Nguồn: nongnghiep.vn
Các công nghệ gen mới mở ra tiềm năng phát triển khoa học, đảm bảo an ninh lương thực, song cũng dấy lên lo ngại trong sản xuất và tiêu dùng. Ảnh: Jason Alden/Bloomberg.
Dự kiến được thông qua theo một gói rộng hơn về đa dạng sinh học và lĩnh vực thực phẩm, các quy định mới về cây trồng biến đổi gen (GMO) hướng đến mục tiêu giúp hệ thống thực phẩm nông nghiệp bền vững và linh hoạt hơn. Những người ủng hộ quyết định này, như Công ty Bayer AG, cho rằng hành động này là cần thiết để chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, những người phản đối cho rằng nó sẽ làm tăng chi phí hạt giống và gây tổn hại cho người tiêu dùng.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan quản lý của khối, muốn nới lỏng các quy định đối với cây trồng được tạo ra bằng công nghệ gen mới (NGT), có thể cải thiện khả năng chống chịu sâu bệnh và áp lực môi trường. Các quy định hiện hành không theo kịp sự phát triển của NGT như công nghệ chỉnh sửa gen.
Trong một dự thảo luật được đề xuất gần đây, EC cho biết: Với tiềm năng của các công nghệ mới, Liên minh châu Âu có nguy cơ bị tụt hậu trong lĩnh vực phát triển công nghệ và lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường ở một mức độ đáng kể nếu khuôn khổ GMO của khối không nhanh chóng thích ứng với NGT.
Quy định mới được đưa ra vào thời điểm các chính phủ và doanh nghiệp trong khu vực đang ngày càng chùn bước trước những chi phí liên quan đến quá trình EU chuyển đổi sang nền kinh tế ít các bon. Quy tắc mới được đưa ra sau khi một đề xuất về phục hồi thiên nhiên vấp phải sự phản đối của Quốc hội do lo ngại ảnh hưởng của nó đối với an ninh lương thực và lạm phát. Hội đồng sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu toàn thể về các quy định mới vào tuần tới.
Việc nới lỏng quy định đối với GMO nhắm tới đối tượng là các loại cây được tạo ra với các đột biến hoặc sửa đổi có chủ đích từ cùng một loài hoặc các loài có liên quan chặt chẽ và sẽ không áp dụng cho các loại cây trồng bị pha trộn với các loài ngoại lai.
Bayer, một trong những nhà cung cấp cây trồng biến đổi gen lớn nhất thế giới, cho biết đề xuất của EU sẽ thúc đẩy việc nhân giống các loại cây trồng có thể đối phó tốt hơn với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giúp các trang trại tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Sau khi được EC thông qua, đề xuất này sẽ cần sự chứng thực của cả Nghị viện Châu Âu và các quốc gia thành viên. Tuy nhiên hiện tại đề xuất này đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhà lập pháp Xanh trong hội đồng EU vì đã giảm nhẹ đáng kể các yêu cầu hiện có về ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc và đánh giá rủi ro.
Tilly Metz, một thành viên của Đảng Xanh tại Nghị viện EU, cho biết: “Đây thực sự là một giải pháp "giả thần kỳ" chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp lớn và chống lại nông dân, người sản xuất giống quy mô nhỏ và cả người tiêu dùng. Hậu quả sẽ là giá hạt giống tăng cao, ít sự lựa chọn, cải tiến về giống, và gia tăng lượng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ cần sử dụng”.