Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG EU THÁNG 5/2022
16 | 06 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Theo báo cáo dự thảo của Ủy ban châu Âu (EC) trong tháng 5/2022, kinh tế của EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đều được dự báo tăng trưởng 2,7% trong năm nay, giảm sâu so với kỳ vọng trước đó là 4%. Mức tăng trưởng trong năm 2023 vào khoảng 2,3%, giảm so với mức 2,7% trong kỳ báo cáo được EC công bố hồi tháng 2.

Lạm phát được dự báo vọt lên 6% trong năm nay ở cả EU và eurozone. Đáng chú ý, lạm phát ở một số quốc gia Trung và Đông Âu nhiều khả năng sẽ ở mức hai con số. Tỉ lệ lạm phát tại eurozone sẽ giảm xuống còn 2,7% trong năm 2023, vẫn cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Đây là lần đầu tiên EC đưa ra báo cáo về dự báo tăng trưởng, lạm phát và việc làm kể từ thời điểm nổ ra xung đột ở Ukraine vào cuối tháng 2 vừa qua. Đầu tháng 5/2022, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát đi thông điệp ủng hộ tăng lãi suất chủ chốt vào tháng 7 tới, mở đường cho kỳ tăng lãi suất đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Trước đó, EC từng dự báo lạm phát sẽ trở về mức dưới 2% trong năm tới.

Việc Nga can thiệp quân sự ở Ukraine đã khiến giá năng lượng tại châu Âu trong vọt, làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng. Các nước thành viên EU đã thông qua năm vòng trừng phạt chống Moskva và đang trong tiến trình hoàn thiện gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào ngành dầu khí của Nga. Tuy nhiên, nội bộ EU hiện chưa đạt thống nhất về gói này, do gặp phải phản ứng từ những nước phụ thuộc lớn vào nguồn dầu nhập khẩu từ Nga, điển hình là Hungary. Giới chức EC vẫn đang mở các vòng đàm phán với Hungary cùng với Cộng hòa Séc và Slovakia về những điều khoản đặc biệt giúp ba nước này giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Kinh tế châu Âu tăng trưởng trong năm nay, nhưng EC cho rằng động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ bước đà đã được thiết lập trong năm 2021. Trong khi đó thách thức cho tăng trưởng đang dần tích tụ. Dự thảo của EC nhận định nếu Nga bất ngờ dừng bơm khí đốt sang châu Âu, kinh tế khu vực sẽ chịu thiệt hại lớn hơn nữa. Cụ thể, trong kịch bản này, GDP của EU sẽ giảm 2,5% so với dự báo, chỉ còn 0,2%. Tăng trưởng trong năm 2023 cũng xuống mức 1,7%. Ở chiều ngược lại, lạm phát trong năm nay và năm tới sẽ lần lượt ở mức 9% và 3,7%. Một số chuyên gia kinh tế mong đợi EC sẽ thông báo ngừng áp quy định về thâm hụt ngân sách và nợ công trong năm tới.

Cùng với đà tăng giá của mặt hàng năng lượng, vốn đã tăng tới 38% tại thời điểm tháng 4/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, các hộ gia đình tại châu Âu còn đối mặt với xu thế giá lương thực tăng cao, với mức tăng 6% trong cùng thời kỳ này.

Sản xuất công nghiệp vẫn gặp phải rào cản đến từ đứt gãy chuỗi cung ứng. Các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc để phòng chống COVID-19 đang hủy hoại thương mại toàn cầu. Cùng lúc, triển vọng kinh tế Mỹ ngày một bất chắc hơn trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) đứng trước thách thức phải kiểm soát được lạm phát bằng công cụ lãi suất, nhưng không được gây tổn hại quá nhiều đến hoạt động kinh tế.

Bất chấp triển vọng bấp bênh, EC kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp trong EU sẽ tiếp tục được cải thiện sau khi tăng do diễn biến của đại dịch COVID-19. So với dự báo công bố hồi tháng 2, Tỉ lệ thất nghiệp được điều chỉnh giảm, từ 7,7% xuống còn 7,3% trong năm 2022 trong eurozone và xuống 7% trong năm tới. Cân bằng ngân sách cũng kỳ vọng sẽ dần được cải thiện. Tính chung cho cả eurozone, thâm hụt ngân sách kỳ vọng từ mức 5,1% GDP trong năm 2021 sẽ giảm xuống còn 3,7% GDP trong năm nay và 2,5% GDP trong năm 2023.

Ngày 1/6/2022, Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) đã có buổi làm việc với Cao ủy nông nghiệp của EU để trao đổi thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới. Trong buổi làm việc, Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-EU đang phát triển tốt đẹp, tạo dựng khuôn khổ hợp tác vững chắc với nhiều hiệp định hợp tác quan trọng và những cơ chế hợp tác hiệu quả. Đại sứ khẳng định hợp tác nông nghiệp có vai trò quan trọng, là một trong những trụ cột trong quan hệ giữa Viêt Nam và EU, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới và khu vực đang phải đối phó với thách thức ngày càng lớn về an ninh lương thực. Việt Nam và EU có tiềm năng lớn về hợp tác nông nghiệp trong thời gian tới do EU đang tăng cường tự chủ chiến lược, đa dạng hóa nguồn cung, bảo đảm an ninh lương thực, trong khi Việt Nam có tiềm năng lớn về nông nghiệp, có lợi thế lớn từ Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA). Đại sứ Việt Nam đề xuất EU tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách và mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ tăng cường năng lực cho Việt Nam, bao gồm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật-chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật nông nghiệp tiệm cận với quốc tế; tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, chế biến nông sản xuất khẩu… Đại sứ cũng đề xuất EU hỗ trợ Việt Nam trong thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện các cam kết về giảm phát thải, bảo vệ môi trường…, nhất là cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).

Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất 1,7 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu 326,8 triệu USD, tăng 41,1% về xuất khẩu và 0,8% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2021 cụ thể như sau: cà phê (tăng 87,2%), cao su (giảm 15,2%), chè (giảm 65,0%), gạo (tăng 97,8%), gỗ & sản phẩm gỗ (tăng 4,6%), hàng rau quả (tăng 14,4%), hàng thủy sản (tăng 47,1%), hạt điều (giảm 5,8%), hạt tiêu (tăng 40,7%), mây, tre, cói và thảm (tăng 27,4%), và sản phẩm từ cao su (giảm 27,7%). 

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường