Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Triển vọng của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2023 là khá mờ mịt. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc xuống 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng dự kiến của năm nay là 2,7%.
Việc OECD hạ thấp triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc là dấu hiệu không khả quan do tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm tới ở mức 2,2%. Điều này cho thấy nền kinh tế lệ thuộc xuất khẩu của Hàn Quốc dễ bị tổn thương hơn trước các yếu tố tiêu cực như thắt chặt tiền tệ toàn cầu và giá dầu cùng các tài nguyên nguyên liệu khác tăng cao.
Nền kinh tế Hàn Quốc cũng đang gánh chịu gánh nặng của cuộc chiến kéo dài giữa Nga với Ukraine, cuộc cạnh tranh quyền lực nước lớn giữa Mỹ - Trung và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gia tăng của cả hai cường quốc. Tốc độ tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc cũng là một trong những thách thức lớn nhất mà Hàn Quốc phải đối mặt do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 1 của Hàn Quốc. Trong nước, xung đột chính trị giữa đảng cầm quyền và phe đối lập đang đè nặng nền kinh tế.
Thâm hụt thương mại của Hàn Quốc dự đoán sẽ tăng vọt lên 40 tỷ USD trong năm nay, mức thâm hụt lớn nhất kể từ khi nước này bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Xuất khẩu năm 2023 được dự báo sẽ giảm 3,1% do xu hướng suy giảm thương mại.
Cơ quan Hải quan Hàn Quốc vừa cho biết, nhập khẩu kim chi của nước này đã chạm mức cao nhất từ trước đến nay vào tháng 10/2022 trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Theo số liệu chính thức, các lô hàng nhập khẩu món ăn cay truyền thống của Hàn Quốc đạt mức kỷ lục 17,02 triệu USD trong tháng 10/2022, tăng 50,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng tăng 16,2% so với tháng trước đó và ghi dấu lần đầu tiên nhập khẩu kim chi hàng tháng của Hàn Quốc vượt mốc 17 triệu USD.
Xuất khẩu kim chi của đất nước này đạt 11,13 triệu USD trong tháng 10/2022, dẫn đến thâm hụt thương mại 5,89 triệu USD trong lĩnh vực này. Nhập khẩu kim chi tăng trong tháng 10/2022 được cho là do giá bắp cải, các nguyên liệu khác và các sản phẩm làm kim chi trong nước tăng giá, khiến các nhà hàng và những người tiêu dùng khác chuyển sang nhập giá rẻ hơn từ Trung Quốc.
Nhà sản xuất kim chi hàng đầu Hàn Quốc Daesang FNF và các công ty khác đã tăng giá sản phẩm gần 10% trong tháng 9 và tháng 10, và cũng là lần tăng giá thứ hai trong năm nay.
Dữ liệu cũng cho thấy nhập khẩu kim chi của Hàn Quốc tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên 142 triệu USD trong 10 tháng qua. Ngược lại, xuất khẩu kim chi giảm 12,8% xuống 119 triệu USD, dẫn đến thâm hụt thương mại 23 triệu USD trong ngành này. Do đó, cán cân thương mại kim chi của Hàn Quốc dự kiến sẽ thâm hụt trong cả năm 2022 so với mức thặng dư 19,2 triệu USD của năm ngoái và là lần thâm hụt đầu tiên trong 12 năm.
Tính đến tháng 10 năm 2022, tổng cộng 976.967 tấn thủy sản đã được nhập khẩu vào Hàn Quốc, trong đó nhập khẩu bạch tuộc nhỏ đông lạnh 22.923 tấn, tương đương 2,35%. Năm 2021, Hàn Quốc đã nhập khẩu 23.418 tấn bạch tuộc nhỏ đông lạnh, chiếm 2,76% trong số 849.769 tấn thuỷ sản nhập khẩu trong cả năm đó.
Lượng nhập khẩu trung bình từ tháng 10/2017 đến năm 2022 là 2.756 tấn, trong đó nhập khẩu bạch tuộc đông lạnh loại nhỏ trong tháng 10 là cao nhất với 24.273 tấn trong năm 2017 và thấp nhất với 20.934 tấn vào năm 2019.
Có 9 quốc gia xuất khẩu bạch tuộc đông lạnh loại nhỏ cho Hàn Quốc trong năm nay, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam 17.313 tấn, chiếm 75,5% tổng lượng nhập khẩu, tiếp theo là Thái Lan với 4.185 tấn, Indonesia với 1.044 tấn, Trung Quốc với 152 tấn và Malaysia với 115 tấn.
Tính tới tháng 9/2022, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc từ Nhật Bản đạt 19.206 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Có 8.658 tấn sò điệp sống được nhập khẩu, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021, khiến đây trở thành mặt hàng thủy sản được nhập khẩu chính. Đứng thứ hai là cá chẽm đỏ với 3.937 tấn, tăng 11% và đứng thứ ba là cá cam sống với 999 tấn, giảm 17%. Nhập khẩu cá minh thái tươi giảm 6% đạt 943 tấn, nhập khẩu dứa biển đông lạnh đạt 931 tấn, tăng 5%. Nhập khẩu cá đuối tươi đạt 497 tấn, giảm 11%. Tỷ trọng các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản vào Hàn Quốc chiếm 2,10% tổng khối lượng nhập khẩu.
Tháng 10/2022, Việt Nam xuất khẩu 206,6 triệu USD các mặt hàng NLTS chính tới Hàn Quốc, tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tới thị trường này chiếm 39,9%, thứ hai là gỗ và sản phẩm gỗ với 36,9%, rau quả chiếm 6,0%. Trong các mặt hàng xuất khẩu chính, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, sắn và sản phẩm cao su là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, còn lại các mặt hàng khác có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.