Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Trung Quốc là đối tác thương mại NLTS lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Trung Quốc đang trên đà hồi phục, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2020 đạt 741 triệu USD, tăng 8,22% so với tháng 7/2020, và giảm 0,72% so với cùng kỳ. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu NLTS sang Trung Quốc tăng kể từ đầu năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản, gạo, sản phẩm từ cao su. So với tháng 7 năm 2020, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như rau quả tăng 48%, thịt và các sản phẩm thịt tăng 44%, hạt điều tăng 32%, gạo tăng 23%, cao su tăng 10%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 17%. Trong khi đó, một số mặt hàng có kim ngạch giảm, nhiều nhất là sắn và các sản phẩm sắn giảm 26%, cà phê giảm 19 %, gỗ giảm 16%, SP từ cao su giảm 6,6%. So với cùng kỳ, gạo là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, tăng 65%, tiếp đến thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 52%, mây tre đan với 40%; mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm nhiều nhất là thịt và các sản phẩm thịt, giảm 99,5%, chè giảm 66%, hạt điều giảm 32% ( chi tiết tại phụ lục đính kèm).
Ngày 24/9/2020, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM – Bộ Công Thương) đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Hiệp hội Trái cây Thượng Hải tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm hoa quả Việt Nam – Trung Quốc (Thượng Hải) 2020. Tham gia sự kiện có 21 doanh nghiệp là những nhà cung cấp sản phẩm hoa quả của Việt Nam với gần 20 nhà nhập khẩu đến từ Thượng Hải – Trung Quốc.
Vào ngày 12 tháng 5 năm 2020, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) và Cơ quan Quản lý Thị trường (SAMR) đã thông báo các sửa đổi đối với Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia gửi tới Ủy ban SPS của WTO để lấy ý kiến là G / SPS / N / CHN / 1160. Đến nay thời hạn cho ý kiến đã qua nhưng Trung Quốc chưa công bố ngày dự kiến có hiệu lực của tiêu chuẩn. Dự thảo tiêu chuẩn áp dụng cho sữa bột, bao gồm sữa bột nguyên kem, sữa bột tách kem một phần, sữa tách kem bột và sữa bột công thức có một số thay đổi so với tiêu chuẩn hiện nay (Tiêu chuẩn An toàn Thực phẩm Quốc gia GB 19644-2010). Các nhà xuất khẩu nên làm việc với các nhà nhập khẩu và đối tác Trung Quốc để giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn quy trình sửa đổi nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn theo quy định. Theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 5/8, các mặt hàng nhập khẩu sau đây sẽ không còn được miễn trừ thuế VAT, gia vị, thịt, gia cầm, trứng, rau, thủy sản, trái cây, đồ uống, rượu và các sản phẩm từ sữa. Thuế suất VAT tiêu chuẩn ở Trung Quốc là 13%.
Việc vận chuyển giữa Thái Lan và Trung Quốc đã rút ngắn từ 6 ngày xuống 3 ngày, chỉ bao gồm vận chuyển từ đường cao tốc đến đường cao tốc và đường sắt. Tuyến vận tải mới không chỉ rút ngắn thời gian vận chuyển mà còn cung cấp giải pháp một cửa cho việc kiểm tra, thông quan và hậu cần. Đường sắt và đường cao tốc mới đã trở thành một kênh hậu cần quan trọng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 7 năm 2020, 217 chuyến tàu đã được vận hành tại cảng Bình Tường- Quảng Châu gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong số 217 chuyến tàu, 64 chuyến tàu chở trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc với 10.500 tấn và trị giá 17 triệu USD.
Thời gian qua, Trung Quốc buộc phải tăng cường nhập khẩu thịt heo từ các nước do ngành chăn nuôi nước này chịu thiệt hại lớn từ dịch tả lợn châu Phi với tổng lượng đàn giảm còn một nửa. Quốc gia tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới đang đặt mục tiêu dài hạn là tự chủ hoàn toàn nguồn cung trong nước với các trang trại lớn. Trong ngắn hạn, Trung Quốc hướng tới mục tiêu tự chủ 95% nguồn cung thịt heo. Quốc gia này cũng đang mở rộng việc khẩu thức ăn chăn nuôi như đậu nành và các loại ngũ cốc cần thiết khác phục vụ cho việc tăng đàn. Số lượng đàn nhỏ lẻ (dưới 500 con) đang chiếm tỉ trọng khá lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2025, 70% số đàn đều ở qui mô lớn. Sang năm 2030, con số này tăng lên 85%. Ngoài ra, theo kế hoạch Trung Quốc dự định cung ứng đủ 85% nhu cầu thịt bò, cừu và 70% nhu cầu sữa. Các lò mổ lớn được nâng cấp hiện đại đồng thời đóng cửa các lò mổ nhỏ. Các lò mổ được xây dựng gần trang trại để rút ngắn khoảng cách vận chuyển, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc, tổng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu của Trung Quốc đối với ngô vào năm 2021 sẽ là 7,2 triệu tấn và lúa mì là 9,636 triệu tấn. Tổng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ngũ cốc năm 2021 là: lúa mì (bao gồm cả bột và ngũ cốc, sau đây gọi là lúa mì) là 9,636 triệu tấn, (90% là hạn ngạch thương mại quốc doanh), trong đó riêng ngô là 7,2 triệu tấn. Việc thu mua ngũ cốc vụ hè năm nay tại Trung Quốc đang tiến triển thuận lợi và việc thu mua sắp hoàn thành; diện tích ngũ cốc vụ thu đang phát triển ổn định và tình hình hiện nay nói chung là bình thường. Nếu thời gian sau không xảy ra thiên tai lớn thì năm nay vẫn là một năm bội thu đối với Trung Quốc. Theo báo cáo, sản lượng ngũ cốc vụ hè năm nay là 143 triệu tấn, tăng 1,21 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng lúa mì là 132 triệu tấn, tăng 760.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng gạo indica sớm là 27,29 triệu tấn, tăng 1,03 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt tình trạng sụt giảm sản lượng liên tục trong 7 năm. Mặc dù các tỉnh sản xuất chính như Giang Tây và Hồ Nam bị lũ lụt trong thời gian sinh trưởng của lúa indica sớm trong năm nay, năng suất lúa indica sớm bị ảnh hưởng lớn, nhưng việc tăng diện tích gieo trồng đã bù đắp cho phần thiệt hại do giảm năng suất và tăng tổng sản lượng.Theo Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu Quốc gia, tình hình cung vượt cầu hiện nay trên thị trường ngũ cốc của Trung Quốc không thay đổi. Theo dự báo, ba loại ngũ cốc chính của Trung Quốc sẽ vẫn vượt nhu cầu trong năm 2020/21. Trong đó, sản lượng lúa mì vượt nhu cầu khoảng 14 triệu tấn, sản lượng lúa khoảng 17 triệu tấn. Các kho dự trữ lúa mì và gạo của Trung Quốc hiện đang trong thời kỳ thời kỳ dồi dào nhất trong lịch sử, nguồn cung cấp lương thực đã đạt được sự an toàn tuyệt đối.
Sản lượng thức ăn cho lợn tại Trung Quốc tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước ( chủ yếu do năm ngoái sản lượng sản xuất thấp), sản lượng lợn hơi hiện tại tiếp tục phục hồi, đàn lợn nái sinh sản chiếm tỷ trọng tương đối cao và giá nguyên liệu tăng cao đã thúc đẩy người chăn nuôi sử dụng thức ăn thương phẩm nhiều hơn. Thức ăn gia cầm và thủy sản giảm so với năm ngoái, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng cuối cùng chưa phục hồi hoàn toàn và người chăn nuôi đã điều chỉnh chiến lược sản xuất và kinh doanh.
Trong tháng 8 giá thức ăn chăn nuôi nhìn chung đã tăng từ 4,4-7% so với cùng kỳ năm ngoái do giá ngô, cám tăng cao. Ngoài ra, chính sách cấm bổ sung kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1/7 cũng khiến chi phí thức ăn chăn nuôi tăng. Áp lực nhập khẩu đậu tương khó khăn gây áp lực lớn lên các công ty thức ăn chăn nuôi, công ty chăn nuôi lợn và thậm chí toàn bộ thị trường chăn nuôi. Sự cạnh tranh thị trường trong ngành thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt, mô hình kinh doanh phi tập trung và khu vực hóa của các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi nhỏ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô lớn đã chứng tỏ lợi thế rõ ràng hơn trong việc kiểm soát chi phí mua hàng, kiểm soát chất lượng và xây dựng hệ thống thương hiệu. Tốc độ tăng trưởng đăng ký hàng năm của các công ty liên quan đến thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc đã ổn định ở mức khoảng 8% trong mười năm qua. Năm 2019, có tổng cộng 118.000 doanh nghiệp đăng ký mới, con số lớn nhất trong những năm qua.
Tải bản tin chi tiết tại đây.