Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tháng 9, xuất khẩu gỗ sang Mỹ phục hồi
18 | 10 | 2023
Cục Xuất nhập khẩu nhận định xuất khẩu gỗ sang Mỹ phục hồi có thể góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan hơn trong những tháng cuối năm bởi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành lâm sản Việt Nam.

Nguồn: kinhtenongthon.vn

Thị trường đang ấm dần

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 9, xuất khẩu  gỗ sang Mỹ đã dần phục hồi, đạt 617 triệu USD, tăng 7,5% so với tháng 9/2022. Đây cũng là tháng đầu tiên trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu gỗ sang Mỹ tăng trưởng dương.

Tính chung 9 tháng năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt 5,2 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022, mức độ giảm đang có xu hướng thu hẹp khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường này tăng trong những tháng gần đây.

Bên cạnh Mỹ, xuất khẩu gỗ sang các thị trường xuất khẩu vẫn ghi nhận tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2023, ví dụ như Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD, giảm 9%; Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD, giảm 24,5%; Hàn Quốc đạt 583 triệu USD, giảm 21%...

Cục Xuất nhập khẩu nhận định xuất khẩu gỗ sang Mỹ phục hồi có thể góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan hơn trong những tháng cuối năm bởi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành lâm sản Việt Nam, chiếm 54% tổng ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Tuy nhiên, những rủi ro ở thị trường trọng điểm này đã hiện hữu khi nhiều sản phẩm của Việt Nam như tủ bếp, gỗ dán, gỗ thanh… đang đứng trước nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại.

Trong buổi làm việc với bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ vào cuối tháng 9, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ lo ngại khi tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng gia tăng, nhất là các vụ việc nhắm vào các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ trưởng Công Thương đề nghị DOC sẽ xem xét các ý kiến của Việt Nam trong từng vụ việc cụ thể nhằm đảm bảo tự do hóa thương mại, tính công bằng, khách quan, minh bạch cho hoạt động giao thương của doanh nghiệp hai nước.

Trong cùng diễn biến, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) chia sẻ, các doanh nghiệp trong ngành cũng đang nhận được tương tác tích cực hơn từ đối tác mua hàng. Một số doanh nghiệp có đơn hàng mới đã bắt đầu tổ chức cho công nhân tăng ca trở lại hoặc tuyển thêm lao động.

Đồng thời, tăng cường nhập khẩu lượng lớn gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ nhập về bình quân tăng 5-10%/tháng. Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp gỗ đang tích cực chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm. Trong bối cảnh sức ép cạnh tranh lớn về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đang ưu tiên đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường

Đặc biệt, thị trường bất động sản tại Mỹ đang có các tín hiệu hồi phục đầu tiên. Cùng với đó, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, nhập khẩu đồ nội thất tại các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có mức tăng trưởng hơn 45%/năm, trong khi các quốc gia ở khu vực này gần như không sản xuất đồ nội thất. Điều này được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng tích cực hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nội thất và vật liệu xây dựng của Việt Nam trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng sản phẩm để hợp với thị hiếu của người tiêu dùng

Có thể nói, những thách thức của ngành gỗ từ nay đến cuối năm là rất lớn. Ngoài câu chuyện ứng phó lạm phát, thắt chặt tiêu dùng, còn là những vụ việc liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu chủ lực của đồ gỗ Việt Nam.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng về lâu dài cần đảm bảo tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của nguyên liệu gỗ.

Theo đó, DN gỗ của Việt Nam sẽ đối diện với những đòi hỏi mới như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10-2023. Hàng hóa nhập khẩu thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.

Vì vậy, theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. "Nếu thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ carbon chính là cơ hội để DN ngành nội thất Việt Nam gia tăng lợi thế. Ngành chế biến gỗ Việt Nam cần định vị lại mục tiêu, tầm nhìn trở thành trung tâm đồ nội thất thế giới xanh và bền vững" - ông Trai tư vấn.

Với vấn đề lạm phát, đa phần người dân Mỹ đều chi tiêu bằng tín dụng (mua hàng trước, còn tiền có thể trả sau). Vì vậy, lãi suất tăng cao sẽ buộc người dân phải thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng không được coi là thiết yếu như đồ gỗ nội thất.

Tuy nhiên, 64% số người được hỏi cho biết vẫn sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các đồ dùng có chất lượng tốt, độ bền cao, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường, thay vì chi tiền cho các mặt hàng có tính chất "thời vụ" như trước đây.

Vì vậy, câu chuyện đối với các hãng sản xuất đồ nội thất Việt Nam là cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm để hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; bên cạnh đó cũng cần đa dạng về chủng loại và mẫu mã để phù hợp với các tầng lớp khách hàng khác nhau.

Nhận định về vấn đề trên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores cho rằng, phân khúc đồ gỗ cao cấp hiện nay vẫn chưa được các DN chú trọng nhiều, nếu tham gia thị trường này sẽ mang lại giá trị xuất khẩu rất lớn. Để tham gia được thị trường này, DN phải có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn thiết kế, giải pháp công nghệ, có năng lực về thiết kế sản phẩm mới… 

Do đó, ngành gỗ và nội thất cần tập trung đầu tư cho tự động hóa giúp tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tự động hóa không chỉ trong nhà máy mà trong toàn chuỗi cung ứng để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đáng lưu ý, mới đây nhất, tại những thị trường mới như: Ấn Độ, Trung Đông…, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Ấn Độ ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2023, đạt 64,9 triệu USD, tăng 265,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Từ thực tế trên, thời gian tới để tháo gỡ cho ngành hàng gỗ các cơ quan đại diện tiếp tục nỗ lực hỗ trợ ngành gỗ mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng và còn dư địa như: Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giải quyết thỏa đáng các tranh chấp và phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam...

 



Báo cáo phân tích thị trường