Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhu cầu cà phê tại Mỹ tăng mạnh: Cơ hội gì cho cà phê Việt Nam?
26 | 04 | 2024
Theo các chuyên gia, cà phê Việt Nam, đặc biệt là ngành Robusta đặc sản, có tiềm năng lớn trong việc xuất khẩu sang Mỹ khi nhu cầu của nước này tăng đột biến.

Theo congthuong.vn

Theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Cà phê Quốc gia Mỹ (NCA), 67% người Mỹ trưởng thành đang tiêu thụ cà phê hằng ngày (nhiều hơn bất kỳ loại đồ uống nào khác, kể cả nước đóng chai. Tỉ lệ này đã tăng 37% kể từ năm 2004 – đánh dấu mức cao nhất trong hơn 20 năm. Tỉ lệ người Mỹ uống cà phê hàng tuần thậm chí lên đến 75%.

Nhu cầu cà phê tại Mỹ tăng mạnh: Cơ hội gì cho cà phê Việt Nam?
Khách du lịch pha cà phê phin tại cửa hàng Lacaph tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: Justin Mott, The New York Times

Lý giải lý cho sự tăng trưởng này, ông William Murray - Chủ tịch NCA nói: “Cà phê chiếm khoảng 1,3% tỷ trọng nền kinh tế Hoa Kỳ hàng năm, là nền tảng trong cuộc sống hàng ngày của người Mỹ và đồng thời mang lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe”. Nhận định về ngành cà phê, ông cho rằng ngành này “luôn có khả năng theo kịp thị hiếu đa dạng và không ngừng thay đổi của người Mỹ”.

Đặc biệt, ông William Murray đã khẳng định: “Sự tăng trưởng của ngành cà phê đặc sản đang là động lực chính thúc đẩy mức tiêu thụ cà phê hằng ngày của người Mỹ. “Thực tế, tỷ lệ người Mỹ trưởng thành uống cà phê đặc sản hàng tuần là 57%, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khi cà phê đặc sản đang ngày càng có sức ảnh hưởng hơn trên thị trường cà phê Mỹ, nhu cầu người tiêu dùng cũng đang định hình ngành cà phê này, khiến cà phê đặc sản trở nên dễ tiếp cận với nhiều người hơn. Trả lời phỏng vấn với trang Perfect Daily Grind, ông Jake Leonti - Giám đốc cà phê tại nhà rang Gregory's Coffee (Mỹ) cho rằng người tiêu dùng Mỹ đang dễ tiếp cận các loại cà phê đặc sản hơn thông qua các mặt hàng dùng một lần như cà phê hòa tan và cà phê lon.

Khó khăn và cơ hội cho xuất khẩu cà phê đặc sản Việt Nam sang Mỹ

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, vào tháng 10/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Mỹ đạt xấp xỉ 1.760 tấn, giá trị khoảng 6,31 triệu USD. Cũng trong tháng 10/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Mỹ ghi nhận mức cao kỷ lục 3.586 USD/tấn, tăng 9,9% so với tháng 9/2023 và tăng 45,1% so với tháng 10/2022. Tuy vậy, 95% lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu thuộc dòng Robusta, vốn được đánh giá thấp và thường dùng để chế biến các sản phẩm đại trà như cà phê hòa tan.

Chia sẻ với trang The Sprudge, anh Trần Lê Minh Trúc, chủ sở hữu nhà rang Every Half Coffee Roasters tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng ngành cà phê đặc sản tại Việt Nam đang gặp ba khó khăn chính. Những khó khăn đó bao gồm: Chi phí sản xuất cao, khó khăn trong việc tìm kiếm người mua và sự thiếu hụt nguồn cung cấp cây trồng. Bổ sung thêm, anh Nguyễn Cảnh Hưng, chủ sở hữu nhà rang Bosgaurus Coffee Roasters (Thành phố Hồ Chí Minh) nói rằng ngành cà phê đặc sản của Việt Nam đang thiếu lợi thế về cả chất lượng và giá cả so với các nhà sản xuất nước ngoài.

Tuy vậy, tiềm năng với ngành cà phê đặc sản vẫn là rất lớn, đặc biệt với dòng cà phê xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Robusta. Trả lời phỏng vấn với trang Perfect Daily Grind, ông Jake Leonti đã nhận xét: “Cà phê Robusta hiện đang được chào đón nồng nhiệt trong ngành cà phê đặc sản, và có nhiều gian hàng cung cấp cà phê Robusta tại Triển lãm Cà phê Đặc sản 2024 hơn bao giờ hết”. Đặc biệt, ông Jake Leonti đã nhắc đến thương hiệu cà phê Việt Nam Nguyen Coffee Suply, hiện đang được bày bán tại chuỗi siêu thị Whole Foods, là nhãn hàng đi đầu trong việc đem cà phê Robusta đặc sản đến tay người tiêu dùng Mỹ.

Nhu cầu cà phê tại Mỹ tăng mạnh: Cơ hội gì cho cà phê Việt Nam?
Các sản phẩm của thương hiệu cà phê Việt Nam Nguyen Coffee Suply đang được bày bán tại chuỗi siêu thị Whole Foods (Mỹ). Nguồn ảnh: Nguyen Coffee Suply

Chia sẻ với Perfect Daily Grind, cô Sahra Nguyễn - giám đốc Nguyen Coffee Suply, bình luận: “Việc đưa cà phê Robusta vào ngành cà phê đặc sản cũng là thời điểm thú vị để khám phá, đổi mới và trải nghiệm.” Cô cũng nói thêm: “Giờ đây khi thị trường cà phê cuối cùng đã chấp nhận dòng Robusta chất lượng cao, nông dân trên khắp thế giới sẽ có cơ hội cải tiến cây cà phê của họ, dẫn đến nâng cao chất lượng đất đai cho người nông dân và giúp họ phát triển kinh tế bền vững”

Theo anh Trần Lê Minh Trúc và anh Nguyễn Cảnh Hưng, việc thúc đẩy người nông dân trồng thêm các loại cà phê Robusta đặc sản là rất quan trọng, vì nó cũng góp phần bình ổn giá, tăng cường cạnh tranh trong ngành và thu hút các nhà đầu tư hơn. Thực tế, giá cà phê đặc sản Fine Robusta đã giảm từ 140.000 đồng/kg xuống còn 75.000 đồng/kg trong vòng 2 năm trở lại đây, một phần là do nhiều người đã đầu tư vào các loại máy móc để phân loại cà phê, qua đó làm giảm chi phí lao động.

Tình hình giá cà phê hôm nay (25/4/2024)

Giá cà phê thế giới hôm nay phục hồi mạnh so với ngày trước đó. Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2024 tăng 149 USD/tấn, lên mức 4.266 USD/tấn; giao tháng 9/2024 tăng 137 USD/tấn, lên mức 4.181 USD/tấn.

Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tăng 4,05 cent/lb, ở mức 225,9 cent/lb; giao tháng 9/2024 tăng 4,15 cent/lb, ở mức 224,25 cent/lb.

Còn ở trong nước, giá cà phê hôm nay tiếp tục tăng mạnh, Theo khảo sát, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên đã lập mốc giá kỷ lục mới rên 130.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng tăng 3.300 đồng/kg, lên mức 131.500 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai tăng 3.300 đồng/kg lên mức 131.800 đồng/kg, tại Đắk Lắk tăng 2.700 đồng/kg, lên mức 132.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông tăng 2.900 đồng/kg, lên mức 132.200 đồng/kg.

 



Phú Quý
Báo cáo phân tích thị trường