Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường đường thế giới tháng 5/2007: giá tăng tới mức cao nhất của 5 tuần
07 | 06 | 2007
Giá đường thô kỳ hạn tại New York đã tăng tới mức cao nhất kể từ 5 tuần còn tại London tăng tới mức cao nhất kể từ 5 tuần rưỡi vào ngày 25/5 sau nhiều tuần giá liên tục giảm, do hoạt động mua bù của các quỹ hàng hoá. Đường thô kỳ hạn tháng 7/2007 giá tăng tới 9,42 US cent/lb, trong khi đường trắng kỳ hạn tháng 8/2007 giá tăng tới 335,40 USD/tấn
Khu vực miền trung-nam Braxin đang thu hoạch mía, với sản lượng cao, song các nhà máy sản xuất nhiều ethanol hơn là đường. Các quan chức Braxin cho biết tỷ lệ quy định ethanol từ mía trong xăng tiêu thụ ở nước này sẽ sớm tăng lên 25%, so với 23% hiện nay. Như vậy, xuất khẩu mía từ nước này có thể sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, vẫn chưa có dự báo điều chỉnh về sản lượng đường Braxin. Theo dự báo mới đây nhất, sản lượng đường Braxin – nước sản xuất đường lớn nhất thế giới – sẽ đạt 28 triệu tấn, nhờ  sản lượng mía của miền trung và nam Braxin đạt kỷ lục cao chưa từng có 410 - 420 triệu tấn, tăng 13% so với niên vụ trước. Nhờ vậy, xuất khẩu đường của nước này sẽ đạt khoảng 18.1-19,6 triệu tấn, tăng khoảng 0,8-2,3 triệu tấn so với niên vụ trước.
Ôxtrâylia - nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới sau Braxin, sẽ sản xuất 5,35 triệu tấn đường trong niên vụ tới, tăng khoảng 235.000 tấn so với niên vụ trước, trong đó khoảng 4 triệu tấn sẽ được xuất khẩu.
Sản lượng mía của Mêhicô vụ tới dự kiến sẽ thấp hơn so với tính toán ban đầu, chỉ đạt khoảng 5,214 triệu tấn. Con số đó cũng thấp hơn so với mức 5,282 triệu tấn của niên vụ 2005/06. Do vậy, năm nay Mêhicô sẽ cần nhập khẩu đường, vào khoảng 175.000 tấn.
Tuy nhiên, trong trung hạn, khả năng giá đường sẽ khó duy trì được xu hướng tăng bởi cung chắc chắn sẽ dưa thừa trong niên vụ 2007/08 này. Brazil, Ấn Độ, Thái Lan và Ôxtrâylia đều thông báo sẽ không trữ lại số đường sản xuất dư thừa, ngay cả khi giá giảm xuống thấp hơn chi phí sản xuất.
Tổ chức đường quốc tế (ISO) mới đây đã điều chỉnh tăng mức dự đoán thặng dư đường thế giới trong niên vụ 2006/07, từ 7,2 triệu tấn hồi tháng 2/07 lên hơn 9 triệu tấn. Mức thặng dư dự đoán này của ISO trùng với những dự đoán hiện nay của các nhà phân tích thị trường. Công ty ED&F hồi đầu tháng 5/07 dự đoán mức thặng dư đường thế giới niên vụ 2006/07 ở mức 9,8 triệu tấn, trong khi công ty Kingsman SA tháng 4/07 ước đoán ở mức 8,8 triệu tấn. Dự đoán lạc quan trên của các nhà phân tích dựa trên các chứng cứ về sự cải thiện triển vọng mùa màng ở nhiều nước sản xuất đường chủ chốt thế giới như Ấn Độ, Thái Lan…
Sản lượng đường Trung Quốc vụ 2007/2008 dự báo sẽ tăng lên 12,95 triệu tấn, so với 12,62 triệu tấn vụ trước nhờ giá đường cao khích lệ nông dân mở rộng diện tích trồng mía và củ cải đường. Sản lượng đường mía vụ 2007/2008 của Trung Quốc cũng dự kiến tăng 2% so với vụ 2006 lên 11,5 triệu tấn. Còn sản lượng đường củ cải sẽ tăng lên 1,45 triệu tấn vụ 2007/2008, so với 1,38 triệu tấn niên vụ trước đó. Mức tiêu thụ đường tự nhiên của nước này trong vụ 2007/2008 ước tính tăng 7% so với vụ trước, chủ yếu nhờ mức tăng trưởng trong các ngành chế biến thực phẩm và đồ uống.
Dự đoán sản lượng đường niên vụ 2007/08 ở Ấn Độ sẽ đạt kỷ lục mới 28,8 triệu tấn (tăng so với 27,4 triệu tấn niên vụ 2006/07). Thái Lan sẽ tăng sản lượng lên 7,6 triệu tấn, so với 7,2 triệu tấn vụ 2006/07, tức là lượng xuất khẩu từ nước này có thể đạt 4 triệu  tấn. Sản lượng của Cuba 1,61 triệu tấn. Riêng sản lượng ở Liên minh châu Âu và Nam Phi dự báo sẽ giảm. Sản lượng đường củ cải của Liên minh châu Âu (EU) niên vụ 2007/08 nhiều khả năng sẽ giảm xuống 15,8 triệu tấn so với 17,4 triệu tấn niên vụ trước, do diện tích trồng củ cải giảm từ 1,8 triệu hécta xuống 1,6 triệu hécta. Điều này sẽ góp phần làm giảm bớt tốc độ tăng dự trữ đường trên thế giới. Liên minh châu Âu (EU) sẽ trở thành thị trường nhập ròng đường trong niên vụ này do những cải cách trong sản xuất đường. Tổng sản lượng đường EU niên vụ này dự báo sẽ giảm trên 3 triệu tấn xuống 24,2 triệu tấn, so với 27,4 triệu tấn niên vụ trước, song không đủ để ngăn chặn xu hướng dự trữ đường tăng trên thế giới.
Philippine chắc chắn sẽ bắt đầu xuất khẩu khoảng 100.000 tấn đường sang các nước châu Á khác, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, từ tháng 5 hoặc tháng 6. Khối lượng này sẽ không nằm trong hạn ngạch xuất khẩu 167.000 tấn đường sang Mỹ - thị trường truyền thống của Philippine – trong năm nay. Năm nay Philippine chắc chắn sẽ xuất khẩu đường sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ tháng 3 tới nay, Philippine đã xuất khẩu 66.000 tấn đường sang Mỹ. Dự kiến năm nay Philippine sẽ sử dụng hết hạn ngạch xuất đường sang thị trường này nhờ vụ mùa đường bội thu. Sản lượng đường thô Philippine vụ này dự kiến sẽ đạt 2,24 triệu tấn, tăng 5% so với 2,138 triệu tấn niên vụ trước. Niên vụ tính từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 8.
Về nhu cầu, cho đến nay Pakistan chưa có kế hoạch nhập khẩu đường trong niên vụ này (kết thúc vào tháng 3/2008) vì vẫn còn đủ đường dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước (3,9 triệu tấn). Nga khả năng sẽ mua đường thô trong thời gian tới vì dự trữ giảm, song tổng nhập khẩu của nước nhập đường lớn nhất thế giới này chắc chắn sẽ giảm trong năm 2007 so với năm trước, từ 3 triệu tấn xuống chỉ 2,5 triệu tấn, bởi sản lượng trong nước tăng.
            Trong tháng 6, giá đường thế giới được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh trong mùa hè, nhất là ở châu Á, song sẽ khó tăng lên bởi nguồn cung năm nay dự báo cao ở hầu hết các nước sản xuất.


Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường