Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghịch lý cà phê: 90% xuất thô, chỉ "béo" nước ngoài hưởng lợi
01 | 03 | 2018
Là cường quốc sản xuất cà phê nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu trung bình khoảng 60.000 tấn cà phê các loại đã qua chế biến từ Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Campuchia… trong khi có tới 90% cà phê Việt Nam là xuất khẩu thô. Nghịch lý này đã khiến cho người trồng cà phê không có đầu ra ổn định và thiếu một thương hiệu cà phê Việt trên bản đồ thế giới.

Nhập khẩu tăng mạnh

Tại hội nghị tổng kết ngành công thương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ví dụ cụ thể về cà phê của Việt Nam. Đó chính là nghịch lý xuất khẩu thô, trong khi người tiêu dùng uống một cốc cà phê phải trả tới 2-3 USD, tương đương với 1 - 2kg cà phê ở dạng nguyên liệu thô.

Bộ NNPTNT cho biết, diện tích cà phê năm 2017 đạt 664,6 nghìn ha, tăng 14,1 nghìn ha (+2,2%); năng suất tăng 3,1%; sản lượng đạt 1.529 nghìn tấn, tăng 68,9 tấn (+4,7%) so 2016. Xuất khẩu cà phê năm 2017 đạt 1,42 triệu tấn với giá trị 3,21 tỷ USD, giảm 20,2% về khối lượng và giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

90% cà phê xuất khẩu của Việt Nam ở dạng thô, tỷ lệ cà phê chế biến sâu chiếm khoảng 10%. Ảnh: P.L

Cũng theo Bộ NNPTNT, thị trường cà phê trong nước biến động theo xu hướng giảm, đặc biệt là từ  tháng 11.2017, chuỗi giảm dài và sâu của giá cà phê bắt đầu khi rơi xuống dưới mức 40.000 đồng/kg. Giá cà phê trong nước giảm do nguồn cung nội địa đang tăng lên vì vào vụ thu hoạch rộ và sức mua yếu từ các nhà nhập khẩu bởi lượng cà phê vụ cũ tồn kho của các nhà nhập khẩu đang tương đối nhiều.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, mặc dù là “cường quốc” trên thế giới về xuất khẩu cà phê (chiếm 19% thị phần cà phê toàn cầu), chỉ sau Brazil, tuy nhiên lượng cà phê Việt Nam nhập khẩu cũng không ngừng tăng, chủ yếu dưới dạng rang xay, pha sẵn. Điều đáng lo ngại là có tới 90% cà phê xuất khẩu của Việt Nam ở dạng thô: Cà phê nhân xô. Tỷ lệ cà phê chế biến sâu vẫn còn rất khiêm tốn, chiếm khoảng 10% sản lượng.

Chế biến yếu, “bỏ quên” sân nhà

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NNPTNT ước tính, trên 80% sản lượng cà phê được sơ chế khô tại các hộ gia đình với sân phơi tạm bợ như sân đất, sân đất kết hợp bạt hoặc xi măng. Do máy móc, thiết bị sơ chế của người dân còn lạc hậu, cộng với nguyên liệu thu hoạch không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, cà phê còn lẫn các tạp chất… dẫn đến chất lượng cà phê còn thấp. Trong khi xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô nên cà phê Việt không có thương hiệu, thậm chí có thể trở thành nguyên liệu của nhiều nước dùng để chế biến sâu và tái xuất lại tiêu thụ ở Việt Nam.

Mặc dù số lượng các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh cà phê của Việt Nam rất lớn, nhưng thực tế cũng chỉ có ít doanh nghiệp có tên tuổi, xây dựng được thương hiệu và có nhà máy chế biến như Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Cà phê Ngon Việt Nam…

“Gần đây, hàng loạt công ty cà phê có lịch sử lâu đời của Việt Nam phá sản khi bị doanh nghiệp ngoại chi phối, khống chế nguồn nguyên liệu và thị trường cà phê nội địa” - ông chủ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết. Theo ông Vũ, trên thế giới, hình ảnh cà phê Việt Nam rất xấu, thậm chí mất hẳn dấu ấn địa lý do dụng ý tuyên truyền của các công ty thu mua trung gian nước ngoài, dẫn tới việc giá bán luôn thấp hơn so với nước khác. Từ là chủ nguồn nguyên liệu, dân ta trở thành người làm thuê trên chính đất của mình.

Theo ông Lượng Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, diện tích cà phê tuy lớn nhưng lại phân tán nên khó cho việc đầu tư kỹ thuật trồng trọt và chế biến. Bên cạnh đó, hiện có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu (hơn 150) nhưng chất lượng cà phê chưa ổn định, phần lớn xuất cà phê nhân chưa qua chế biến…

“Để ngành cà phê phát triển bền vững phải có lộ trình thực hiện 8 nhóm giải pháp năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng. Cần chọn các giống cà phê thay thế diện tích cà phê già cỗi có năng suất và chất lượng cao; đẩy mạnh đầu tư nhà máy, công nghệ chế biến cà phê hòa tan xuất khẩu; đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nâng mức tiêu thụ trong nước lên 20 - 30%. Song song đó là việc nâng cao hiệu quả kinh doanh xuất nhập khẩu, phấn đấu bán cà phê nhân cùng chất lượng bằng giá thế giới…” - ông Tự cho biết.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: Đến nay chỉ 10% sản lượng cà phê của Việt Nam được dùng để chế biến sâu như: Rang xay, bột, hòa tan… chủ yếu bán tại thị trường trong nước, 90% còn lại xuất khẩu thô ra thị trường thế giới nên không xây dựng được thương hiệu và giá trị thương mại rất thấp.

Ông Cường cũng cho rằng, mỗi năm thế giới chi khoảng 500 tỷ USD cho cà phê tiêu dùng, nhưng doanh thu từ xuất khẩu cà phê của Việt Nam mới đạt 3,4 tỷ USD là quá khiêm tốn, cho thấy giá trị thương mại đạt quá thấp so với sản lượng (năm 2017 đạt hơn 1,5 triệu tấn, trong khi cả thế giới chỉ có khoảng 9 triệu tấn). Thực tế chứng minh hiện nay giá cà phê rất bấp bênh và giảm mạnh còn dưới 40.000 đồng/kg.

"Chúng ta không đặt mục tiêu tăng diện tích cà phê nhưng phải tăng năng suất và chất lượng. Mục tiêu ngành cà phê Việt Nam phải giữ vững vị trí thứ 2 trên thế giới về sản xuất, sản lượng; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến...”. - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường

Theo Nông thôn ngày nay  

 



Báo cáo phân tích thị trường