Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xu hướng phát triển của ngành thức ăn chăn nuôi trong năm 2022
08 | 02 | 2022
Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ là khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD.

Kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đối với chuyên gia và doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi về nhu cầu của một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong năm 2022 cho thấy có xu hướng tăng lên trong nhu cầu đối với thủy sản, lợn và gia cầm, trong đó thủy sản là phân khúc được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Thủy sản nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và đang có sự phục hồi khá tốt sau khi giảm vào các tháng 8, 9 do giãn cách xã hội.

Theo Tổng cục Hải quan, nhu cầu thủy sản tiếp tục tăng cao tại các thị trường lớn về thủy sản của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... sẽ thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng này của Việt Nam và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi thủy sản cũng như sản xuất thức ăn.

Tiếp theo đó, phân khúc gia cầm tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường, thủy sản phục hồi và tăng tốc. Thị trường thức ăn hỗn hợp Việt Nam được phân chia theo thành phần (ngũ cốc, hạt có dầu và các chất dẫn xuất, bột cá và dầu cá, chất bổ sung và các thành phần khác) và loại động vật (động vật nhai lại, lợn, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các loại động vật khác). Thức ăn gia cầm là thức ăn được tiêu thụ cao nhất trên cả nước do ngày càng có nhiều người tiêu dùng ưa chuộng thịt gà, chim cút, thịt vịt và trứng.

Trong năm trước, thức ăn cho lợn chiếm 8,9 triệu tấn, tương đương đạt tỷ lệ 43,8%; thức ăn cho gia cầm đã đạt mức 10,7 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 53,7%; thức ăn cho các loại vật nuôi khác chiếm 0,6 triệu tấn, đạt tỷ lệ 3% trong cơ cấu sản lượng thức ăn chăn nuôi.

[Tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi để tránh 'ăn đong']

Theo đánh giá của FAO, thịt gia cầm là yếu tố chính cho sự tăng trưởng của sản xuất thịt toàn cầu, do nhu cầu cao, chi phí sản xuất thấp và giá sản phẩm thấp hơn cả ở các nước phát triển và đang phát triển.

Theo dự báo của OECD, sản lượng tiêu thụ trong 10 năm tới tại Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 2,9%/năm. Xu hướng tiêu thụ gia cầm trên thực tế vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới và nhu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ là khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm; trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm./.



Theo Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)
Báo cáo phân tích thị trường