Thị trường cà phê Robusta đang phát đi một số tín hiệu cho thấy khả năng tăng giá, với giá chênh hợp đồng giao ngay và hợp đồng giao sau đang tăng lên, vốn là hiện tượng thường diễn ra khi nguồn cung ngắn hạn có khả năng giảm, và các mức chênh giá bị kéo gần lại, Olam nhận định. “Mức cheeh giá cà phê Indonesia rất sít sao”, theo Sunny Verghese, CEO kiêm nhà sáng lập của Olam cho hay. “Đồng thời, chúng tôi cũng quan sát thấy mức chênh đang giảm trên khắp các loại cà phê Robusta từ các xuất xứ khác nhau”, ông nhấn mạnh tác động của hoạt động thu hoạch bị trễ do mưa lớn đang càng củng cố diễn biến chênh giá trên tại Việt Nam – nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Đồng thời, thị trường cũng “đang trải qua tình trạng trái chiều mạnh”, ông Verghese nhận định: chênh giá của hợp đồng cà phê Robusta tương lai tháng 11 trên sàn Luân Đôn đang cao hơn 70 USD/tấn so với mức chênh giá hợp đồng cà phê Robusta giao tháng 3/2018, so với mức chênh 20 USD hồi 3 tháng trước,
Trong khi đó, giá hợp đồng giao ngay trên thị trường Luân Đôn giảm hơn 160 USD/tấn trong cùng giai đoạn so sánh. “Diễn biến trái chiều này cho thấy sự phân hóa mạnh trên thị trường khi các mức chênh giá giữa các hợp đồng tăng mạnh nhưng giá tham chiếu đầu mối lại giảm”.
Vận động này cho thấy giá cà phê Robusta “có khả năng tăng mạnh”, chủ yếu do các nhà đầu tư sẽ phải tăng mua để giải quyết các hợp đồng tương lai ngắn hạn. Ông Verghese cho rằng khả năng này rất cao. Ông Verghese cũng dẫn ước tính sản xuất cà phê Robusta toàn cầu sẽ thiếu hụt 4 triệu bao trong niên vụ 2017-18.
Tuy nhiên, ông nhận định thận trọng hơn về triển vọng thị trường cà phê Arabia, với áp lực tăng giá trên thị trường đang giảm bớt do dự báo sản xuất cà phê Arabica năm 2018 của Brazil sẽ có sản lượng cao kỷ lục. “Chúng tôi cho rằng khuynh hướng tăng giá cà phê Arabica vẫn còn nhưng với ước tính sản lượng cà phê Arabica Brazil niên vụ 2018-19 ở mức cao, thị trường sẽ gặp các áp lực giảm giá”.
Về giá cacao, vị CEO này nhận định giá đang trong giai đoạn gặp nhiều áp lực giảm. Triển vọng thặng dư trên thị trường cacao toàn cầu niên vụ 2017-18 ngày càng lộ rõ, sau khi thị trường niên vụ 2016-17 đã thặng dư khoảng 364.000 tấn. Trong niên vụ hiện tại, thặng dư thị trường cacao có thể được kìm hãm bởi tăng trưởng nhu cầu cacao tương đối mạnh, các nhà chế biến tiếp tục tận dụng lợi thế lợi nhuận biên chế biến đang tăng – thường được tính bằng tỷ lệ giá bột và bơ cacao so với giá cacao nguyên liệu thô.
Theo Agrimoney (Gappingworld.com)