Nguồn: baochinhphu.vn
Xuất khẩu sầu riêng tăng 430% so với năm 2022 - Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 32,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2022 và chiếm khoảng 9,1% tổng xuất khẩu của cả nước.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 vừa được Bộ Công Thương công bố nêu rõ: Đóng góp cho sự tăng trưởng này, có 4 nhóm nông sản của Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu tích cực so với năm 2022 gồm: Rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7%; gạo đạt 8,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá; hạt điều đạt 644 nghìn tấn, trị giá trên 3,6 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18,1% về trị giá; cà phê đạt 1,6 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 4,2 tỷ USD, giảm 8,7% về lượng nhưng tăng 4,6% về trị giá.
Xuất khẩu rau quả tăng gần 70%
Đứng đầu nhóm hàng nông sản của Việt Nam là mặt hàng rau quả. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2022 nhờ tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu các loại quả (trái cây) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng đã thay thanh long chiếm vị trí thứ nhất với tỷ trọng 55,4% tổng trị giá xuất khẩu trái cây, đạt 2,24 tỷ USD, tăng 430% so với năm 2022. Thanh long đứng thứ hai chiếm 15,2% theo trị giá (giảm một nửa so với tỷ trọng 31,3% năm 2022), đạt 614 triệu USD, giảm 3,8%. Ngoài chuối chỉ tăng nhẹ (tăng 1,3%), các mặt hàng trái cây khác như mít, xoài, chanh leo, hạt dẻ cười… nhìn chung đều có mức tăng xuất khẩu cao, khoảng từ 34-44% so với năm 2022.
Trong năm 2023, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 3,6 tỷ USD, tăng 138,7% so với năm trước, chiếm 65,0% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ đạt 257,7 triệu USD, tăng 4,0% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 4,6%. Hàn Quốc đứng thứ ba với kim ngạch đạt 225,8 triệu USD, tăng 24,9% so với năm 2022 và chiếm 4,0% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU đạt 227,6 triệu USD, tăng 22,2% so với năm 2022 và chiếm 4,1% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Trong đó, chủ yếu xuất sang Hà Lan với kim ngạch 147,1 triệu USD, tăng 25,7% so với năm trước; xuất sang Đức là 36,2 triệu USD, tăng 45,6%.
Trong năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều tăng so với năm 2022, nhất là thị trường Trung Quốc, ngoài ra, xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đức, Canada cũng tăng mạnh.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả cũng có khá nhiều thay đổi so với năm 2022: tỷ trọng của thị trường Trung Quốc tăng từ 45,4% lên 65% nhờ tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ sầu riêng; trong khi tỷ trọng của các thị trường chính khác giảm như Hoa Kỳ (giảm từ 7,4% xuống 4,6%), Hàn Quốc (từ 5,4% xuống 4,0%).
Có thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ - Ảnh minh họa
Giá gạo xuất khẩu tiếp tục duy trì mức cao
Về mặt hàng gạo, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn, trị giá đạt 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao. Có thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Giá xuất khẩu bình quân năm 2023 đạt 575 USD/tấn, tăng 18,3% so với mức bình quân năm 2022.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 29/12/2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 653 USD/tấn (FOB), tăng 42,6%, tương đương tăng 195 USD/tấn so với mức giá năm 2022, bằng với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại và cao hơn khoảng từ 40-60 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Myanmar, Pakistan.
Châu Á tiếp tục là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt 6,1 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt gần 133 nghìn tấn; trong đó, khối EU đạt 109.091 tấn, tăng 15,4% tương đương 14,5 nghìn tấn so với năm 2022.
Các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam ghi nhận kết quả xuất khẩu tăng cao so với năm 2022: Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 38,7% tổng lượng xuất khẩu, đạt 3,14 triệu tấn với trị giá hơn 1,75 tỷ USD, giảm 1,0% về lượng nhưng tăng 17,6% về kim ngạch so với năm 2022.
Indonesia đứng thứ 2, chiếm 14,5% lượng xuất khẩu gạo của cả nước, tương đương 1,18 triệu tấn với trị giá 640,3 triệu USD, tăng 8,9 lần về kim ngạch so với năm 2022 do quốc gia này thiếu hụt nguồn cung trong nước. Trung Quốc đứng thứ 3, chiếm 11,3% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 918 nghìn tấn với trị giá 530,6 triệu USD, tăng 10,08% về lượng và tăng 22,7% về kim ngạch so với năm 2022.
Việt Nam tiếp tục giữ vị thế số hai thế giới về xuất khẩu cà phê, sau Brazil - Ảnh minh họa
Việt Nam tiếp tục giữ vị thế số 2 thế giới về xuất khẩu cà phê
Báo cáo nêu rõ, năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam tuy không tăng về sản lượng nhưng nhờ giá bán cà phê Robusta ở mức tốt nên vẫn đạt trị giá tăng so với năm trước, qua đó, Việt Nam tiếp tục giữ vị thế số hai thế giới về xuất khẩu cà phê, sau Brazil.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 đạt 1,62 triệu tấn, trị giá 4,24 tỷ USD, giảm 8,7% về lượng và tăng 4,6% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu trung bình đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.
Trong năm 2023, Robusta tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong trị giá xuất khẩu của ngành với 78,5%, đạt 3,2 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2022. Tuy lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng do giá xuất khẩu bình quân năm 2023 đạt 2.253 USD/tấn, tăng 14% so với năm 2022. Trái lại, cả lượng và giá xuất khẩu cà phê Arabica đều giảm lần lượt 32,8% và 9,3%.
Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, xuất khẩu cà phê sang thị trường EU chiếm tỷ trọng lớn nhất với 35% tổng xuất khẩu cà phê, đạt 1,48 tỷ USD, giảm 0,7% so với năm 2022. Nhiều thị trường đạt tăng trưởng cao so với năm 2022 như: Đan Mạch đạt 4,1 triệu USD, tăng 96,7%; Hà Lan đạt 121,7 triệu USD, tăng 76,5%; Bồ Đào Nha đạt 35,6 triệu USD, tăng 51,3%.
Một số thị trường lớn khác duy trì ổn định so với năm trước như Nhật Bản đạt 319 triệu USD, tăng 14,9%; Trung Quốc đạt 152 triệu USD, tăng 10,3%; Hoa Kỳ đạt 293 triệu USD, giảm 4,1%; Nga đạt 245 triệu USD, giảm 1,7%. Nhu cầu cà phê đã mở rộng đáng kể ra ngoài các thị trường EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Một số thị trường tuy có trị giá xuất khẩu chưa cao nhưng có mức tăng mạnh so với năm 2022 như: Indonesia đạt 132,7 triệu USD, tăng 122,4%; Angieri đạt 160,2 triệu USD, tăng 88,4%; Myanmar đạt 19,3 triệu USD, tăng 89,1%; New Zealand đạt 4,8 triệu USD, tăng 60%.
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang tất cả các thị trường chủ lực tăng so với năm 2022 - Ảnh minh họa
Xuất khẩu hạt điều tăng ở tất cả các thị trường chủ lực
Với mặt hàng điều, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2023 đạt 644 nghìn tấn, trị giá 3,64 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.657 USD/tấn, giảm 4,7% so với năm 2022.
Đáng chú ý, năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang tất cả các thị trường chủ lực tăng so với năm 2022. Trong đó, lượng hạt điều xuất khẩu tăng mạnh tới các thị trường: UAE (tăng 72,3%); Trung Quốc (tăng 49,8%); Arab Saudi (tăng 46,3%); Anh (tăng 24,1%).
Trong năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,6% tổng xuất khẩu hạt điều của cả nước, ở mức 158,5 nghìn tấn, trị giá đạt 886 triệu USD, tăng 10,3% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch xuất khẩu so với năm 2022. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, chiếm 17,5% tổng xuất khẩu hạt điều của cả nước, đạt 113 nghìn tấn, trị giá đạt 683 triệu USD, tăng 49,8% về lượng và tăng 55,2% về trị giá xuất khẩu so với năm 2022.