Nguồn: markettimes.vn
Công nhân chất mía đã thu hoạch lên xe tải ở tỉnh Saraburi, phía bắc Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Bloomberg
Nguồn tin từ Bloomberg cho biết Thái Lan - nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sẽ bắt đầu điều tiết giá chất tạo ngọt trong nước và giám sát xuất khẩu nhằm nỗ lực kiểm soát lạm phát và duy trì an ninh lương thực.
Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Napintorn Srisunpang, nội các của Thủ tướng Srettha Thavisin vào ngày 31/10 đã phê duyệt việc phân loại đường là mặt hàng được kiểm soát, có nghĩa là bất kỳ sự thay đổi giá nào hoặc xuất khẩu từ một tấn trở lên trước tiên phải được một hội đồng quản lý thông qua.
Giá đường tương lai ở New York hầu như không biến động sau tin tức này. Giá đã gần đạt mức cao nhất trong 12 năm do nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Hiệp hội công nghiệp hàng đầu của Thái Lan cho biết vào tháng trước rằng xuất khẩu sẽ giảm xuống còn 6 triệu tấn vào năm tới từ mức 8 triệu tấn trong năm nay do hạn hán khiến giảm sản lượng gần 1/5.
Ấn Độ - nhà cung cấp mía lớn thứ hai của thế giới cũng cho biết hồi đầu tháng này rằng họ sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu ra nước ngoài sau ngày 31/10 để bảo vệ nguồn cung trong nước. Trong khi đó, khu vực Trung Nam của nước xuất khẩu hàng đầu Brazil có thể có sản lượng đường kỷ lục trong năm nay và thậm chí còn cao hơn vào năm tới. Tuy nhiên tình trạng tắc nghẽn đang làm trì hoãn các chuyến hàng.
Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, hồi đầu tháng này, do ảnh hưởng từ giá đường thế giới, giá đường tiêu dùng trong nước lên mức xấp xỉ 28.000 đồng/kg.
Đường phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh lên 22.000 - 23.000 đồng/kg. Theo dự báo, thế giới sẽ thâm hụt khoảng 2,2 triệu tấn đường do nhiều quốc gia thực hiện chính sách kiểm soát thị trường lương thực trong năm 2023.
Lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến trong mùa vụ 2022 - 2023 sẽ giảm 13% so với mùa vụ trước. Thời gian gần đây, sản lượng đường ở các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc đều sụt giảm. Điều này đã tác động mạnh đến giá đường thế giới.
Trong báo cáo phát hành giữa tháng 10, Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo từ nay đến cuối năm 2023, cả nước thừa cung 478.854 tấn đường. Dự báo này dựa vào tổng cầu của năm 2023 là 2,3 triệu tấn đường, tương đương năm 2022. Tuy nhiên, năm 2023, nguồn cung ở mức gần 2,779 triệu tấn đường gồm: đường tồn kho năm ngoái chuyển sang và đường sản xuất, nhập khẩu trong năm 2023.