Tại Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay, giá gạo đồ 5% tấm tăng 2 USD/tấn lên 418 – 421 USD/tấn. “Giá xuất khẩu tăng nhẹ để bù đắp tác động của đồng Rupee tăng giá”, một nhà xuất khẩu tại Kakinada thuộc bang miền nam Ấn Độ Andhra Pradesh cho hay. Đồng Rupee tăng giá lên mức cao nhất trong 3 tháng qua vào đầu tuần này, đẩy giá gạo tính bằng đồng USD tăng và thu hẹp lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Chính phủ thu mua mạnh và nhu cầu mua mạnh từ Bangladesh cũng là các yếu tố hỗ trợ giá, theo một nhà xuất khẩu khác tại Kakinada cho hay. Chính phủ Ấn Độ thu mua gạo từ nông dân với giá cố định để phục vụ kho dự trữ dùng cho chính sách trợ cấp lương thực và đáp ứng bất cứ nhu cầu khẩn thiết nào như giá tăng mạnh bất ngờ. Bangladesh nổi lên là nước nhập khẩu gạo lớn trong năm 2017 sau khi lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất tại nước này, sẽ nhập khẩu 150.000 tấn gạo từ Ấn Độ với giá 440 USD/tấn theo hợp đồng chính phủ.
Tại Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, nhu cầu dự báo duy trì thấp cho tới đầu năm 2018. “Tháng tới, tôi dự báo nhu cầu gạo sẽ tăng tại các nước châu Phi cũng như Indonesia và Philippines. Cho tới lúc đó, nhu cầu và giá sẽ duy trì ổn định”, theo một thương nhân tại Bangkok nhận định.
Giá gạo Thái 5% tấm chào bán ở mức 390 – 398 USD/tấn trong tuần này (FOB Bangkok), so với 390 – 400 USD/tấn trong tuần trước. Tuy nhiên, một số thương nhân cho rằng nguồn cung giảm do đã bước vào cuối vụ thu hoạch, thì lạc quan rằng chính phủ sẽ can thiệp bằng trợ cấp khi nguồn cung gạo mới bắt đầu tung ra thị trường. “Nguồn cung hiện ở mức thấp và vụ thu hoạch sắp tới dự kiến diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2 tới. Chính phủ sẽ có biện pháp can thiệp để hỗ trợ nông dân”, một thương nhân tại Bangkok cho hay.
Trong khi đó, thị trường gạo Việt Nam cũng trầm lắng do hoạt động thu hoạch lúa vụ mới vẫn chưa bắt đầu. Các thương nhân xuất khẩu chào bán gạo trắng thường 5% tầm ở mức 390 – 395 USD/tấn, FOB Sài Gòn, so với mức giá 390 – 400 USD/tấn hồi tuần trước. Một nhà giao dịch khác cho rằng nguyên nhân khiến giao dịch yếu là do nhu cầu thấp từ các nhà nhập khẩu như Trung Quốc và các nước châu Phi. “Trung Quốc mua một lượng nhỏ gạo vừa qua nhưng chỉ là để hoàn thành hạn ngạch nhập khẩu trong năm 2017”.
Theo Reuters (gappingworld.com)