Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sơ kết vụ Đông Xuân 2021-2022, triển khai vụ Hè Thu, vụ mùa các tỉnh phía Bắc
27 | 05 | 2022
Ngày 27/5, Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, vụ mùa và định hướng vụ Đông năm 2022 các tỉnh phía Bắc diễn ra tại Thái Bình.

Theo Đầu tư Online

Vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, các tỉnh phía Bắc gieo cấy trên 1 triệu ha, năng suất ước đạt 62,7 tạ/ha, giảm khoảng 1,8 tạ/ha, lợi nhuận trung bình giảm khoảng 2,8 triệu đồng/ha so với vụ Đông Xuân năm trước.

Tổng diện tích lúa được chuyển sang trồng các loại cây màu khác khoảng 6,8 nghìn ha; các tỉnh, thành đã phát triển được 37 chuỗi lúa gạo với diện tích trên 18.800 ha, sản lượng trên 43.500 tấn; 235 chuỗi rau màu với diện tích trên 25.700 ha, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức liên kết đạt 12%.

Nhiều tỉnh đã áp dụng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang), mô hình trồng dưa hấu, dưa lê tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), chuỗi sản xuất lúa gạo quy mô 600 ha/vụ ở Nam Định…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị

Thông tin tới Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng cho biết: Vụ Xuân năm 2022, Thái Bình gieo trồng gần 75.500 ha lúa, 15.000 ha cây màu. Thái Bình đã tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển nông nghiệp, tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Về thời tiết vụ Hè Thu và vụ mùa, theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: các tháng 7, 8, 9 ở Bắc Bộ sẽ có mưa nhiều, tập trung nhất trong tháng 8, đúng vào giai đoạn lúa mới cấy. Ngoài ra, do lúa vụ Đông Xuân thu hoạch muộn từ 7 – 15 ngày gây nhiều khó khăn cho khâu làm đất, gieo cấy.

Vụ Hè Thu, vụ mùa năm 2022, các tỉnh phía Bắc gieo cấy gần 1,2 triệu ha với giống lúa cực ngắn và ngắn ngày. Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương “cấy càng sớm càng tốt” nhằm né những bất thuận của thời tiết. Vùng Bắc Trung bộ kết thúc cấy trong tháng 7, vùng đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi xong trước 20/7. Để thuận lợi cho việc quản lý sâu bệnh hại, mỗi địa phương nên cơ cấu từ 3 – 4 giống lúa chủ lực và 3 – 4 giống bổ sung.

Phó Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương nhận định, vụ mùa, bệnh bạc lá có nguy cơ phát sinh, gây hại trên diện rộng, do đó, khuyến cáo đặc biệt lưu ý bố trí cơ cấu giống lúa, ưu tiên các giống có gen kháng bạc lá.

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam Trần Mạnh Báo nhấn mạnh: dự báo vụ Hè Thu, vụ mùa giống chuyển vùng tại chỗ gặp nhiều khó khăn, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng giống lúa có kế hoạch chuẩn bị chu đáo về số lượng, chất lượng giống lúa. Đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt sớm tháo gỡ, có cơ chế linh hoạt trong thủ tục công nhận giống cây trồng.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT thăm điểm liên kết sản xuất lúa giống của ThaiBinh Seed tại xã Thụy Ninh (Thái Thụy)

Trước những khó khăn trong sản xuất vụ Hè Thu, vụ mùa năm 2022, phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương huy động tối đa máy móc, phương tiện, nhân lực để thu hoạch nhanh, gọn lúa xuân đã chín, thu hoạch đến đâu làm đất đến đó, triển khai gieo cấy lúa Hè Thu và lúa mùa theo đúng lịch thời vụ.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo sản xuất, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật để tận dụng thời gian, giảm ngày công, tăng hiệu quả kinh tế, chủ động phòng trừ sâu bệnh hại.

Đồng thời yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ xây dựng khung, lịch thời vụ, cơ cấu giống phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu; làm tốt công tác dự báo về thời tiết, sâu bệnh và chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cần cân đối lượng giống cây trồng phục vụ sản xuất vụ Hè Thu, vụ mùa, kiểm soát giá, ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kèm chất lượng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng tặng Bằng khen của Bộ NN&PTNT cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt năm 2021, vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022.

Trước đó, chiều 26/5, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đi thăm, đánh giá các mô hình khảo nghiệm một số giống lúa, giống ngô mới tại Viện Nghiên cứu cây trồng và điểm liên kết sản xuất lúa giống của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Vụ Xuân năm 2022, ThaiBinh Seed khảo nghiệm 370 giống lúa gồm: 89 giống lúa thuần, 281 giống lúa lai; 101 giống ngô. Quá trình khảo nghiệm đã theo dõi, đánh giá đặc điểm và tiềm năng của các giống và chọn được một số giống có nhiều ưu điểm tốt như: BC15 mới, TBR225 mới, TBR97, TBR87, OM468, Nếp A Sào (giống lúa thuần); Phúc Thái 168, QL301, KH768, TP51, TP449, TP453, TBH222 (giống lúa lai); giống ngô nếp TBM18, TBM135; giống ngô sinh khối NSK207, giống ngô kháng sâu keo KSK126 và giống ngô lai TBM189.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh mong muốn ThaiBinh Seed sẽ tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo các bộ giống lúa và một số cây trồng chủ lực có năng suất, chất lượng cao để phục vụ sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

 


Báo cáo phân tích thị trường