Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giữ vị trí xuất khẩu trên 5 tỉ USD, ngành gỗ tiếp tục “tỏa sáng”
09 | 05 | 2022
Với tổng giá trị kim ngạch đạt gần 5,5 tỉ USD, đồ gỗ tiếp tục là 1 trong 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm 2022.

Nguồn: laodong.vn

Xuất khẩu gỗ tăng 4,9% trong khó khăn bủa vây

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4.2022 ước tính đạt 1,5 tỉ USD, tăng 7,3% so với tháng 4.2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,48 tỉ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Hiệp hội Gỗ Việt Nam (VIFOREST), điều đáng nói là, trong 4 tháng qua, thị trường xuất khẩu của mặt hàng gỗ rất bền vững, uy tín. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 4.2022 đạt 895 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 3,3 tỉ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.

Gỗ thuộc 1 trong 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm 2022. Nguồn: TCHQ
Gỗ thuộc 1 trong 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm 2022. Nguồn: TCHQ

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, để đạt được kết quả nêu trên trong điều kiện khó khăn hiện nay, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và xung đột Nga – Ukraina chưa vãn hồi, giá nguyên liệu và chi phí logistics liên tục “leo thang”, ngành gỗ đã tìm mọi giải pháp giảm chi phí, chia sẻ với các nhà nhập khẩu để đảm bảo cho năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, đồng thời đưa ra loạt giải pháp về chống gian lận thương mại, tái cấu trúc đi thẳng vào những sản phẩm có lực hút cao của thế giới như phòng khách, phòng bếp, phòng tắm và nhiều sản phẩm trung gian khác để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.

Gỡ "nút thắt" nguyên liệu để xuất khẩu gỗ tiếp tục "tỏa sáng"

Theo VIFOREST, hiện nay, xuất khẩu gỗ đang gặp “nút thắt” lớn là giá cước vận chuyển, chi phí logistics tăng cao. Đơn cử, với thị trường Mỹ, biến động về giá cước vận tải trong 2 năm trở lại đây đã không ngừng tăng, từ mức giá mỗi container 40feet đi Mỹ khoảng 4.000-5.000USD, hiện đã tăng 19.000-20.000USD, tác động rất lớn đến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường này.

Về nguyên liệu gỗ nhập khẩu, từ đầu năm nay, giá đã tăng 30-52%, chi phí logistics tăng, thời gian vận chuyển kéo dài, nhiều bất ổn nên doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguyên liệu. Gỗ nguyên liệu từ các nguồn cung rủi ro thấp như Mỹ và các nước Châu Âu khan hiếm, đẩy giá tăng cao.

Đặc biệt, việc Nga hạn chế, cấm xuất khẩu khiến cho thị trường thiếu hụt về nguồn cung gỗ nguyên liệu, trong khi nhu cầu tiêu thụ về đồ gỗ tiếp tục gia tăng, đã đẩy giá gỗ nguyên liệu lên cao. Điều này tạo ra sự cạnh tranh mạnh về nguồn nguyên liệu trên thế giới. Do vậy, nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ các thị trường khác cũng sẽ đối mặt với khó khăn.

Vì vậy, giải pháp cấp thiết là phải tăng trồng rừng gỗ lớn để thay thế khoảng 5-6 triệu mét khối (m3) gỗ nhập khẩu mỗi năm.

Theo TS Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích của Tổ chức Forest Trends, nguyên liệu gỗ đầu vào là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo ra một sản phẩm và thông thường chiếm 40-60% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Do vậy đảm bảo nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào ổn định lâu dài có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành.

TS Tô Xuân Phúc cho biết, hiện nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho ngành gỗ được huy động từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất là gỗ trong nước, bao gồm gỗ rừng trồng tập trung (21,5 triệu m3), gỗ caosu và cây phân tán (9,5 triệu m3). Nguồn thứ 2 là gỗ nhập khẩu. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn, với khoảng 60-70% trong số này là gỗ được coi là gỗ ít rủi ro, phần lớn được vào chế biến phục vụ xuất khẩu.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ, phục vụ sản xuất đồ gỗ. Tạo nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng có chất lượng trong nước sẽ trực tiếp phần tạo ra ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao được tạo ra từ nguồn gỗ này mà còn giúp làm giảm sự phụ thuộc của ngành vào nguồn gỗ nhập khẩu đặc biệt là nguồn gỗ rủi ro.

Tuy nhiên cho đến nay, kết quả đạt được trong việc tạo nguồn gỗ rừng trồng chất lượng cao vẫn còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Hiện Việt Nam (tính tới hết tháng 3.2022) có  226,429ha rừng đạt chứng chỉ FSC và 54,529 ha rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC. Phần diện tích đạt chứng chỉ FSC này bao gồm một số diện tích là rừng tự nhiên, phần còn lại là rừng trồng.

 



Báo cáo phân tích thị trường