TTCK thế giới chao đảo, Việt Nam rút được kinh nghiệm gì?
Nhiều chuyên gia chứng khoán tại thị trường Mỹ La-tinh đã nhiều lần thông qua các hãng tin nổi tiếng phát đi thông điệp kiểu "thị trường giảm là do vấn đề tín dụng thứ cấp của Mỹ, chúng tôi chẳng liên quan gì cả, đừng nên hoảng loạn". Thế nhưng, các cổ phiếu tại Mỹ La-tinh vẫn… giảm đều theo nhịp giảm của các thị trường chính.
Vấn đề đã rõ, trong một thế giới mà tính liên thông ngày càng cao giữa các thị trường, dòng vốn quốc tế ngày càng được khơi thông thì chúng ta, những thị trường nhỏ, không thể nghĩ tới chuyện "đèn nhà ai nấy sáng", "sống chết mặc bay", mà hiệu ứng lan truyền (spill-over effect) sẽ đổ lên chúng ta bất cứ khi nào. Nguy hiểm hơn, bây giờ tâm lý hoảng loạn có tính lan truyền toàn cầu, hoảng loạn tại thị trường Mỹ sẽ có thể nhanh chóng lan sang nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, rồi lan sang nhà đầu tư người Việt. Như vậy, khi thị trường lớn gặp khó khăn, nó không chỉ tạo ra nguy cơ rút vốn khỏi thị trường nhỏ (bị xem là rủi ro hơn), mà còn tạo ra tâm lý hoảng loạn lan truyền.
Vấn đề trước tiên đặt ra cho chúng ta khi có những cú sốc lớn từ bên ngoài như thế không phải là bàn cãi với nhau liệu có nên áp đặt kiểm soát vốn hay không và như thế nào, mà hiện nay phải nghĩ tới khía cạnh "sống chung với khủng hoảng" trước. Muốn vậy, phải có công cụ phòng ngừa rủi ro cho thị trường. Một thị trường mà giá xuống thì nhà đầu tư chỉ có thể biết bán cổ phiếu và… ngồi chờ, không quyền chọn (option), không bán khống (short sale), không gì cả. Một hệ thống công cụ điều chỉnh kinh tế lúc nào cũng phải có đủ các biện pháp chiến lược lẫn biện pháp ứng phó tức thời. Kiểm soát dòng vốn thế nào cho hợp lý là biện pháp chiến lược lâu dài, đảm bảo tăng trưởng bền vững, trong khi công cụ giúp nhà đầu tư "chịu đựng" qua cơn khủng hoảng là biện pháp tức thời. TTCK Việt Nam hình như chiến lược dài hạn thì chưa rõ ràng, mà biện pháp tức thời lại… không có gì.
Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ: không thể thiếu
Điều cần lưu ý là một thị trường mà nhà đầu tư nhỏ không được bảo vệ đúng mức thì tác động xấu của những cú sốc (dù là bên ngoài hay bên trong) đều rất đáng lo. Trong những tình huống được gọi là "khủng hoảng", "thị trường chao đảo" như thế, người thiệt thòi nhiều nhất vẫn là những cổ đông nhỏ lẻ, bởi lẽ họ là những người có ít thông tin hơn, có ít "quyền lực" hơn để tự bảo vệ mình. Khi các cổ đông lớn, quỹ đầu tư bán ồ ạt giảm lỗ thì họ cũng phải chạy theo, mà trong đa số trường hợp họ chậm hơn so với các tổ chức đầu tư lớn, đồng nghĩa là thua lỗ nặng nề hơn và khó có khả năng tồn tại trong thị trường hơn. Nhà đầu tư nhỏ lẻ không tồn tại được qua những cơn sốc thị trường, họ sẽ trở thành "sinh vật tuyệt chủng" trên thị trường. Khi thị trường mất dần nhà đầu tư nhỏ lẻ, tính đại chúng của nó liệu có được duy trì? Đơn giản chỉ cần nghĩ tới khi một công ty chỉ còn là một câu lạc bộ riêng biệt của cổ đông lớn, thì nó có còn được gọi là công ty niêm yết đại chúng nữa hay không?
Có người sẽ bảo rằng, thế thì toàn bộ nhà đầu tư nhỏ lẻ nên đầu tư vào quỹ đầu tư cho an toàn. Ở Mỹ, thấy quỹ đầu tư nhiều thế đấy, nhưng nhiều người vẫn tham gia đầu tư chứng khoán, thị trường cũng còn đại chúng đấy chứ! Nhưng nhìn lại, ngay cả Mỹ cũng có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang hoạt động trên thị trường. Ở thị trường châu Á, con số này càng cao gấp bội. Vấn đề nằm ở hai điểm: một là không phải mục tiêu đầu tư, cấu trúc danh mục và lợi nhuận mang lại từ các quỹ đầu tư lúc nào cũng phù hợp nhu cầu tài chính của từng cá nhân đầu tư. Vấn đề thứ hai nằm ở chỗ, hình như tính "đánh bạc" trong kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam vẫn khá nặng. Nhiều người không thể hiểu hết cách vận hành của thị trường, cách đọc một bảng báo cáo, phân tích chỉ tiêu tài chính, vẫn tham gia vào thị trường. Thử hỏi những người như vậy, liệu có đồng ý để tiền vào quỹ đầu tư? Cần hiểu rõ bản chất thị trường của chúng ta là một trong số các thị trường có tính thiếu thông tin dành cho nhà đầu tư nhỏ cao do chi phí đạt được thông tin còn cao (chi phí để cho họ có thông tin phù hợp bao gồm quan hệ cá nhân, học tập đầy đủ kiến thức đầu tư, học hỏi kinh nghiệm…). Kết quả, họ tạm chấp nhận trạng thái thiếu thông tin mà vẫn kinh doanh chứng khoán, dẫn đến độ nhiễu và tính chấp nhận rủi ro của các khoản đầu tư sẽ cao. Như thế, không bao giờ họ muốn mua chứng chỉ quỹ đầu tư với những danh mục có tính rủi ro thấp hơn (vì quỹ đầu tư cần tồn tại lâu dài nên có chiến lược giảm thiểu rủi ro riêng).
Như vậy, nhìn thế nào, nhà đầu tư nhỏ lẻ của chúng ta cũng gặp nhiều rủi ro khi đầu tư (mà phần không nhỏ là do tự họ chấp nhận), nhưng khi có "sự cố" dù là hệ thống như thị trường sụt giảm, khủng hoảng, hay là sự cố "kỹ thuật" như lệnh không thực hiện được, có sai sót trong thanh toán…, thì họ không được bảo vệ. Phải chăng, chính cấu trúc thị trường đang đặt họ trước nhiều rủi ro hơn và như vậy, sẽ là hủy diệt họ dần dần, đồng nghĩa với việc hủy diệt tính đại chúng của thị trường?
Thông tin phân tích trên TTCK - từ người ngẫm lại ta
Người nước ngoài khác người Việt Nam chúng ta về vấn đề này chăng? Chúng ta có "sự kiện 03" thì họ có sự kiện tín dụng nhà đất. Chúng ta có hoảng loạn do báo cáo phân tích thì họ cũng hoảng loạn do hàng loạt lệnh dừng lỗ tự động của "đại gia lớn" được thực hiện và những lo lắng về đủ chuyện vốn là chuyện đâu đâu chỉ vài tháng trước. Chẳng hạn như khi có nhiều nhà phân tích kinh nghiệm đặt ra câu hỏi "thị trường Mỹ đã đến lúc suy thoái?" hoặc có người bảo thị trường tín dụng nhà đất Mỹ sẽ càng ngày càng tệ thì giờ nó tệ thật. Hồi tháng 6, nhiều nhà phân tích bảo nên rút danh mục về trạng thái bảo thủ để phòng ngừa thì mấy ai nghe họ?
Còn ở ta, có tổ chức bảo là thị trường ta nóng quá, cần giảm nhiệt thì bây giờ thị trường đã giảm giá; có người bảo chỉ số giảm xuống 900 thì bây giờ nó giảm xuống 900 điểm. Như vậy, đó là các tình huống tương tự nhau. Vấn đề khác biệt là các phân tích đó đưa ra không được hoan nghênh ở Việt Nam và thường bị đem lên mặt báo "mổ xẻ", bảo là nguyên nhân làm thị trường sụp đổ. Ở Mỹ, cũng từng có trường hợp những bài báo, hay sách (điển hình là cuốn Irrational Exuberance của Shiller) viết cảnh báo sụp đổ thị trường vào năm 2000 thì bị cho là nguyên nhân phá rối làm thị trường sụt giảm. Nhưng sau đó (khi những cảnh báo này tỏ ra đúng), có vẻ như phương tiện truyền thông chuyên về đưa tin tài chính đã rút kinh nghiệm. Từ đó tới nay, hầu như không thấy có việc đưa tin chỉ trích báo cáo hay phân tích gây ra sụp đổ nữa. Nếu có quan điểm trái ngược thì đơn vị truyền thông chỉ trích những thông tin mang tính kỹ thuật, đưa tin trung thực về các báo cáo, không qui kết do anh A, anh B nói vậy mà thị trường sụp đổ nữa.
Như vậy, cần thấy rằng, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, nhà phân tích có trách nhiệm thông tin những đánh giá của họ cho đại chúng hay khách hàng, phân tích có thể đúng hay sai và dù đúng thì nhiều khi khách hàng cũng không làm theo! Như thế, chẳng nên quay lại trách nhà dự báo, nếu có quan điểm trái ngược, có thể tìm kênh thông tin để đưa nó lên và hoàn toàn là đứng trên khía cạnh chuyên môn, đừng quy kết ai cả. Đó là về khía cạnh nhà phân tích. Nhìn về phía nhà quản lý thị trường, Mỹ hiện đại thế, nổi tiếng quản lý tốt thế, mà cũng bị sa sẩy trong vụ nhà đất, thì Việt Nam tránh sao nổi những hạn chế về quản lý. Cái cần là nhà quản lý phải dũng cảm nhìn nhận, chấp nhận và học hỏi; đừng chỉ khoe công, tránh lỗi. Còn nhà đầu tư và phương tiện truyền thông cũng đừng quá vạch lá tìm sâu, so sánh nước ta nước ngoài.
Giai đoạn vừa qua, khi thị trường nước ta đi xuống, mọi người lại đổ dồn trách nhà phân tích, nhà quản lý; chuyên gia lại đi bảo nhà đầu tư hoảng loạn, không hợp lý. Trong khi đó, trong tình hình hoảng loạn toàn diện ở toàn cầu, chúng ta thấy ít thông tin chỉ trích, mà toàn là thông tin phân tích cần làm gì và chính phủ nước ngoài thì họ im lặng mà đổ tiền vào cứu thị trường, thừa nhận thị trường mình đang yếu kém chỗ nào. Thông tin từ nhà quản lý rõ ràng, không che dấu, nhà phân tích thì đề xuất các biện pháp để tồn tại trong thị trường, nhà đầu tư thì không trách cứ gì, vẫn lo tập hợp tất cả thông tin và ra quyết định.
Trên TTCK, ai cũng có cái lý của mình, có cái khó khăn và thuận lợi của mình. Đó là cái cấu trúc vi mô đặc thù của mỗi TTCK, không ai nên trách ai cả. Và vì thế, chúng ta càng đừng nên làm cho chuyện bé xé ra to, mang nhau lên tranh luận, trách cứ, chẳng ích gì cho sự phát triển của thị trường. Chúng ta có cái lợi là đi sau, nên học để tránh cái lỗi người ta đã mắc phải, chứ lại mắc vào những cái lỗi đó, thì không biết đi tắt đón đầu ra làm sao?