Nguồn: vietnambiz.vn
Doanh nghiệp gỗ kín đơn hàng, kết quả kinh doanh khởi sắc
Sau khi Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã nhanh chóng khôi phục và chớp lấy thời cơ thị trường, gia tăng xuất khẩu.
Cho đến 4 tháng đầu, xuất khẩu gỗ kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gần gấp đôi với thời điểm trước đại dịch.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ của Việt Nam được thúc đẩy bởi hàng loạt các hiệp định đang được thực thi như EVFTA, CPTPP tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về 0%.
Hiện, nhu cầu gỗ và đồ nội thất nội thất trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng và doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là ngành nội thất cũng đã kín đơn hàng đến hết quý III, thậm chí là hết năm 2022.
Xuất khẩu thuận lợi giúp doanh thu và lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp gỗ khởi sắc. Điển hình như CTCP Phú Tài (Mã: PTB), doanh thu hợp nhất trong quý I của công ty này đạt 1.735 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 146 tỷ đồng, tương ứng tăng 22% và tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định về triển vọng quý II, CTCK SSI cho rằng xuất khẩu gỗ của Phú Tài được dự kiến tăng trưởng ở mức 14%, đạt mức 1.125 tỷ đồng nhờ nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ bật lên mức 15 - 16%, đồng thời hiện nay các nhà máy đã hoạt động tối đa công suất kể từ tháng 10/2021.
Hiện, Phú Tài đã kín đơn hàng cho đến quý III, chủ yếu giao cho các khách hàng truyền thống như Masterbrand, Noble Home House, Yaraghi…
Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng được đánh giá cao so với các doanh nghiệp cùng ngành khi vùng nguyên liệu trong nước đều có chứng chỉ nguồn gốc gỗ FSC, giúp gia tăng năng lực với các sản phẩm gỗ Trung Quốc hiện đang bị áp thuế với mức 25-28%.
Năm 2022, Phú Tài nâng mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 7.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 790 tỷ đồng, tương ứng tăng 10% và tăng 21% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, ngành gỗ chiếm tỷ trọng 48% tổng lợi nhuận trước thuế.
Tương tự, CTCP Gỗ An Cường (Mã: ACG) cũng công bố doanh thu thuần quý I đạt 856 tỷ đồng, tương ứng tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng, tăng 19%.
Doanh nghiệp cho biết, kết quả kinh doanh kỳ này đã được cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hoạt động kinh doanh của công ty đã phục hồi và lấy lại nhịp tăng trưởng sau khi COVID – 19 đã được kiểm soát.
Đồng thời, lợi nhuận cũng tăng trưởng nhờ việc kiểm soát tốt chi phí phát sinh trong kỳ, lợi nhuận tài chính tăng do tối ưu hóa dòng tiền.
Năm 2022, Gỗ An Cường đạt mục tiêu doanh thu đạt 4.242 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 550 tỷ đồng, tương ứng tăng 29% và 22% so với thực hiện năm ngoái. Kết thúc quý I, doanh nghiệp đã đạt 20% kế hoạch năm với doanh thu 862 tỷ đồng và 22% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nổi bật trong nhóm doanh nghiệp ngành gỗ niêm yết, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã: TTF) cũng vừa có cú lội ngược dòng khi doanh thu thuần quý I tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021, lên 536 tỷ đồng.
Công ty lãi gộp gần 75 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái là 11,5%. Ngoài ra, doanh thu tài chính quý I đạt gần 23,5 tỷ, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả giúp gỗ Trường Thành nâng lợi nhuận sau thuế hơn 18,5 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ 39 tỷ của cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn đang lỗ lũy kế hơn 3.037 tỷ đồng.
Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch đạt 2.268 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 41% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 72 tỷ đồng, gấp gần 29 lần so với kết quả đã kiểm toán năm 2021.
Như vậy, sau quý I, gỗ Trường Thành đã thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 26% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.
Tại ĐHCĐ năm 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT gỗ Trường Thành kỳ vọng sau xoá được nợ xấu, doanh nghiệp sẽ bước sang cuộc chơi mới, cuộc chơi mà mốc "1 tỷ USD" là con số thấp nhất.
Đồng thời, vị này cũng tham vọng 10 năm tới đây sẽ là thập kỷ nhảy vọt, đưa gỗ Trường Thành trở thành doanh nghiệp gỗ hàng đầu ASEAN cả về công nghệ, sản lượng và doanh thu.
Trong khi hầu hết doanh nghiệp công bố doanh thu tăng mạnh, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam – CTCP (Vinafor – Mã: VIF) lại thông báo doanh thu hợp nhất quý I giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021, xuống còn 488 tỷ đồng. Doanh thu giảm, song lợi nhuận sau thuế vẫn tăng nhẹ 3%, lên 127 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, xuất khẩu đồ gỗ thành phẩm mang về 188 tỷ đồng, chiếm 39% tổng doanh thu; doanh thu mảng gỗ nguyên liệu đạt 174 tỷ đồng 36%; còn lại là doanh thu bán ván nhân tạo, giống cây trồng, rừng trồng…
Năm 2022, Vinafor đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.360 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 330 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 15% so với kết quả thực hiện năm 2021. Kế hoạch này được cho là khá khiêm tốn trong bối cảnh giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh trên thế giới.
Như vậy kết thúc quý I, Vinafor đã hoàn thành 21% kế hoạch doanh thu, 38% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm 2022.
Những rủi ro rình rập ngành gỗ
Có thể thấy, ngành gỗ cũng đang đứng trước nhiều cơ hội như các nhà mua hàng chuyển dịch sang Việt Nam, cơ hội mở rộng thị phần sang châu Âu, châu Mỹ, các nước châu Á nhờ việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP...
Cơ hội nhiều nhưng thách thức với ngành gỗ cũng không hề nhỏ. Ông Võ Thành Lợi, Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết khó khăn lớn nhất của ngành gỗ là chi phí vận chuyển không ngừng tăng kể từ năm 2020 đến nay.
“Cước vận chuyển tăng khiến giá gỗ nguyên liệu thiết lập mặt bằng mới, điển hình như gỗ sồi tăng 28%, gỗ gõ tăng 40%, gỗ dương tăng 40%.
Điều này có thể làm giảm biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 20 tỷ USD vào năm 2025”, ông Lợi nói.
Trong bối cảnh chi phí đầu vào phi mã, các doanh nghiệp đã phải đàm phán với các tổ chức tài chính để tăng hạn mức vốn lưu động, tạo điều kiện ký hợp đồng mua nguyên vật liệu và dịch vụ logistics dài hạn.
Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến các doanh nghiệp phải chậm các hoạt động sản xuất. Các yếu tố này đang trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho biết: “Giá nguyên liệu gỗ và cước vận tải tăng là vấn đề của toàn cầu, không riêng Việt Nam. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp buộc phải tăng giá sản phẩm là tất yếu để tồn tại”.
Để giải quyết bài toán nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, đại diện Hawa khuyến nghị các doanh nghiệp có thể mua chung, thầu chung các vùng nguyên liệu để giảm giá thành sản xuất.
Ngoài yếu tố cước vận tải, việc gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đối mặt với nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại ở Mỹ cũng là thách thức với ngành này.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam. Kết quả này cao gần gấp rưỡi xuất khẩu gỗ cả năm 2015, 2016.
Xuất khẩu gỗ sang Mỹ tăng nhanh và mạnh là tín hiệu tích cực. Song, gỗ Việt phải đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường này.
Mới đây, Cục Phòng vệ Thương mại cho biết Mỹ cảnh báo sẽ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam vào đầu tháng 6.
Nguyên đơn cáo buộc rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam đã nhập tủ/bộ phận tủ từ Trung Quốc là đối tượng bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại sau đó lắp ráp hoàn thiện tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm tủ gỗ tiếp tục rà soát các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm bị điều tra sang Mỹ.
Doanh nghiệp cần nghiên cứu thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ và thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.