Nguồn: thesaigontimes.vn
Một nửa doanh thu của Health &Happiness (H&H), có phiếu niêm yết tại Hồng Kông đến từ các sản phẩm dành cho trẻ em như sữa bột, thực phẩm và tã lót cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trong năm ngoái, doanh thu thương hiệu tã Dodie của H&H giảm 12% tại Trung Quốc đại lục do tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục, làm trầm trọng thêm tình trạng thừa cung tã, khiến giá giảm.
Akash Bedi, CEO của H&H, cho biết mở rộng và đa dạng hóa toàn cầu là ưu tiên của H&H trong năm nay. Công ty đã xoay xở để bù đắp sự sụt giảm nhu cầu tã trẻ em bằng cách tăng 12,5% doanh thu toàn cầu ở mảng sản phẩm dinh dưỡng dành cho người lớn, gồm các loại vitamin và chất bổ sung mang thương hiệu Swisse.
“Tại các thị trường mới hơn như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Malaysia, thương hiệu Swisse đang phát triển cả kênh ngoại tuyến và trực tuyến để tăng thị phần”, Bedi nói.
Theo nghiên cứu của Euromonitor, thị trường thức ăn và tã trẻ em của Trung Quốc có giá trị 37,9 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm khoảng 1/3 doanh thu toàn cầu .
Tuy nhiên, tác động từ đợt giảm dân số đầu tiên của Trung Quốc trong sáu thập niên đã lan tỏa nhanh chóng. Thị trường sữa và tã trẻ em của Trung Quốc được dự báo giảm lần đầu tiên trong năm nay kể từ khi Euromonitor bắt đầu theo dõi vào năm 2012. Đến năm 2025, thị trường này sẽ giảm xuống còn 37,2 tỉ đô la, thấp 2% so với hiện nay.
Đà suy giảm tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ chưa sớm kết thúc. Giới phân tích lưu ý, thanh niên Trung Quốc không muốn có nhiều hơn một con hoặc thậm chí không muốn sinh con do chi phí nuôi dạy con cái quá cao, đặc biệt là chi phí giáo dục.
Các nhà sản xuất sản phẩm trẻ em không đa dạng hóa “sẽ đối mặt với tỷ suất lợi nhuận giảm, doanh thu kém và giá cổ phiếu của họ sẽ giảm vì họ sẽ mất vài năm để đưa ra một chiến lược mới và thực hiện”, Shaun Rein, CEO của China Market Research Group (CMR) cảnh báo.
CMR ước tính, thị trường Trung Quốc về hàng hóa và dịch vụ dành cho trẻ em (bao gồm cả giáo dục) hiện có trị giá khoảng 500 tỉ đô la mỗi năm. Tuy nhiên, CMR dự đoán thị trường này sẽ giảm 15% -20% trong vòng 5 năm tới.
Hengan International Group, nhà sản xuất băng vệ sinh, tã và khăn giấy,có trụ sở tại Phúc Kiến, chứng kiến doanh số tã giảm 1,4% vào năm ngoái do các sản phẩm ở phân khúc tã trẻ em giá rẻ không còn được ưa chuộng. Tuy nhiên, doanh thu tã người lớn của công ty này tăng 13%. Điều này cho thấy dân số già hóa nhanh chóng của Trung Quốc đang thúc đẩy sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng.
Nhận thấy cơ hội tăng trưởng khả quan, Hengan lên kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào các sản phẩm chăm sóc người lớn như nhãn hiệu tã ElderJoy, nhằm mở rộng thị phần trong nước lẫn Đông Nam Á.
Chịu tổn thương nhiều nhất trước xu hướng nhân khẩu học của Trung Quốc là các nhà sản xuất sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh trong nước có các dòng sản phẩm kém đa dạng hơn. Doanh số của những công ty này giảm mạnh trong năm 2022 sau nhiều năm tăng trưởng.
China Feihe, nhà sản xuất sữa bột trẻ em lớn nhất nước, chứng kiến doanh thu giảm 6,4% vào năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu của hai đối thủ Yashili International Holdings Ausnutria Dairy lần lượt giảm 15,7% và 9,1%. Cổ phiếu của ba công ty hiện giao dịch ở mức từ 1/3 đến 1/5 so mức đỉnh trong lịch sử.
Ba công ty trên đều đang mở rộng kinh doanh ở các sản phẩm dành cho người lớn tuổi. Đặc biệt, các sản phẩm sữa bột dành cho người lớn có bổ sung vitamin và khoáng chất được đánh giá là phân khúc đầy triển vọng.
Yashili cho biết, sẽ tập trung sản xuất sữa bột cho trẻ từ 3-15 tuổi cũng như người lớn, đặc biệt là người già. Gần đây, công ty này cũng tung ra các sản phẩm nhắm đến phụ nữ trẻ, bao gồm bột yến mạch trái cây.
Các nhà sản xuất quần áo trẻ em ở Trung Quốc cũng phải trở nên sáng tạo để duy trì tăng trưởng. “Tác động của việc giảm tỷ lệ sinh là rất thực. Bây giờ, chúng tôi sản xuất rất nhiều bộ trang phục đôi cho cha mẹ và con cái, khác với trước đây, một mẫu sản phẩm quần áo chỉ sản xuất cho trẻ em”, Zhang Yan, người sáng lập dòng quần áo trẻ em Natunakids, có trụ sở tại Thượng Hải nói.