Nguồn: daidoanket.vn
“Việc không được khấu trừ thuế GTGT cho máy móc, thiết bị xây lắp... dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả cả dự án, khiến các DN ngần ngại đầu tư dự án mới về phân bón thế hệ mới, phân bón công nghệ cao” - ông Phùng Hà cho biết.
Đại diện nhiều DN phân bón cũng cho rằng, khi giảm chi phí thì giá thành sản phẩm cũng sẽ giảm và theo quy luật cạnh tranh tất yếu thì giá bán cho người nông dân mặc dù ban đầu có tăng lên do áp thuế nhưng sau cũng sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó, sẽ góp phần cạnh tranh bình đẳng hơn với phân bón nhập khẩu, nhất là phân bón từ các nước có thuế nhập khẩu phân bón là 0%.
Chia sẻ cụ thể, ông Đỗ Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông sản Apromaco, DN chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón cho biết: trước năm 2015, khi thuế suất GTGT đối với phân bón là 5% thì công ty vẫn được khấu trừ thuế khi tiến hành các hoạt động đầu tư, mua sắm, thanh toán chi phí…Tuy nhiên, sau khi Luật thuế 71 có hiệu lực từ 1/1/2015, phân bón không phải là đối tượng chịu thuế GTGT, do đó công ty không được hoàn lại khoản chênh lệch thuế này nữa.
Hiện tại, nhà nhập khẩu phân bón không có VAT đầu vào nên có lợi thế cạnh tranh hơn các nhà sản xuất phân bón trong nước. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì các nhà sản xuất phân bón trong nước sẽ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp và thu hẹp sản xuất.
“Mức thuế mới sẽ làm cho sự cạnh tranh bình đẳng hơn giữa phân bón nội và phân bón ngoại trên thị trường. DN chúng tôi chấp nhận sự cạnh tranh nhưng cạnh tranh phải trên cơ sở bình đẳng” - ông Hùng nhấn mạnh.