Nguồn: tiasang
“Nếu nhìn lại 15 năm trở về trước thì phần lớn sự đóng góp vào ngành hàng thịt lợn là từ các hộ chăn nuôi nhỏ. Giờ phần lớn thịt lợn cho người Việt Nam mình tiêu thụ hằng ngày vẫn được sản xuất chủ yếu từ các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ”, trong một cuộc trao đổi giữa Tia Sáng và các nhà nghiên cứu của Viện Chăn nuôi quốc tế (ILRI) về tính cạnh tranh của chuỗi nghiên cứu ngành lợn và an toàn thực phẩm ở Việt Nam, TS. Nguyễn Việt Hùng lý giải nguyên nhân vì sao cả hai dự án PigRISK và SafePORK của ILRI tại Việt Nam lại tập trung vào các hộ chăn nuôi nhỏ. Từ kết quả nghiên cứu của dự án đầu, ILRI và Viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã đi đến kết luận, trong thập kỷ tới thì ngành hàng thịt lợn do nông hộ nhỏ sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn ở Việt Nam. “Dự đoán đấy đến bây giờ vẫn đúng, 15 năm sau vẫn đúng, chưa có sai chút nào. Dĩ nhiên nó cũng có thay đổi nhưng chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn chưa đóng vai trò nhỏ hơn”, anh nói. Theo nghĩa đó, trong tổng số 2,59 triệu tấn thịt lợn trên thị trường Việt Nam (FAO, năm 2021), chủ yếu vẫn được xuất từ các nông hộ nhỏ hoặc các trang trại quy mô nhỏ – theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP là những nơi có lần lượt dưới 10 vật nuôi và 10 đến 30 vật nuôi.
Thông thường, khi nhắc đến chuỗi giá trị thịt lợn, hay nhìn rộng ra là cả hệ thống thực phẩm ở Việt Nam, người ta thường nghĩ đến mối quan hệ giữa những hộ chăn nuôi nhỏ và khách hàng đô thị nhưng trên thực tế, đó chỉ là hai điểm mút của một chuỗi quan hệ tuyến tính, vốn bao gồm rất nhiều yếu tố và hoạt động liên quan đến cả chuỗi sản xuất, nguyên liệu, chế biến, phân phối, tiêu dùng và cả bối cảnh kinh tế – xã hội, sức khỏe và môi trường xung quanh. Theo nghĩa đó, nếu nhìn vào hệ thống thực phẩm Việt Nam, sau cả năm thập kỷ biến chuyển (nếu tính từ điểm mốc quan trọng năm 1975), thách thức phải có được thực phẩm thịt lợn vừa tốt cho sức khỏe vừa đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội đang phát triển theo hướng đô thị hóa, loại bỏ được những lo ngại về an toàn thực phẩm và giảm thiểu tác động đến môi trường như hiện tại sẽ không chỉ đặt lên đôi vai những nông hộ nhỏ.
Nhưng nếu nhìn vào toàn chuỗi giá trị, những nông hộ chăn nuôi nhỏ này có thể tự làm được những gì? Họ có được một chỗ đứng trong tương lai, khi triển vọng được dự báo là sẽ thuộc về những trang trại chăn nuôi quy mô lớn?
Nông hộ nhỏ chậm đổi mới
Có thật là các nông hộ chăn nuôi nhỏ đều chậm đổi mới? Nếu trả lời ngay tắp lự, có thể chúng ta sẽ phạm phải sai lầm. Vậy có cách nào đánh giá được đúng điều này? Mỗi khi bối rối về thực tại, người ta thường quay trở về quá khứ, nhìn vào những bài học lịch sử để thử đưa ra các lý giải những phức tạp hiện hữu. “Sau Đổi mới, quá trình chuyển đổi kinh tế đi kèm với cách tiếp cận về thị trường gần như là một sự thay đổi về tư duy, chuyển từ cách làm hợp tác xã tập thể hóa tính theo công điểm sang cách làm nông nghiệp quy mô nhỏ. Cho đến hiện nay, sự chuyển đổi ấy đã bắt đầu có gắn kết thị trường và hướng đến tiêu chuẩn hóa”, nghiên cứu sinh Nguyễn Minh Quốc, Nhóm nghiên cứu chính sách môi trường ĐH Wageningen Hà Lan và là tác giả chính của công bố “Food system transitions in Vietnam: The case of pork and vegetable networks” (Những chuyển dịch hệ thống thực phẩm ở Việt Nam: Trường hợp của các mạng lưới thịt lợn và rau) trên tạp chí Environmental Innovation and Societal Transitions, nhận xét. Các nông hộ nhỏ ở Việt Nam, trước khi được công nhận vào sau năm 1986, đã có một cuộc vật lộn ngầm bên trong tiến trình tập thể hóa, khi các chính sách hỗ trợ nông nghiệp đều chủ yếu khuyến khích mô hình sản xuất lớn thông qua hình thức hợp tác xã. “Cả quá trình dịch chuyển này đòi hỏi rất nhiều thời gian. Và thực sự mà nói thì Việt Nam mất nhiều thời gian hơn những quốc gia khác vì phải thay đổi cả cụm tư duy”, anh nói.
Dẫu quá trình dịch chuyển đổi diễn ra một cách chậm chạp nhưng các nông hộ chăn nuôi nhỏ ở Việt Nam vẫn tỏ rõ sự thích ứng với bối cảnh mới mà Đổi mới mang lại, khi kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình được công nhận. Dường như sự tương thích của họ với những gì mà chuyển động chính sách đem lại ấy hoàn toàn phản trực giác, nó ngược lại những gì mà người ta vẫn thường quan niệm: người nông dân nói chung và các hộ chăn nuôi nói riêng đều khá bảo thủ, làm theo quán tính, không chịu đổi mới và không áp dụng các công nghệ hiện đại. Tuy nhiên trên thực tế thì “các hộ chăn nuôi nhỏ áp dụng cái mới rất nhanh. Họ có thói quen học hỏi lẫn nhau, học hỏi từ những mô hình thành công, chia sẻ kinh nghiệm và đáng chú ý là chủ động áp dụng công nghệ mới vào chăn nuôi”, nghiên cứu sinh Nguyễn Minh Quốc nói về những điều anh rút ra trong quá trình khảo sát tại Hưng Yên và một số vùng chăn nuôi khác.
Khi thông tin được bóc tách theo từng lớp như lớp vỏ hành, người ta mới chợt nhận ra là sự thật vẫn tồn tại ở đó nhưng ít được chú ý bởi nó bị khuất lấp và che phủ bởi từng lớp định kiến không dễ cởi bỏ. Cũng như những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ ở thành thị, người nông dân chăn nuôi nhỏ có khả năng đáp ứng rất linh hoạt đối với các yêu cầu mới nảy sinh hoặc nắm bắt rất nhanh các cơ hội chợt đến. Giống như ước vọng về “Người giỏi chăn nuôi” mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác vào năm 1972 “Tôi đến thăm chuồng thấy đàn lợn béo; Nước trong leo lẻo tắm mát cho từng con; Những cuộng rau non dành cho ngày mai đến”…, xu hướng áp dụng mô hình sản xuất vườn – ao – chuồng, làm hầm biogas dù không diễn ra một cách đồng loạt nhưng đã đem lại những đổi thay cho cuộc sống của họ. “Thậm chí, nhiều người còn tới cả địa phương khác để tìm hiểu về mô hình mới mà không đợi đến lúc cán bộ khuyến nông địa phương mình giới thiệu”, một nhà nghiên cứu ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam từng trao đổi như vậy bên lề hội thảo về phát triển nông thôn mới năm 2017.
Những đổi mới trong công nghệ chăn nuôi, tưởng chừng như chỉ xảy ra trong chăn nuôi quy mô lớn với những trang trại có ba trăm đơn vị vật nuôi trở lên, bất ngờ hiển thị ở ngay những hộ nhỏ. “Họ đã sử dụng các công nghệ kiểu mới khác nhau trong chăn nuôi, ví dụ như bắt đầu sử dụng máng ăn tự động, quạt thông gió, về giống thì hầu như tất cả đều sử dụng giống lai để đáp ứng nhu cầu của thị trường, mặc dù giống bản địa vẫn còn…”, nghiên cứu sinh Nguyễn Minh Quốc cho biết. Dường như, các hộ chăn nuôi đã ý thức được những thực hành chăn nuôi kiểu mới và sự hỗ trợ của các công nghệ mới, thậm chí tự động hóa, để tiết kiệm công lao động, cho phép việc sử dụng thời gian linh hoạt cho các hoạt động sinh kế nông nghiệp và phi nông nghiệp khác – bất kể ở mức độ còn sơ khai và còn rất xa mới đạt đến mức mà người ta vẫn hình dung về chăn nuôi thông minh là chăm sóc, nắm bắt thông tin chuồng trại vật nuôi theo thời gian thực ở trang trại của các quốc gia tiên tiến. Nếu tìm kiếm trên Google từ khóa “máng thức ăn tự động cho lợn/heo”, chỉ sau 0,37 giây, người ta có thể nhận về khoảng 267.000 kết quả, trong đó có các loại máng inox đủ cấp độ cho lợn thịt, lợn con được quảng cáo là có sức chứa lớn, giúp cung cấp thức ăn kịp thời, đủ bữa, tiết kiệm thời gian chăm sóc, hạn chế thất thoát thức ăn. “Khi đi khảo sát, tôi ngạc nhiên thấy các hộ áp dụng rất nhiều. Máng ăn tự động có nhiều loại, có loại chính xác cho từng cụ thể số lượng, có loại có thể đơn giản chỉ là cái máy cho ăn theo giờ thôi, trong nước cũng có thể làm được và nhất là không tốn quá nhiều tiền mua”, anh chia sẻ.
Lưng vốn kinh nghiệm và khả năng thích ứng được tích lũy qua thời gian không chỉ đem lại thu nhập cho các hộ chăn nuôi mà còn là yếu tố giúp họ chống chịu với những cơn bão dịch bệnh, điển hình như tả lợn châu Phi, dịch bệnh gây nhiều thiệt hại nhất cho ngành chăn nuôi lợn trong vòng 50 năm qua. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT phát ra vào tháng 6/2022, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên phạm vi cả nước, khiến phải tiêu hủy trên 6 triệu con lợn, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 còn theo số liệu của FAO thì chỉ riêng năm 2019, Việt Nam đã mất 0,37 triệu tấn lợn thịt. “Cho dù rất nhiều hộ phải hứng chịu thiệt hại theo nhiều mức độ khác nhau như cụt vốn, thậm chí phá sản và có thể phải chuyển đổi nghề, nhưng nhiều nông hộ nhỏ ở Việt Nam vẫn chứng tỏ sức chống chịu với những áp lực bên ngoài khá tốt và họ có khả năng khôi phục sau dịch bệnh để tiếp tục tái đàn”, Nguyễn Minh Quốc nhận xét. Đây là lý do mà sang năm 2020, sản lượng lợn thịt ở Việt Nam đã lên con số 2,47 triệu tấn và năm 2021 là 2,39 triệu tấn (FAO). “Nói chung họ thích ứng tốt với hoàn cảnh và khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát thì chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã áp dụng rất nhanh các nguyên tắc của an toàn sinh học trên chuồng trại của mình. Đơn giản là các nông hộ nhỏ không phải lười như người ta vẫn nghĩ, ngược lại họ học được nhanh, thích ứng nhanh; một khi đã muốn làm thì họ có cách tìm hiểu rất mau lẹ”.
Vì vậy, thật khó hiểu là tại sao tới giờ, những nông hộ nhỏ vẫn còn phải lao đao trước những thay đổi của thị trường và rơi vào vòng lặp “được mùa mất giá” hoặc phải trông chờ vào bàn tay “giải cứu” của xã hội? Phải chăng họ chỉ có thể quẫy đạp tự giải cứu chính mình ở một phạm vi nhất định, trong khi không có tiếng nói giữa một hệ thống thực phẩm có quá nhiều thành tố và các bên liên quan? Trên thực tế, câu chuyện còn phức tạp hơn nhiều.
Phận tủi trong chuỗi giá trị
Nhìn vào cả một chu trình để một con lợn được nuôi nấng trong chuồng trại cho đến khi nó được xuất chuồng và đến tay người tiêu dùng dưới nhiều hình thức sản phẩm khác nhau, người ta mới có thể thấy được hệ thống thực phẩm thịt lợn như một mê cung đan cài nhiều đường nhánh và trung gian. Ví dụ nếu trước đây, một hộ chăn nuôi nhỏ chỉ có một, hai con lợn trong chuồng nhà mình thì mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều, nhưng nếu con số này vào khoảng 5 đến 10 trở lên, đấy là một vấn đề hoàn toàn khác. Với các hộ chăn nuôi nhỏ, một đàn lợn như vậy có thể là cả gia tài.
Lúc này, các nông hộ nhỏ sẽ buộc phải tính toán co kéo chặt chẽ đến các khâu giống, thức ăn, thuốc men, công nghệ chăn nuôi mới và thương lái… “Nếu chỉ đề cập giống thì đây cũng là một phần công nghệ quá lớn và quan trọng bởi giống quyết định rất nhiều đến quá trình nuôi và sản lượng xuất chuồng”, nghiên cứu sinh Nguyễn Minh Quốc nói. Mặc dù các giống lợn bản địa như lợn Móng Cái, Táp Ná… vẫn còn tồn tại nhưng các giống lai như lợn nhập khẩu Pietrain, Yorkshire, Duroc, Hampshire… cũng được ưa chuộng bởi vượt trội về tỉ lệ tạo nạc và có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc nuôi các giống lợn này, với quy mô nông hộ hay quy mô trang trại nhỏ, cần những chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, sức khỏe thú y khác nhau… Khi đó, việc nuôi dưỡng sẽ không chỉ là tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như trước đây mà cần bổ sung thức ăn công nghiệp chuyên dụng. “Thức ăn công nghiệp rất đa dạng vì nó liên quan đến các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của vật nuôi, ví dụ như con lợn bao nhiêu tháng tuổi thì cần thức ăn có thành phần gì, lượng thức ăn như thế nào? Hiện nay, các hộ đều sử dụng phổ biến loại thức ăn này nhưng vấn đề là thức ăn chăn nuôi vẫn là nhập khẩu. Và các công ty nước ngoài rất mạnh và chiếm ưu thế trên thị trường”, anh nói.
Thức ăn công nghiệp một mặt là giúp các hộ chăn nuôi có được nguồn cung đủ dinh dưỡng cho đàn lợn nhưng mặt khác, khiến họ bị phụ thuộc, hay nói cách khác là bị cột chặt vào nguồn cung của các công ty nước ngoài. Nếu chăn nuôi lợn, ai cũng biết rằng thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60 đến 65% giá thành một con lợn xuất chuồng. Quan trọng là vậy nhưng tồn tại một nghịch lý là 70% lượng thức ăn chăn nuôi trên thị trường phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, dù Việt Nam thuộc top 10 nước đứng đầu về quy mô chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 23,3 triệu con. “Mỗi năm, chúng ta phải nhập khẩu từ 10 đến 12 triệu tấn nguyên liệu thức ăn cho lợn bao gồm bắp/ngô, lúa mì, lúa mạch, cám gạo, cám mì, đậu nành… Ngoài ra, còn nhập nhiều loại sản phẩm phụ trợ khác”, giáo sư Lã Văn Kính, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, chỉ ra tại hội thảo “Cơ hội và thách thức của ngành chăn nuôi heo Việt Nam – một số giải pháp phát triển trong thời gian tới” vào tháng 10/2022. Ở thời điểm hội thảo này được tổ chức, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 30 đến 50% so với năm 2021.
Chỉ một lát cắt sơ khởi về thức ăn chăn nuôi đã cho thấy những gì diễn ra với các hộ chăn nuôi nhỏ hoàn toàn khác so với hình dung của người tiêu dùng chỉ quen thấy những miếng thịt đặt trong quầy bán lẻ. “Bên cạnh tác động một phần từ giá thịt lợn hơi bấp bênh, người chăn nuôi nhỏ còn phải hứng chịu sức ép về giá thức ăn chăn nuôi càng lúc càng cao. Đó là lý do vì sao những hộ chăn nuôi nhỏ dễ bị tổn thương hơn chăn nuôi quy mô trang trại bởi vì họ không có cơ chế nào để chống đỡ được sức ép giá thành trong khi các hộ chăn nuôi lớn có thể ký kết hợp đồng với những bên cung cấp thức ăn chăn nuôi để giảm giá”, nghiên cứu sinh Nguyễn Minh Quốc nhận xét.
Với các hộ chăn nuôi, rủi ro gặp phải không chỉ có một. “Có hai loại rủi ro với mức độ xuất hiện cao nhất và gây thiệt hại nặng nề nhất cho các hộ nông dân ở tất cả các quy mô chăn nuôi là dịch bệnh và rủi ro thị trường”, anh chỉ ra. Trong vòng năm thập niên qua, người chăn nuôi không chỉ phải hứng chịu dịch tả lợn châu Phi mà rải rác xuất hiện rất nhiều loại bệnh khác, ở những mức độ nguy hại khác nhau, như lở mồm long móng, tiêu chảy, tai xanh, suyễn, bại liệt, tụ huyết trùng, đóng dấu, xoắn khuẩn, sưng phù đầu…, trong đó có những bệnh có khả năng chữa trị song làm giảm năng suất thịt, tăng chi phí chăn nuôi, và có những bệnh đã bùng phát thì không thể chạy chữa được, buộc người ta phải tiêu hủy cả đàn. Dĩ nhiên, sự rủi ro dịch bệnh tiềm ẩn ngay trong hệ thống chăn nuôi. “Khi người ta chăn nuôi trong thời gian dài thì mầm bệnh thường lưu cữu ở trên những khu chăn nuôi. Điều này giải thích là tại sao chúng ta nuôi gà, nuôi lợn, một hai lứa đầu nào ai cũng thắng lợi cả, nhưng từ lứa 3-4 trở đi thì mầm bệnh bắt đầu xuất hiện nhiều”, TS. Trương Hà Thái (Học viện Nông nghiệp VN) từng giải thích với báo KH&PT vào năm 2020.
Vượt qua những thách thức như vậy nhưng người chăn nuôi trực tiếp không phải là bên được hưởng lợi nhiều nhất từ sản phẩm lợn thịt. sản phẩm của họ cần được chuyên chở qua các nhóm trung gian như thương lái, lò mổ, vận chuyển và bán lẻ… Xuyên suốt trong toàn chuỗi giá trị thịt lợn, các bên trung gian mới là bên toàn quyền quyết định còn họ chỉ là một phần cấu thành nên chuỗi này và rất có thể, là tiếng nói ít trọng lượng nhất. “Về mặt phân bố chuỗi giá trị thịt lợn thì người nông dân bao giờ cũng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Câu chuyện này nó đúng ở tất cả mọi nơi. Người trực tiếp sản xuất không được bao nhiêu trong khi những người làm thương mại như sản xuất thức ăn chăn nuôi hay khâu trung gian như giết mổ, phân phối… lại được hưởng lợi nhiều hơn cả giá trị của cả chuỗi”, TS. Nguyễn Việt Hùng trao đổi về những điều anh rút ra từ PigRisk.
Trông gì ở tương lai?
Trong thời gian gần đây, mỗi khi đề cập đến kinh tế nông nghiệp, người ta thường đề cập đến khái niệm cánh đồng mẫu lớn của cây lúa, nơi tích tụ đủ một chuỗi giá trị gắn kết giúp người làm nông có thể tự tin mà không phải e sợ sự thăng giáng giá cả và sự vùi dập của thị trường. Vậy còn tương lai của ngành chăn nuôi lợn, phải chăng sẽ chuyển đổi về phía mô hình trang trại quy mô lớn như con đường mà các quốc gia tiên tiến đã đi? Đấy có phải là cách làm duy nhất để người chăn nuôi Việt Nam vượt qua được các thách thức hiện hữu như rủi ro dịch bệnh, thị trường và đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm? Quả thật đây là một câu hỏi khó bởi ở thời điểm hiện tại thì hệ thống thực phẩm Việt Nam còn quá nhiều điểm khuyết thiếu cần được bổ sung. Đây không phải là lần đầu tiên, Việt Nam nghĩ về sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Giấc mơ đưa ngành nông nghiệp đi theo mô hình hợp tác xã với các hoạt động chăn thả, cấy trồng trên quy mô lớn, cơ giới hóa trong sản xuất của những năm 1970-1980 đã vấp phải thất bại bởi chuỗi giá trị không những không đầy đủ thành phần mà các chính sách thúc đẩy nó cũng không tuân theo quy luật thị trường.
Vậy ở thời điểm này, người ta có thể còn trông đợi vào sự chuyển đổi mà mình mong chờ? Và có chỗ ở đó cho những hộ chăn nuôi nhỏ? Dĩ nhiên, dù rất chậm chạp thì quá trình này đang diễn ra, nghiên cứu sinh Nguyễn Minh Quốc nói và lưu ý, “hệ thống thực phẩm không bao giờ cố định, nó luôn thay đổi và không theo một chiều cố định. Do gồm rất nhiều thành tố và chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau nên có thể là nó sẽ thay đổi theo những hướng mà chúng ta cũng chưa biết được”. Ở các quốc gia tiên tiến, sự chuyển đổi hệ thống thịt lợn theo hướng hiện đại hóa cũng mất 30-40 năm để chuyển đổi, thậm chí ở Anh quá trình này lên tới 60 năm do thay đổi cả về công nghệ lẫn phương thức quản lý.
Bất cứ sự chuyển đổi nào cũng đòi hỏi thời gian, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cần phải có thời gian để cả chuỗi giá trị thịt lợn hiện tại chuyển sang thành chuỗi hiện đại – nghĩa là chăn nuôi an toàn, giết mổ tập trung, tiêu dùng thịt mát… Kịch bản này có đặt dấu chấm hết cho mô hình truyền thống, chăn nuôi nhỏ lẻ không? “Tôi không nghĩ là vậy. Nông hộ nhỏ Việt Nam sẽ có điều chỉnh. Bởi nông hộ nhỏ Việt Nam mình có khả năng thích ứng rất tốt trong nhiều điều kiện khác nhau, họ thấy xung quanh có thay đổi là họ sẽ thay đổi tương thích với cái mới. Tất nhiên các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn vào sản xuất thực phẩm thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh, và trong vòng 20 năm nữa sẽ chiếm ưu thế khá nhiều”, Nguyễn Minh Quốc nói.
Với tình thế này thì về lâu dài, các nông hộ nhỏ có khả năng cạnh tranh không? “Tôi nghĩ rằng sẽ rất khó khăn. Dù nông hộ nhỏ có khả năng thích ứng tốt nhưng để đi được lâu dài, ứng phó với áp lực cạnh tranh và những rủi ro thị trường trong tương lai, cần có sự tham gia của nhiều bên để hỗ trợ và gắn kết họ trong quá trình chuyển đổi”, anh lưu ý.