Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Viện nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI) dự báo về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 là 1,8 thấp hơn mức dự đoán của Chính phủ Hàn Quốc (1,6%). Dự báo của KDI cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á trong nửa đầu năm 2023 là 1,1% và nửa cuối năm là 2,4%. Mặc dù mức kỳ vọng nửa đầu năm giảm 0,3% song bù lại ở nửa cuối năm sẽ tăng 0,3%.
Theo số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố hôm 1/2, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 1/2023 giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 46,27 tỷ USD. Nhập khẩu giảm 2,6% xuống còn 58,96 tỷ USD. Thâm hụt thương mại trong tháng 1 tăng lên mức 12,69 tỷ USD, mức thâm hụt theo tháng cao nhất từ trước đến nay, đồng thời đánh dấu chuỗi thâm hụt thương mại dài nhất kể từ năm 1997 với 11 tháng liên tiếp.
Thâm hụt thương mại năm 2022 của nước này cũng được ghi nhận ở mức cao kỷ lục kể từ năm 2008, thời kỳ diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tính đến tháng 1, Hàn Quốc đã thâm hụt thương mại 11 tháng liên tiếp. Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) nhận định, thâm hụt thương mại của nước này cao kỷ lục là do ảnh hưởng từ việc giá nguyên vật liệu quốc tế leo thang sau khi bùng nổ xung đột Nga - Ukraine khiến nhập khẩu tăng vọt.
Để cải thiện tình trạng nhập siêu và tăng cường thu hút đầu tư, Chính phủ Hàn Quốc đã tung ra nhiều gói biện pháp dựa trên hàng trăm kiến nghị của các doanh nghiệp nước ngoài thông qua hàng loạt cuộc khảo sát. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc và giới doanh nghiệp trong nước có kế hoạch xúc tiến các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) theo khái niệm mới, với hình thức “Hiệp định Đối tác kinh tế” (EPA), trong đó bổ sung thêm các yếu tố hợp tác cho hệ thống FTA vốn có như: Chuỗi cung ứng, kỹ thuật số và chuyển giao công nghệ, đối với các nước mới nổi có tiềm lực tăng trưởng cao. Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ tiến hành đàm phán với mục tiêu ký kết FTA theo phương thức trên với hơn 10 nước trong năm 2023, bao gồm các nước khu vực Trung Đông và Trung Nam Mỹ.
Thị trưởng Baek Sung- hyeon khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Hàn Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Hợp tác thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 với kim ngạch đạt 88 tỷ USD. Hai nước đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững, trong đó có biện pháp hỗ trợ để hàng nông thủy sản, hải sản, trái cây theo mùa của Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc.
Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Hàn Quốc trong năm 2022, đạt 161,9 nghìn tấn, trị giá 915,8 triệu USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 15,3% về trị giá so với năm 2021. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc ổn định ở mức 10,2%.
Dự báo, trong nửa đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc sẽ tiếp tục chậm lại theo xu hướng trong quý cuối năm 2022 do kinh tế gặp khó khăn. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm và tiêu dùng cá nhân cũng sẽ chậm lại do lãi suất cao. Điều này sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc trong năm 2023.
Tháng 1/2023, Việt Nam xuất khẩu 231,6 triệu USD các mặt hàng NLTS chính tới Hàn Quốc, giảm 37,85% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tới thị trường này chiếm 44,12%, thứ hai là thủy sản với 34,3%, rau quả chiếm 6,9%, cà phê chiếm 4,65%. Trong tháng này hầu hết các mặt hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Hàn Quốc đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 trong đó gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 40,26%, cao su giảm 33,96%, thủy sản giảm 29,45%. Một trong số nguyên nhân chính là do trong tháng 1/2023 Việt Nam có 2 kỳ nghỉ lễ lớn kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của cả nước.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.