Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cao su thế giới tháng 1/2007
05 | 09 | 2007
Giá hồi phục nhanh do nguồn cung giảm dần; Nhu cầu của ngành lốp xe sẽ tiếp tục cao, hỗ trợ giá cao su; Dự báo giá sẽ tăng trong thời gian tới.
Giá cao su thiên nhiên hồi phục nhanh trong tháng 1/2007 do nguồn cung giảm dần trong khi khách hàng đã trở lại thị trường sau Tết dương lịch. Nhu cầu từ khách hàng Trung Quốc bắt đầu tăng lên. Mùa thu hoạch cao su cao điểm đang qua đi. Trong khi đó, hiện tượng thời tiết El – Nino bắt đầu ảnh hưởng tới các một số nước khu vực Đông Nam Á, gây lũ lụt ở nhiều khu vực thuộc Indonexia và Malaysia. Từ mức khoảng 1,5 USD/kg hồi tháng 11/2006, giá cao su đã tăng lên khoảng 2,2 USD/kg hiện nay, so với chỉ khoảng 2 USS cách đây một tháng.
Giá cao su thiên nhiên đã liên tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2006 do nhu cầu cao xuất phát từ giá dầu cao, vượt xa nguồn cung. Chỉ trong vòng nửa năm, giá đã tăng khoảng 50%, từ 175,50 US cent/kg lên mức cao kỷ lục của 27 năm nay, là 286 US cent/kg vào ngày 28/6/2006, gấp 5 lần so với năm 2001, do giá dầu mỏ tăng mạnh, kéo theo giá cao su tổng hợp - đối thủ cạnh tranh của cao su thiên nhiên – tăng, đúng vào thời điểm nguồn cung trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia, Thái Lan và Indonesia, khan hiếm; đồng thời nội tệ của các nước sản xuất cao su chính tăng giá mạnh so với USD và Trung Quốc rất tích cực mua cao su vào trong những tháng đầu năm 2006. Nhu cầu cao su trên toàn cầu nửa đầu năm 2006 luôn trong tình trạng vượt xa cung.
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2006, giá liên tục giảm khi thời tiết thuận lợi làm tăng sản lượng ở Thái Lan và Malaysia, trong khi Trung Quốc gần như biến mất khỏi trường này. Trung Quốc đã nhập khẩu 1,32 triệu tấn cao su trong 10 tháng đầu năm 2006, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, trong quý cuối năm, Trung Quốc còn rất nhiều cao su dự trữ, và họ có điều kiện để chờ đợi giá giảm. Chỉ trong trong vòng 5 tháng, giá cao su giảm xuống thấp hơn mức của đầu năm, 150 US cent/kg. Giá dầu mỏ giảm dần làm cho cao su tổng hợp trở nên rẻ hơn cao su thiên nhiên, và Trung Quốc khuyến khích các công ty lớn xem xét chuyển sang sử dụng cao su tổng hợp.
Nhưng bắt đầu từ cuối tháng 11/2006, giá hồi phục dần. Nguồn cung lúc này không còn dồi dào như trước đó vì lũ lụt đã ảnh hưởng nặng nề tới tiến độ lấy mủ cao su ở ba nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Mưa lớn ở Indonexia sẽ làm hạn chế nguồn cung cao su thiên nhiên trong hai tháng đầu năm. Indonexia là nước sản xuất cao su tự nhiên lớn thứ 2 thế giới. Sản lượng cao su tự nhiên của Indonexia năm 2006 đã bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, làm cho mùa đông ở một số khu vực kéo dài, nhất là ở miền đông đất nước. Tiếp sau đó là mưa bất thường trái mùa gây khó khăn cho việc thu hoạch mủ cao su. Trong những tháng cuối năm 2006, ngày nào cũng có mưa, khiến người trồng cao su không thể thu hoạch mủ. Nguồn cung ở nước này trở nên cực kỳ khan hiếm.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), sản lượng cao su tự nhiên thế giới năm 2006 tăng 4,5% so với năm trước, lên 9,1 triệu tấn, trong đó Malaysia, nước sản xuất và xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới sau Thái Lan và Indonexia, có sản lượng tăng mạnh nhất. Tiêu thụ cao su thế giới năm 2006 tăng 1,6% lên 8,918 triệu tấn, tức là còn dư khoảng 180.000 tấn. Sản lượng cao su tự nhiên của các nước sản xuất chính ở châu Á (là Thái Lan, Indonexia và Malaysia) tăng 4,8%, đạt 6,6 triệu tấn, so với 6,3 triệu tấn năm trước, nhờ thời tiết tốt và giá cao. Ba nước này chiếm khoảng 70% sản lượng cao su toàn cầu. Thái Lan, nước sản xuất cao su số 1 thế giới, đã sản xuất 3,03 triệu tấn, so với 2,98 triệu tấn năm trước. Sản lượng của Malaysia đạt 1,165 triệu tấn, tăng so với 1,13 triệu tấn năm trước. Riêng sản lượng của Indonexia giảm xuống 2,2 triệu tấn so với 2,27 triệu tấn năm trước.
Hiệp hội các nước sản xuất Cao su Thiên nhiên dự báo sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2007 sẽ tăng 3,08% lên 9,36 triệu tấn. Sản lượng của 7 nước sản xuất cao su chính trên thế giới (Ấn Độ, Inđônêxia, Malaysia, Papua New Guinea, Srilanka, Thái Lan và Việt Nam) sẽ tăng 2% đạt 8,09 triệu tấn vào năm 2007 chủ yếu nhờ sản lượng của Việt Nam tăng cao. Sản lượng cao su của Việt Nam dự báo tăng 7,4% đạt 580.000 tấn vào năm 2007 so với mức 540.000 tấn năm 2006. Các nước sản xuất đã bắt đầu tăng diện tích trồng cao su từ năm 2002, và sau đó 4-5 năm cây sẽ cho thu hoạch, tức là cung mủ cao su thế giới sẽ bắt đầu tăng từ cuối 2006. Trong khi đó, nhu cầu cũng sẽ tăng trong bối cảnh ngành ô tô phát triển bùng nổ ở những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ hay Trung Quốc.
Nhu cầu cao su thế giới đang trên đà tăng mạnh, đặc biệt ở những nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, kinh tế Mỹ đang trên đà phát triển mạnh, kinh tế Nhật hồi phục nhanh cũng làm tăng nhu cầu lốp xe và các sản phẩm cao su khác. Xu hướng phát triển của ngành công nghiệp sản xuất lốp ở các nền kinh tế mới nổi đang làm gia tăng sự phụ thuộc vào cao su thiên nhiên, đặc biệt là tại Ấn Độ và Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới. Tiêu thụ cao su của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 10% trong năm 2007, đạt hơn 6 triệu tấn, bao gồm 2,6 triệu tấn cao su thiên nhiên và 3,5 triệu tấn cao su tổng hợp, sau khi đã tăng 12% đạt 5,55 triệu tấn trong năm 2006. Sản lượng lốp xe radial của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 16% lên 209,34 triệu chiếc, sau khi tăng 22% năm 2006 và 44% năm 2005. Nhập khẩu cao su thiên nhiên vào nước này đã tăng 14,6% lên 1,61 triệu tấn trong năm 2006, trong khi nhập khẩu cao su tổng hợp tăng 19% đạt 1,30 triệu tấn. Trong tương lai, nhu cầu của Trung Quốc sẽ tiếp tục cao bởi ngành ô tô nước này đang bùng nổ. Hiện có trên 40 dự án sản xuất lốp xe đã hoặc đang được xây dựng ở Trung Quốc, và xuất khẩu lốp xe nước này đang tăng với tốc độ 40-50% mỗi năm. Trong kế hoạch 2006-2010 của Hiệp hội Công nghiệp Cao su Trung Quốc, sản lượng lốp xe nước này sẽ tăng tới 320 triệu chiếc vào 2010, bao gồm 60 triệu lốp xe tải nặng. Trung Quốc sẽ cần phải nhập khẩu nhiều cao su, đặc biệt là cao su tự nhiên trong vài năm tới do sản xuất trong nước chỉ có thể đáp ứng được một nửa nhu cầu tiêu thụ nội địa. Tiêu thụ cao su của Trung Quốc dự báo vượt quá 7 triệu tấn vào năm 2010, so với 5 triệu tấn trong năm 2005. Năm 2006, Ấn Độ cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt cao su trầm trọng, đẩy thị trường này lâm vào cơn sốt giá. Dự trữ cao su tại đây giảm mạnh do ngành sản xuất ô tô phát triển mạnh. Sản lượng cao su tự nhiên Ấn Độ năm 2005/06 tăng mạnh nhờ thời tiết thuận lợi và giá cao khích lệ người trồng cao su tăng diện tích trồng và tăng đầu tư cho cây trồng này, tăng 7,1% đạt 803.000 tấn, song sẽ tăng chậm lại vào năm 2006/07, kết thúc vào tháng 3, chỉ thêm 3,5% lên 831.000 tấn. Mặc dù sản lượng tăng, các ngành tiêu thụ đều cho rằng sản lượng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong năm nay. Do vậy, các công ty cao su vẫn phải lên những kế hoạch nhập khẩu khối lượng lớn cao su tự nhiên để bù vào chỗ thiếu hụt trên thị trường nội địa, ngay cả khi giá cao su tăng cao.
Dự báo giá cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục nhích lên trong thời gian tới, xong với tốc độ tăng chậm hơn so với những tháng đầu 2006. Mùa thu hoạch ở hai nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới là Thái lan và Malaysia qua đi. Xong nhu cầu năm nay sẽ không tăng mạnh như năm ngoái bởi tốc độ tăng sản xuất lốp xe chậm lại. Thị trường cao su tự nhiên thế giới sẽ tiếp tục chịu tác động bởi thị trường dầu mỏ. Trung Quốc sẽ là yếu tố ảnh hưởng mạnh tới thị trường cao su thời gian tới. Tốc độ công nghiệp hoá như vũ bão của các nền kinh tế khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ dự báo sẽ tiếp tục đẩy nhu cầu cao su tăng nhanh. Tuy nhiên, nhờ mấy năm giá cao nên các nước tiêu thụ bắt đầu tính tới việc đầu tư cho sản xuất, nên sản lượng sẽ tăng nhanh dần.


Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường