Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành gỗ lột xác đưa kim ngạch xuất khẩu cán đích 9 tỷ USD
29 | 03 | 2018
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2017 được coi là năm lột xác ngành gỗ Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả nước đạt 8 tỷ USD. Trong số đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,7 tỷ USD; tăng 12,6% so với năm 2016.

Xuất khẩu cán đích 9 tỷ USD

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), khi Việt Nam hoàn tất việc ký các hiệp định FTA, các doanh nghiệp gỗ có cơ hội để đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn gỗ để không bị động khi giá cả tăng đột biến. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải đầu tư tăng cường công nghệ để tăng năng suất, ổn định chất lượng, hạ giá thành sản phẩm thì mục tiêu xuất khẩu lâm sản có thể cán đích 9 tỷ USD trong năm nay.

Năm 2017, ngành chế biến gỗ đạt được nhiều thành tích ấn tượng. 

Năm 2017, xuất khẩu gỗ và lâm sản chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt tại 4 thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kim ngạch từ 4 thị trường này trong năm chiếm 76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ tất cả các thị trường.

Riêng kim ngạch từ thị trường Mỹ chiếm 40,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Tăng trưởng từ thị trường này năm 2017 đạt 13,6%, góp phần quan trọng nhất trong việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của ngành năm vừa qua. 

Mặt khác, Trung Quốc hiện đang hạn chế phát triển các ngành nghề thâm dụng lao động, trong đó có chế biến gỗ. Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam vẫn phát triển nhưng hạn chế thâm dụng bằng công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp cho biết, công nghệ chế biến gỗ nào mới ra đời, hiệu quả là có thể nhập về đưa vào sản xuất ngay. Các đơn hàng trước đây của thị trường Trung Quốc đang đến tay khá nhiều doanh nghiệp Việt.

Nhận định về thời cơ này, ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Mifaco, Ủy viên Ban chấp hàng Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho rằng: “Trong những năm qua, Chính phủ Trung Quốc có định hướng phát triển không còn tập trung cho những ngành lạm dụng lao động, trong đó có ngành chế biến gỗ. Vì thế, đây cũng là điều kiện khách quan đem đến thuận lợi. Tôi cho đây là điểm quan trọng, cộng với chúng ta ngày càng hoàn thiện năng lực sản xuất, tạo ra tốc độ phát triển tốt”.

Theo đó trong năm nay, thị trường Mỹ, châu Âu vẫn được xác định là thị trường trọng tâm, khi mà doanh số xuất khẩu vào các thị trường này luôn tăng trưởng tốt nhất. Khi các AFTA song phương được ký kết sẽ giúp ngành gỗ có thêm nhiều cơ hội.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được hưởng mức thuế 0% khi EVFTA đã có hiệu lực. Mức thuế này được áp dụng cho các sản phẩm gỗ chế biến và sản phẩm gỗ (mức thuế trước EVFTA là 3%); đồ nội thất bằng tre hoặc mây (mức thuế trước là 5,6%); ván ép gỗ (trước là 4%); đồ trang trí bằng gỗ (trước là 3%).

Bên cạnh đó, thị trường nội địa cũng đã được các doanh nghiệp chú trọng hơn trong một vài năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp đã chọn được phân khúc cho mình, vấn đề còn lại là chọn đối tác nào cho phù hợp với quy mô sản xuất lớn.

Thắt chặt kiểm soát nguồn nguyên liệu

Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đang trong đà tăng trưởng theo hướng cả lượng và chất. Tuy nhiên, ngành có thể sẽ phải đối mặt với một số khó khăn trong tương lai do những thay đổi tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường quan trọng.

Năm 2018, XK gỗ đặt kỳ vọng đạt con số 8 tỷ USD.

Tại thị trường Mỹ, chính sách thương mại của nước này hiện đi theo hướng giảm thâm hụt thương mại, bảo hộ mậu dịch, khuyến khích sản xuất trong nước. Điều này đòi hỏi ngành gỗ và các cơ quan quản lý của Việt Nam cần có những bước chuẩn bị thích hợp, nhằm giảm thiểu những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, một vấn đề cần quan tâm của thị trường này là Chính phủ liên bang đang ngày càng thắt chặt thực thi đạo luật Lacey và hiệu lực của quy định về phát thải formaldehyde. 


Với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường rất mở đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này chủ yếu là các sản phẩm thô, như dăm gỗ, các loại gỗ tròn/đẽo vuông thô và gỗ xẻ. 

Trung Quốc đang cân nhắc áp dụng chính sách từng bước (step-wise) trong việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng tại Quốc gia này. Hiện Chính phủ đã áp dụng quy định chỉ có gỗ hợp pháp được sử dụng trong các cơ quan công quyền. 

Tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Gỗ sạch (Clean Wood Act). Đạo luật này có hiệu lực vào tháng 5/2017. Hay Chính phủ Hàn Quốc ban hành Đạo luật Sử dụng gỗ bền vững (Act on the Sustainable Use of Wood) và chính thức có hiệu lực vào tháng 3/2018. 

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, thực thi các đạo luật này có thể đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào thị trường này. Điều này sẽ tác động đến các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường này trong thời gian tới. 

Hiện Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của châu Á. Song do nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nước ngoài (năm 2017, các doanh nghiệp nhập khẩu 2,1 tỷ USD các mặt hàng thuộc nhóm gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 18,8% so năm 2016) với các thị trường chính là Mỹ, EU, Trung Quốc, châu Phi…

Bởi vậy để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ phát triển một cách bền vững trong tương lai, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, cần có những giải pháp hợp lý trong việc cân đối cung - cầu nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu, khai thác trong nước và xuất khẩu, giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu…

Theo ông Tô Xuân Phúc, Việt Nam sẽ thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện về chương trình hành động Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại (VPA/FLEGT) trong tương lai.

Hiệp định này được đánh giá sẽ đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ xuất khẩu, góp phần thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam phát triển bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu quốc tế.

Hiệp định là “giấy thông hành” để các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp theo “Quy chế gỗ Liên minh châu Âu”, thúc đẩy quản lý rừng bền vững và phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Hiện, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đang trong quá trình “luật hóa” các nội dung của hiệp định để doanh nghiệp trong ngành lâm nghiệp có thể thực hiện tốt các nội dung và yêu cầu của các thị trường nhập khẩu lâm sản Việt Nam hiện nay.

Ông Võ Đình Tuyên, Vụ Kinh tế ngành - Văn phòng Chính phủ cũng đánh giá rằng, Hiệp định CPTPP sẽ tạo cơ hội lớn với ngành chế biến xuất khẩu lâm sản Việt Nam. Nếu việc triển khai Hiệp định VPA/FLEGT chậm sẽ không tận dụng được cơ hội này. Do đó, các bộ phải nhanh chóng phổ biến hiệp định này đến doanh nghiệp với tiêu chí rõ ràng./.

Theo Kinh tế nông thôn



Báo cáo phân tích thị trường