Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc tăng cường khai thác gỗ tại châu Âu
20 | 06 | 2007
Vinanet-29/09/2006) - Năm 2003, các công ty gỗ của Trung Quốc đã ký hợp đồng khai thác nhiều khu rừng tại Đức và xuất khẩu trở lại thị trường Trung Quốckhoảng 50.000 m3 gỗ xẻ, trị giá 7,5 triệu USD. Từ thời điểm đó, ngày càng có nhiều công ty gỗ Trung Quốc tới Đức tiến hành ký kết các thoả thuận mua quyền khai thác gỗ.

Ngành đồ gỗ Trung Quốc hiện đang sử dụng nguyên liệu gỗ xẻ được khai thác từ các dự án trên với sản phẩm làm ra được tiêu thụ tại thị trường nội địa và châu Âu.

Theo ông Zhang, giám đốc một trong số các công ty gỗ Trung Quốc, việc mua quyền khai thác gỗ tại Đức có rất nhiều lợi thế. Theo chính sách quản lý rừng của Đức, các công ty gỗ của Trung Quốc không phải trả tiền thuế giá trị gia tăng và thậm chí, họ còn nhận được trợ cấp tại một số bang. Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng và đường giao thông tại các khu rừng khai thác rất phát triển và có nhiều loại gỗ cứng quí hiếm, chất lượng cao như sồi. Ông Zhang cho biết thêm, hiện rừng bao phủ 31% diện tích đất của Đức, trong đó diện tích rừng phục vụ cho hoạt động khai thác gỗ đạt 10 triệu ha.

Trung Quốc cũng sẽ thành lập khu công nghiệp chế biến gỗ đầu tiên tại Nga trong thời gian tới đây theo một thoả thuận giữa 18 công ty chế biến gỗ tại thành phố Wenzhou, Trung Quốc với chính phủ Nga. Theo dự án trên, khu công nghiệp có vốn đầu tư 81 triệu USD với sản lượng 1,5 triệu m2 gỗ, chủ yếu là gỗ xẻ, gỗ ghép và các mặt hàng gỗ sợi ép.

Được biết, dự án này thuộc một trong 6 khu công nghiệp nước ngoài được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ về vốn. Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Trung Quốc đã cấp 200 triệu NDT (25 triệu USD) tiền góp vốn cho 18 công ty trên.

Trong khi đó, nhiều công ty sản xuất đồ gỗ tại Đức và Italia đang chuẩn bị hồ sơ để trình lên Ủy ban Châu Âu (EC) nhằm qui kết Trung Quốc bán phá giá các mặt hàng sôpha, ghế văn phòng, ghế nhà bếp và nhiều loại ghế ngồi khác. Nếu các công ty này đệ đơn lên EC, đây sẽ là vụ kiện chống bán phá giá lớn nhất của châu Âu đối với Trung Quốc.

Được biết, năm 2004, Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới và khoảng 40% lượng đồ gỗ xuất khẩu có xuất xứ từ tỉnh Quảng Đông. Do vụ kiện áp thuế chống phá giá trên nhiều khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu gỗ của tỉnh, Phòng Thương mại và Hiệp hội Đồ gỗ Quảng Đông đã tổ chức một hội nghị chuyên đề bàn về các biện pháp đối phó đối với việc điều tra chống bán phá giá đồ gỗ của châu Âu.



Báo cáo phân tích thị trường