Nguồn: congthuong.vn
Thị trường đường có dấu hiệu tăng giá
Trong thời gian gần đây, giá đường trên thị trường đã có những biến động bất thường. Diễn biến thị trường cho thấy bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị, giá đường có thể bị đẩy đến mức vượt quá mức độ hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng nếu xu hướng này tiếp tục.
Diễn biến giá đường cũng như việc các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đã khiến Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn đường để đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước trong năm nay.
Theo lý giải của bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), kiến nghị của Hội này được nêu ra trong bối cảnh mà các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã xảy ra thiếu nguyên liệu đường thô, nếu không nhập thêm thì đường lậu vào, cung - cầu thiếu sẽ dẫn tới tăng giá. Hệ quả tất yếu của thiếu đường thô có thể khiến dây chuyền sản xuất không được tận dụng hết công suất, sản lượng sản xuất thực phẩm bị suy giảm nghiêm trọng và kéo giá thành sản phẩm thực phẩm cũng từ đó tăng cao.
VSSA khuyến cáo hội viên không tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá
Liên quan đến thông tin này, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) cho hay, Hiệp hội đã báo cáo đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin về tình hình cung cầu đường năm 2023 và dự báo 2024; tham gia đề xuất ý kiến giải pháp điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong báo cáo đã nêu: Trong vụ ép 2022/23, ngành đường Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức tương đương và thấp hơn so với các nước sản xuất mía đường lân cận (bao gồm Philippine, Indonesia và Trung Quốc). Theo ông Lộc thì mức giá mía đường hiện nay là mức giá hợp lý đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Ngoài ra, VSSA đã tham gia ý kiến giải pháp điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 đảm bảo phù hợp với quy định của các luật quản lý ngoại thương, quản lý cạnh tranh, đấu thầu và các cam kết quốc tế, nguồn cung cho thị trường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng.
Cụ thể, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường 2023 là lượng tối thiểu theo cam kết WTO - tức là 119.000 tấn. Thời điểm thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan khối lượng 119.000 tấn là tháng 9/2023. Không quy định tỷ lệ lượng đường thô và đường tinh luyện nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 2023, đồng thời mở rộng các đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, thương nhân sản xuất mía đường và thương nhân kinh doanh thương mại đường.
VSSA cũng kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh các quy định đấu thầu hạn ngạch thuế quan để ngăn cản các hành vi bắt tay vô hiệu hóa hình thức đấu giá, bảo đảm kết quả đấu giá phân giao phù hợp với các yêu cầu của Luật Cạnh tranh và Luật đấu thầu.
“Sau khi thực hiện khối lượng đấu giá hạn ngạch thuế quan khối lượng 119.000 tấn, nếu có dấu hiệu giá đường tăng do thiếu nguồn cung hoặc hiện tượng găm hàng tăng giá khiến giá đường vượt qua mức giá hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam xin nhận trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023 trước khi vào vụ ép 2023/24”- ông Lộc cho hay.
Cũng theo ông Lộc, hiện nay ngành đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía 2023/24 và một thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía đường. Từ đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam khuyến cáo các hội viên sản xuất tham gia bình ổn thị trường bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng và giữ giá bán đường hiện nay là mức giá hợp lý đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, không để giá đường tăng thêm nữa nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng trên cơ sở hài hòa lợi ích và tuyệt đối không thực hiện hoặc tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá.
Đối với những trường hợp không tuân thủ khuyến cáo nêu trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ buộc phải có những biện pháp đối phó trong đó có kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023.