Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 1/2023
15 | 02 | 2023

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022 đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,01% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 3,80 tỷ USD, tăng 19,66%. Tính riêng tháng 12/2022, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 976,43 triệu USD, giảm 0,9% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 12/2022 là cao su (chiếm 30,4%), rau quả (chiếm 16,3%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 16,0%), sắn và sản phẩm từ sắn (chiếm 14,8%), thủy sản (chiếm 11,8%), thủy sản (chiếm 10,7%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 3,9%), hạt điều (chiếm 3,3%). So với tháng 11/2022, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng là: sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 26,6%), cà phê (tăng 13,8%), cao su (tăng 7,3%); trong khi đó hầu hết các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là hạt điều (giảm 40,1%), chè (giảm 33,6%), mây tre đan (giảm 28,1%), thủy sản (giảm 18,2%), gạo (giảm 7,7%), gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 4,8%), rau quả (giảm 3,7%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 3,0%). So với cùng kỳ, các mặt  hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là: chè (tăng 275,6%), sắn và SP sắn (tăng 34,9%), cà phê (tăng 24,7%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 22,8%), rau quả (tăng 3,9%); các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là mây tre đan (giảm 60,3%), thịt và sản phẩm thịt (giảm 48,7%), hạt điều (giảm 38,3%), gạo (giảm 15,0%), thủy sản (giảm 10,8%), cao su (giảm 8,1%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm)

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tính đến 20h00 ngày 03.02.2023, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh là 159 xe, trong đó xe chở hoa quả là 111 xe và 48 xe hàng khác. Cụ thể: (i) tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, còn tồn 01 xe mặt hàng khác; (ii) tại cửa khẩu phụ Tân Thanh còn tồn 98 xe, trong đó có 95 xe hoa quả (90 xe chở bằng container lạnh, 05 xe chở bằng container nóng); (iii) tại cửa khẩu chính Chi Ma còn tồn 39 xe mặt hàng khác; (iv) tại cửa khẩu Cốc Nam còn tồn 21 xe, trong đó có 16 xe hoa quả chở bằng container lạnh và 02 xe mặt hàng khác.

Theo dữ liệu chính thức công bố tháng 12/2022, dân số Trung Quốc trong năm 2022 đã giảm lần đầu tiên trong hơn 60 năm và quốc gia 1,4 tỷ dân này đã chứng kiến tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục khi lực lượng lao động già đi.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31/1/2023, hoạt động sản xuất của nước này đã tăng trưởng vào tháng 1/2023, sau 4 tháng suy giảm liên tiếp, giữa bối cảnh nền kinh tế của nước này đang phục hồi sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt do dịch COVID-19.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ đóng góp 25% vào tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023, dù cho vẫn còn những bất ổn liên quan đến dịch COVID-19 và lĩnh vực bất động sản có thể kìm hãm động lực này. Đồng thời, IMF cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm nay của Trung Quốc lên 5,2% do dự kiến nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm 2023 khi việc đi lại và các hoạt động tăng lên sau khi các hạn chế liên quan đến dịch bệnh được dỡ bỏ, qua đó thúc đẩy cho nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch mới đây đã đưa ra dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay thay cho mức dự báo 4,1% hồi tháng 12/2022.

Ngân hàng UBS cũng đưa ra nhận định về phục hồi nền kinh tế Trung Quốc và cho rằng dù tiền tiết kiệm hộ gia đình của người dân Trung Quốc khá cao nhưng sẽ chưa được chuyển hướng mạnh mẽ vào hoạt động chi tiêu năm nay do tâm lý người tiêu dùng vẫn đang khá thận trọng.

Theo thông tin đài truyền hình CCTV Trung Quốc, Quốc Vụ Viện Trung Quốc sẽ thúc đẩy phục hồi tiêu dùng như động lực chính của nền kinh tế và thúc đẩy nhập khẩu, giữa bối cảnh nhu cầu toàn cầu hạ nhiệt trước nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế lớn. Tại một cuộc họp do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, Quốc Vụ Viện Trung Quốc cam kết đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư nước ngoài, duy trì đồng NDT ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới và giúp các công ty tham gia hội chợ thương mại cả trong và ngoài nước. Quốc Vụ Viện còn thảo luận về các biện pháp hỗ trợ nông dân bắt đầu gieo trồng vụ xuân, bao gồm trợ cấp cho việc gieo đậu tương.

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới nhưng nhiều gia đình Trung Quốc đã phải chuyển sang dùng thịt gà có giá rẻ hơn trong đại dịch. Ngành chăn nuôi Trung Quốc bị đình trệ do dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi, khiến nước này phải nhập khẩu số lượng lớn thịt lợn từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, sẽ cần thời gian để ngành chăn nuôi Trung Quốc phục hồi lại như thời trước đại dịch. Do đó, quốc gia này có thể sẽ vẫn còn nhập khẩu nhiều thịt lợn trong năm 2023. Nhiều chuyên gia dự báo tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc (bao gồm cả nội tạng) ước tính khoảng 2 triệu tấn/năm. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành chăn nuôi của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường