Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá hồ tiêu giảm sốc sau khi lập đỉnh: Điều gì đang xảy ra?
17 | 06 | 2024
Sau khi giá tăng nóng và đạt ở mức 205.000 đồng/kg (được xem là mức đỉnh trong 8 năm qua), giá hồ tiêu giao dịch trong nước lại quay đầu giảm mạnh chỉ trong thời gian rất ngắn.

Nguồn: tuoitre.vn

Giá hồ tiêu diễn biến khó lường. Trong ảnh: Thu hoạch hồ tiêu tại Bình Phước - Ảnh: N.TRÍ

Giá hồ tiêu diễn biến khó lường. Trong ảnh: Thu hoạch hồ tiêu tại Bình Phước - Ảnh: N.TRÍ

Giá hồ tiêu tăng giảm sốc chỉ trong thời gian ngắn không chỉ khiến thương lái và nông dân "đau đầu" với bài toán bán ra hoặc dự trữ, còn khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng bất ngờ và thận trọng.

Tiếc vì không bán lúc giá đạt đỉnh

Theo thông tin từ các thương lái và nhà vườn, thị trường giao dịch hồ tiêu (giá đại lý mua tại nhà vườn) ngày 16-6 đạt mức phổ biến 156.000-167.000 đồng/kg tùy loại và tùy nơi, giảm 12.000-16.000 đồng/kg so với khoảng 4 ngày trước đó, và giảm mạnh so với mức đỉnh 200.000-205.000 đồng/kg của chỉ hơn 1 tuần trước.

Cụ thể, giá hồ tiêu (loại đen khô) được thương lái khu vực Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai) mua vào hiện phổ biến 156.000-163.000 đồng/kg; và khu vực tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước... đạt phổ biến 158.000-167.000 đồng/kg tùy loại.

Với mức giá quay đầu giảm nhanh, bà Nguyễn Thị Hiền (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết đã rất tiếc vì chỉ hơn 1 tuần trước đó, đại lý vào trả 200.000-205.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với khoảng 2 tháng trước đó, và gấp ba so với năm ngoái nhưng bà không bán.

"Giờ còn hơn 7 tấn mà giá gần đây xuống liên tục, không biết nên bán ra hay giữ lại. Nếu giá giảm tiếp chắc tôi mất ăn mất ngủ", bà Hiền nói.

Trong khi đó, trước diễn biến "chóng mặt" của giá hồ tiêu, nhiều đại lý và doanh nghiệp cho biết dù giá tiêu đang giảm nhưng hiện vẫn khá tốt so với các năm trước, và cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Diễn biến giá khó đoán định

Ngày 16-6, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết với mức giá thay đổi liên tục chỉ trong thời gian rất ngắn khiến cho cả nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn cũng bất ngờ, và thận trọng hơn trong mua vào bán ra.

"Có thể do doanh nghiệp thiếu hàng cho xuất khẩu nên tăng mua nhiều trong thời gian ngắn nên đẩy giá tăng sốc, đặc biệt nhu cầu thị trường Trung Quốc tăng cao. Trong khi đó, lượng hồ tiêu được các doanh nghiệp, nhà đầu cơ tuồn ra thị trường nhiều trong thời điểm giá lên đỉnh có thể là một trong những lý do kéo giá quay đầu giảm sốc", vị này nhận định.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng nguồn hồ tiêu được dự trữ hiện vẫn còn, đặc biệt tại các đại lý, doanh nghiệp. Do đó, mọi nhận định, lý giải thời điểm này chỉ là tương đối vì giá hồ tiêu phụ thuộc nhiều yếu tố từ mùa vụ, cung cầu, đầu cơ... 

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu quy mô lớn tại phía Nam cho rằng quy luật về giá hồ tiêu năm nay không giống như thường thấy các năm trước.

Bởi thời điểm này được xem đang khan nguồn cung vì Việt Nam (quốc gia cung ứng đến 50% lượng tiêu toàn cầu) đã kết thúc vụ từ tháng 3, Brazil chưa tới vụ, còn Indonesia và Malaysia chính vụ vào khoảng tháng 7.

"Nguồn cung hồ tiêu toàn cầu giảm là thực tế, nhưng mùa vụ đôi khi không còn là yếu tố chính quyết định giá trong ngắn hạn. Diễn biến giá sắp tới có quay đầu tăng mạnh trở lại hay tiếp tục giảm thì chưa dám khẳng định", vị này nói.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 114.424 tấn hồ tiêu các loại, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 493,1 triệu USD.

Theo VPSA, ngành hồ tiêu Việt Nam chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần thế giới. Hiện ước tính sản lượng tiêu năm 2024 của Việt Nam chỉ đạt 160.000-170.000 tấn, giảm mạnh so với năm trước. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong năm 2024 dự kiến đạt khoảng 465.000 tấn, giảm 1,2% so với năm ngoái.

 



tuoitre.vn
Báo cáo phân tích thị trường