Theo nongnghiep.vn
Lợi nhuận tăng cao nhờ nông nghiệp tái sinh
Y Hưng Byă là một nông dân trẻ ở buôn Pu Hue, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Trước đây, anh có 2 năm làm việc tại Israel cho một công ty của Thái Lan. Năm 2015, anh quay về nhà hỗ trợ bố canh tác cà phê bền vững.
Gia đình Y Hưng tham gia Nescafé Plan từ 2014 và bắt đầu tái canh vào năm 2015. Không chỉ tái canh cà phê, với sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp thuộc Chương trình Nescafé Plan Việt Nam, trang trại của Y Hưng đã hoàn toàn sản xuất theo hình thức nông nghiệp tái sinh.
Cụ thể, trang trại đã áp dụng mô hình xen canh phù hợp (xen giữa cà phê và hồ tiêu), tận dụng toàn bộ phế phụ phẩm từ các hoạt động canh tác cà phê như cành, cỏ dại sau khi cắt tỉa … để làm lớp phủ gốc cà phê, giảm 40 - 60% lượng nước tưới, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ.
Tất cả các hoạt động trong trang trại đã được ghi lại đầy đủ trên nhật ký nông hộ (FFB) kỹ thuật số để tính toán CO2 và chi phí sản xuất. Điều này sẽ hỗ trợ gia đình Y Hưng quyết định thời điểm bán cà phê và tiêu đen của họ sao cho có lãi tốt nhất và cải thiện thu nhập của vườn nhà.
Ông Ma Khoa, trưởng một nhóm nông dân trồng cà phê bền vững ở xã Ea Ktur, cho biết, trước đây, các hộ trồng cà phê trong xã chủ yếu làm theo kinh nghiệm bản thân và tập quán canh tác của địa phương, năng suất đạt bình quân 2 - 2,5 tấn/ha. Từ khi tham gia sản xuất cà phê bền vững theo chương trình Nescafé Plan, nông dân đã trồng xen hồ tiêu trong vườn cà phê để tạo độ ẩm, tạo sự che phủ cho cây cà phê. Nông dân cũng đẩy mạnh sử dụng phân vi sinh, qua đó giảm mạnh sử dụng phân hóa học (từ 100% trước đây xuống còn 45%). Các biện pháp nông nghiệp tái sinh được áp dụng như tận dụng phế phẩm từ cà phê để làm phân vi sinh, làm lớp phủ gốc cây.
Nhờ trồng xen canh và làm nông nghiệp tái sinh, giảm mạnh phân hóa học, hiệu quả sản xuất của bà con tăng cao khi năng suất bình quân đạt 3 - 3,5 tấn/ha, chất lượng cà phê cũng tăng lên vì nông dân không còn hái cà phê xanh nữa mà chỉ hái khi trái đã chín từ 85% trở lên. Lợi nhuận trên 1ha cà phê trồng xen hồ tiêu đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn hẳn so với 60 - 80 triệu đồng/ha/năm khi còn trồng thuần cà phê và chưa canh tác bền vững.
Chương trình hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp tái sinh đang được Tập đoàn Nestlé thực hiện trong nhiều năm qua, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trồng cà phê khác.
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết, hiện nay gần 2/3 lượng khí thải nhà kính của tập đoàn đến từ nguyên vật liệu ngành thực phẩm và các hoạt động gián tiếp của doanh nghiệp. Vì vậy, trong lộ trình thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Nestlé, giảm lượng khí thải từ nguyên vật liệu nông nghiệp thông qua việc áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh là một trong những điều quan trọng nhất mà Nestlé đang theo đuổi tại các thị trường.
Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được Nestlé lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ Nescafé Plan – một chương trình phát triển bền vững triển khai từ năm 2011. Trong đó, các thực hành nông nghiệp tái sinh được Nestlé Việt Nam chia sẻ đến người nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên chủ yếu kết hợp đồng thời 5 giải pháp: Trồng xen canh hợp lý; sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh; tiết kiệm nước; đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng đất trồng.
Sau 12 năm thực hiện, chương trình Nescafé Plan đã hỗ trợ hơn 21.000 hộ nông dân tại Tây Nguyên tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C, triển khai tập huấn về canh tác cà phê bền vững cho hơn 330.000 lượt nông dân, phân phối hơn 63,5 triệu cây giống kháng bệnh và cho năng suất cao, giúp người nông dân tiết kiệm được 40% nước tưới, giảm 20% lượng phân bón, giảm 20% chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng. Từ đó, giúp cải thiện thu nhập của người nông dân và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Trồng cây xanh để hấp thụ các bon
Mới đây, tại Nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai), lãnh đạo Bộ NN-PTNT và ông Mark Schneider, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nestlé, đã chính thức khởi động dự án “Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp” tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu trồng hơn 2,3 triệu cây đến năm 2027.
ự án được triển khai tại 4 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông và Đắk Lắk, với tổng diện tích ước thực hiện là hơn 28 nghìn ha cà phê. Sẽ có khoảng 30 loài cây (cây lấy gỗ, cây ăn trái, cây bóng mát, cây bảo tồn đất và cây chắn gió) được trồng trong các trang trại cà phê.
Việc trồng cây này nhằm mang lại thu nhập bổ sung và ổn định cho nông dân, góp phần phục hồi đất, cải thiện hệ sinh thái, tiết kiệm nước. Qua đó, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua loại bỏ các bon trong cây và đất. Hơn 2,3 triệu cây được trồng sẽ giúp hấp thu và lưu trữ 480.101 tấn CO2.
Để chuẩn bị cho chương trình trồng hơn 2,3 triệu cây xanh, trong thời gian qua, nông dân Tây Nguyên đã được tập huấn thực địa bởi các chuyên gia, cây giống đã bắt đầu được bàn giao cho nông dân.
Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng Bộ phận Hỗ trợ Nông nghiệp của Nestlé Việt Nam, chia sẻ, khi thấy được lợi ích của việc trồng xen cây xanh trong vườn cà phê và được dự án hỗ trợ miễn phí cây giống, nông dân rất hào hứng tham gia. Như ở Lâm Đồng, trong năm đầu tiên dự kiến hỗ trợ nông dân 23 nghìn cây, nhưng nông dân đã đăng ký tới 45 nghìn cây. Dự án đến năm 2027, nhưng với khả năng mà Nestlé Việt Nam đang thực hiện, chỉ trong 2 năm là có thể triển khai trồng xong 2,3 triệu cây xanh trong các vườn cà phê Tây Nguyên.
Kinh tế tuần hoàn ở các nhà máy
Để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, trong những năm qua, Nestlé Việt Nam đang đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn ở các nhà máy. Các cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm 2021 và 2022. Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng.
Trong sản xuất, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp tất cả các nhà máy của Nestlé Việt Nam đạt mục tiêu “Không chất thải chôn lấp ra môi trường” từ năm 2015, thông qua hoạt động thu gom, phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải.
Hiện 100% bã cà phê sau sản xuất của Nestlé Việt Nam được tái sử dụng làm nguyên liệu sinh khối, giúp giảm tiêu thụ khí đốt và giảm thải khí CO2. Bùn thải không nguy hại từ hoạt động sản xuất sau khi được xử lý cũng dùng để sản xuất phân bón. Cát thải lấy từ lò hơi được cung cấp cho nhà sản xuất gạch không nung tại địa phương, phục vụ cho các công trình xây dựng.