Nguồn: thuonghieusanpham.vn
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 2/2022 ước đạt khoảng 100 nghìn tấn, trị giá 178 triệu USD, giảm 48% về lượng và giảm 46% về trị giá so với tháng 1/2022; So với tháng 2/2021 giảm 4% về lượng, nhưng tăng 3,1% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân tăng 3,4% so với tháng 1/2022 và tăng 7,4% so với tháng 2/2021, lên mức 1.777 USD/tấn.
Như vậy, ngay từ đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đã sụt giảm mạnh hai tháng liên tiếp.
Trước đó, năm 2021 được coi là năm thành công của ngành cao su khi xuất khẩu phá kỷ lục 10 năm với 3,3 tỷ USD, tăng 37,5% so với năm 2020.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su đạt khoảng 293 nghìn tấn, trị giá 509 triệu USD, không biến động về lượng, nhưng tăng 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo, mức tiêu thụ cao su năm 2022 đạt 14,7 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2021 nhờ nhu cầu gia tăng từ cả ngành lốp xe và ngành ngoài lốp.
Cùng với nhu cầu tiêu thụ tăng cao, ANRPC cũng dự đoán sản lượng toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với 2021, ước đạt 14,5 triệu tấn. Nhờ đó, cán cân cung cầu trong năm 2022 sẽ tương đối cân bằng.
Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho rằng, với đà phục hồi của các nền kinh tế, triển vọng xuất khẩu năm 2022 của ngành cao su khá tươi sáng.
Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu còn bị hạn chế bởi giá cước vận tải biển tăng cao. Giá cước container leo thang đến năm thứ 3 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm container rỗng đã đẩy doanh nghiệp vào cảnh rất khó thuê tàu và dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài đến năm 2023.