giảm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng nguồn cung cá rô phile đông lạnh chất lượng hảo hạng vẫn tăng từ Indonesia, Đài Loan và Thái Lan. Giá nhập khẩu cá rô phi phile đông lạnh trong giai đoạn này dao động từ 6,2 – 13 USD/kg.

Theo Globefish



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường