Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1,32 tỷ USD, giảm 7,56% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 515,81 triệu USD, tăng 16,44%. Tính riêng tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 552,6 triệu USD, giảm 28,0% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 2/2022 là cao su (chiếm 21,2%), rau quả (chiếm 20,6%), sắn và sản phẩm từ sắn (chiếm 17,3%), thủy sản (chiếm 14,9%), gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm 11,9%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 6,9%), gạo (chiếm 4,0%). So với tháng 1/2022, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: cà phê (tăng 129,0%), thủy sản (tăng 32,5%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 23,3%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là cao su (giảm 51,9%), gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 51,1%), sản phẩm mây, tre, cói và thảm (giảm 41,3%). So với cùng kỳ, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là: thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 276,5%), sản phẩm mây, tre, cói và thảm (tăng 152,6%), thủy sản (tăng 147,8%), cà phê (tăng 63,0%); các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là chè (giảm 82,9%), gạo (giảm 59,2%), gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 43,5%), hạt điều (giảm 36,6%), rau quả (giảm 33,1%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm).
Theo Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh tính đến 20 giờ 00 ngày 07/4/2022 là 1.414 xe, trong đó có 1.157 xe hoa quả, 257 xe hàng khác; giảm 18 xe so với ngày 06/4/2022. Cụ thể, tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, còn tồn 350 xe, trong đó có 224 xe hoa quả (tất cả đều chở bằng container lạnh); tại cửa khẩu phụ Tân Thanh còn tồn 1.062 xe, trong đó có 933 xe hoa quả (chở bằng xe nóng là 267 xe, chở bằng container lạnh là 666 xe); tại cửa khẩu chính Chi Ma vẫn tạm dừng thông quan.
Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất trong hai năm qua khi số ca nhiễm liên tục tăng nhanh ở nhiều tỉnh, thành vốn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nước này. Chính quyền buộc phải siết các biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt và hệ quả là kinh tế, thương mại tiếp tục bị tác động tiêu cực
Theo Bloomberg, giới chức Trung Quốc trong năm nay chỉ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 5,5%, thấp hơn hẳn so với mức 8,1% đạt được của năm ngoái. Bắc Kinh cũng đã cam kết sẽ cắt giảm thuế cho giới doanh nghiệp và tăng nguồn ngân sách cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, với hy vọng có thể giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và đưa nền kinh tế thoát khỏi rủi ro suy thoái.
Theo công ty chứng khoán Everbright Securities, việc tiếp tục duy trì chiến lược zero Covid như hiện nay có thể khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị giảm tới 10 điểm phần trăm hàng quí.
Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) ước tính, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quí đầu tiên của năm 2022 có thể đã giảm mạnh xuống mức 2-3%, so với mức 6,6% của quí 4/2021.
Hồi đầu tháng 3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay kỳ hạn một năm ở mức 3,7%, một động thái đi ngược lại kỳ vọng của thị trường. Ngân hàng tư nhân Thụy Sỹ UBP nhận định, quyết định này phản ánh sự thận trọng của giới hoạch định chính sách PBoC.
Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của tháng 3/2022, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất đã giảm từ mức 50,2 điểm trong tháng 2 xuống còn 49,5 điểm trong tháng 3 – mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua. Trong khi đó, chỉ số PMI của lĩnh vực phi sản xuất cũng giảm từ mức 51,6 điểm của tháng 2 xuống còn 48,4 điểm trong tháng 3 – mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Đáng chú ý đây là lần đầu tiên trong hơn hai năm qua, cả hai chỉ số này của Trung Quốc đồng thời bị sụt giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm – biểu thị cho sự thu hẹp hoạt động kinh tế. Lần gần nhất cả hai chỉ số PMI đồng thời ở dưới ngưỡng này là vào tháng 2-2020, khi kinh tế Trung Quốc đang lao đao vì đại dịch Covid-19 mới bùng phát.
Theo Bloomberg, khoảng 72 tàu đã được phát hiện ngoài khơi cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 14/3, gần gấp đôi số lượng vào cuối tháng 2/2022. Sự chậm trễ cho tàu qua cảng ngày càng tăng tại cảng Thanh Đảo và các khu vực khác của Trung Quốc dự kiến sẽ đẩy giá cước vận chuyển lên cao. Thông thường, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sẽ có một lượng lớn các tàu tìm cách “cập bến” Trung Quốc. Tuy nhiên, con số trong năm nay dự kiến lớn hơn rất nhiều do các đợt phong tỏa nhằm hạn chế sự bùng phát của biến thể Omicron. Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron tại Trung Quốc đang làm gia tăng áp lực lên các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng do xung đột Nga - Ukraine. Các hãng tàu như AP Moller-Maersk đã hủy các dịch vụ đến Nga và tạm dừng một số chuyến hàng đường sắt từ Trung Quốc vào châu Âu. Cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc đối với chính sách "Zero Covid" đã dẫn đến việc đóng cửa một phần cảng trong năm qua, làm trầm trọng thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự gia tăng chi phí sản xuất. Giá dầu và khí đốt toàn cầu tăng cao do căng thẳng Nga và Ukraine đang làm tăng thêm rủi ro lạm phát ở Trung Quốc khi chi phí nhà máy tiếp tục tăng.
Một số địa phương ở Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp thúc đẩy nông nghiệp xanh, trong đó chú trọng khuyến kích sử dụng phân bón hữu cơ biogas giúp người nông dân tăng năng suất cây trồng và nâng cao hiệu quả canh tác. Từ nhiều năm nay, một số cơ sở tái chế ở nước này tặng miễn phí phân bón biogas cho người dân nhằm thay đổi dần thói quen trồng trọt sử dụng nhiều chất hóa học.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.