Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TÌNH HÌNH CHUNG
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang thị trường ASEAN chiếm hơn 8% tổng xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Tám tháng đầu năm 2021, xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang các nước ASEAN đạt 2.466 triệu USD giảm 1,64% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi nhập khẩu đạt 4.395 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2020. Tính riêng tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 325 triệu USD, tăng 13,61% so với tháng trước và tăng 5,39% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 8/2021 là gạo (chiếm 48%), thủy sản (chiếm 13,26%), phân bón các loại (chiếm 6,25%), cà phê (chiếm 7,57%). So với tháng 7/2021, có 7/14 mặt hàng NLTS có kim ngạch xuất khẩu tăng, cao nhất là gạo (tăng 56%), cao su (tăng 26%), thịt và sản phẩm thịt (tăng 25%). trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch giảm là chè (giảm 33%), phân bón các loại (tiarm 30%), sắn và sản phẩm từ sắn (giảm 29%). So với cùng kỳ năm 2020, 9/14 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, đặc biệt thịt và các sản phẩm từ thịt tăng cao nhất với 647%, hạt tiêu tăng 91%, cao su tăng 47%, chè tăng 27% trong khi chỉ có 5/14 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, nhiều nhất là sắn và sản phẩm từ sắn giảm 93%, rau quả giảm 25%, hạt điều giảm 22% (Chi tiết tại phụ lục đính kèm).
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA dự báo Philippines, nước mua gạo lớn thứ hai thế giới, sẽ tăng nhập khẩu gạo thêm 10% lên 2,2 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022, giữ nguyên dự báo sản lượng gạo xay cho Philippines trong niên vụ 2021-2022 ở mức 12,3 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp Philippin cho biết tổng nguồn cung gạo trong năm nay có thể đạt 17,71 triệu tấn. Philippines tồn kho gạo đến cuối năm là 3.314 tấn do tổng nhu cầu được chốt ở mức 14.398 tấn. Chính phủ đang đặt mục tiêu mở rộng sản lượng gạo chưa xay xát của nước này thêm 5% lên mức kỷ lục 21 triệu tấn (MMT) vào năm tới nhờ khoản đầu tư 55 tỷ peso vào lĩnh vực gạo.
Hội đồng Hồ tiêu Malaysia (MPB) đang tập trung vào nỗ lực cải thiện chất lượng hạt tiêu ở cấp trang trại thông qua việc lựa chọn các giống được trồng để sản xuất tiêu trắng (LPK) và tiêu đen cao cấp như tiêu chất lượng xuất khẩu (LBE). Sáng kiến này được thực hiện thông qua Đề án Trồng tiêu trưởng thành và Đề án trồng tiêu mới trong chương trình Phát triển ngành công nghiệp hồ tiêu. Hiện Malaysia đứng thứ 5 thế giới về sản xuất hồ tiêu, cạnh tranh với Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ. Sản lượng tiêu của Việt Nam ở mức 240.000 tấn trong khi Indonesia (77.000 tấn) và Ấn Độ (60.000 tấn) cho năm 2020, trong khi Malaysia là 30.800 tấn.
Ngày 13/9/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông lâm nghiệp Lào đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu sang Trung Quốc đối với của chanh dây tươi của Lào. Tính đến nay, đã có tổng cộng 8 mặt hàng nông sản của Lào được xuất khẩu sang Trung Quốc là gạo, ngô, chuối, dưa hấu, sắn khô, khoai lang, đậu tươi và chanh dây.
Cục Giao thông Đường sắt Thái Lan mới đây đã công bố kế hoạch phát triển các khu vực ở Nong Khai để chuẩn bị cho kết nối đường sắt với Lào khi Thái Lan tăng cường thương mại với Trung Quốc dọc theo tuyến đường sắt nối ba nước. Tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc dài 471 km đã gần hoàn thành, dự kiến chuyến tàu đầu tiên từ Trung Quốc tới Viêng Chăn sẽ đến vào ngày 2/12. Một đoạn của tuyến đường này sẽ được kéo dài từ thủ đô của Lào đến biên giới với Thái Lan. Thái Lan hy vọng có thể kết nối với Lào và Trung Quốc vào năm 2028. Kết nối đường sắt tốt hơn giữa Thái Lan và Trung Quốc sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư, đặc biệt là trong Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan, cho phép sản phẩm của Thái Lan đến miền Nam Trung Quốc trong vòng một ngày rưỡi, so với hai hoặc ba ngày khi vận chuyển bằng đường bộ và lên đến một tuần bằng đường biển.
Trung Quốc và Thái Lan đã ký thỏa thuận mở cửa thêm 7 cảng mới giao thương hàng hóa nông sản giữa hai nước, tăng số lượng cảng thương mại nông sản Trung - Thái lên 16 cảng, bao gồm 6 cảng ở Thái Lan và 10 cảng ở Trung Quốc. Việc khai trương tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào vào cuối năm đã tạo điều kiện cho tỉnh Vân Nam có được 4 cảng thương mại nông sản Trung - Thái.
Vào ngày 9/9/2021, Quốc hội Campuchia đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với Trung Quốc. Hiệp định FTA Campuchia-Trung Quốc (CCFTA) mở rộng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại, du lịch, đầu tư, giao thông vận tải và nông nghiệp. Trung Quốc sẽ cung cấp quy chế miễn thuế cho khoảng 98% hàng hóa nhập khẩu từ Campuchia trong khi Campuchia đã đồng ý miễn thuế tới 90% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Campuchia sang Trung Quốc được miễn thuế thông qua Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), nhưng CCFTA mở rộng thương mại miễn thuế đối với hơn 340 sản phẩm, chẳng hạn như các sản phẩm thủy sản, tỏi, hạt điều và ớt khô. Thông qua CCFTA, Campuchia hy vọng sẽ tăng thương mại song phương với Trung Quốc lên 10 tỷ USD vào năm 2023, tăng từ 8 tỷ USD vào năm 2020.