Lục Ngạn là huyện có diện tích, sản lượng vải thiều lớn nhất nước. Năm 2006 diện tích vải của huyện là 19.212 ha, năng suất bình quân đạt 37 tạ/ha.Trong những năm qua diện tích trồng vải năm sau luôn tăng hơn so với năm trước, song chủ yếu tập trung vào nhóm vải chín sớm U Hồng Tân Mộc. Kết quả điều tra 150 hộ ở 3 xã Phượng Sơn, Giáp Sơn và Tân Mộc cho thấy, năm 2006 năng suất bình quân đạt 43,4 tạ/ha. Chi phí bình quân cho 1 chu kỳ kinh doanh là 8.800.000đ/ha. Sau khi trừ chi phí thì hiệu quả trên 1 ha đạt 23.300.000 đ/ha. Năng suất, hiệu quả cây vải còn phụ thuộc vào các yếu tố như: kỹ thuật chăm sóc, mức đầu tư, giống, thời tiết khí hậu... Mặt khác trong sản xuất vải người dân cũng gặp phải những khó khăn như: kỹ thuật chăm sóc, nguồn nước tưới, vốn đầu tư , bảo quản, chế biến và tiêu thụ... Hiện nay, nước ta đã gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vùng vải thiều Lục Ngạn đứng trước nhiều cơ hội, song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Để cây vải thiều Lục Ngạn đứng vững và phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh tế trong thời gian tới nên cần một số giải pháp sau:
1. Hoàn thiện vùng sản xuất vải hàng hoá
Cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, tạo điều kiện đầu tư áp dụng kỹ thuật. Tiến hành xây dựng quy hoạch vùng vải thiều nói chung và vùng phát triển cho từng giống vải trên phạm vi toàn huyện. Từng giống vải được phát triển theo vùng tập trung, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ thâm canh của nhân dân. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phát triển trong từng giai đoạn để chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trước mắt, không nên mở rộng diện tích trồng vải mà cần tập trung đầu tư thâm canh nhằm nâng cao năng suất chất cũng như chất lượng sản phẩm, tập trung vào những giống vải chín sớm nhằm dải vụ, kéo dài thời vụ thu hoạch.
2. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và công nghệ sản xuất tiên tiến:
- Lựa Chọn các giống vải có thời gian thu hoạch khác nhau nhằm rải vụ thu hoạch. Cần chuyển phần diện tích vải lai chua sang vải chín sớm U hồng, Hùng Long, Bình Khê... Đối với diện tích trồng vải U Hồng cần mở rộng diện tích hoặc một số giống vải chín sớm khác đã được Nhà nước công nhận bằng phương pháp ghép để chuyển đổi 1 phần diện tích vải chính vụ sang vải chín sớm. Đối với diện tích trồng vải Lai Thanh Hà, do quả hơi có vị chát, chín trước vải Thanh Hà khoảng 3 – 5 ngày nên việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá bán thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên chuyển sang các giống vải chín sớm như U Hồng, Hùng Long, Bình Khê... Hiện nay toàn huyện có đến 83 % diện tích giống vải Thanh Hà, là giống vải chín vào chính vụ. Nếu sản lượng lớn, việc tiêu thụ giống vải này gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy để dải vụ thu hoạch, kéo dài thời gian thu hoạch cần chuyển khoảng 25% diện tích vải Thanh Hà sang các giống vải vải chín sớm đã nêu ở trên.
- Ứng dụng kỹ thuật ghép cải tạo vườn vải: Hiện nay, hầu hết vườn vải của các hộ gia đình ở Lục Ngạn có nhiều độ tuổi, giống khác nhau. Để không phải trồng mới, mà lại được thu hoạch sớm, người ta áp dụng kỹ thuật “ghép cải tạo” trực tiếp lên cành bánh tẻ hoặc cắt toàn bộ tán đến cành cấp 2 rồi ghép các giống mới lên cành mới bật ra từ các cành cắt.
- Cần thực hiện tốt các khâu chăm sóc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như tạo tán, tỉa cành; áp dụng các biện pháp khống chế lộc đông, tưới nước hợp lý, áp dụng các biện pháp bảo vệ thực vật tối ưu, thực hiện việc bón phân hợp lý.
- Tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất. Tập trung chuyển giao kỹ thuật ghép vải, kỹ thuật thâm canh cho các hộ nông dân để giúp người dân nâng cao trình sản xuất.
Để phát huy tác dụng của việc tập huấn kỹ thuật cho nông dân cần hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc vải mang đặc trưng của từng vùng sản xuất. Phải có sự giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện quy trình chăm sóc. Tư vấn, hỗ trợ kịp thời khi nông dân gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại. Xây dựng mô hình kiểu mẫu để thông qua đó những người sản xuất vải có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Thường xuyên tổng kết, đánh giá những mô hình sản xuất điển hình.
3. Giải pháp về bảo quản, chế biến
Trong thời gian tới, các xã vùng núi cao, do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, xa nơi tiêu thụ, giá bán vải quả tươi lại thấp, nếu cùng trên 1 đơn vị diện tích mà đem sấy khô thì hiệu quả kinh tế cao hơn so với bán quả tươi. Vì vậy trong thời gian tới, những năm được mùa, tiêu thụ vải quả tươi lại gặp khó khăn cần tăng cường chỉ đạo các xã vùng núi cao tập trung sấy khô.
4 .Giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hiện nay ở Lục Ngạn đã có chợ đầu mối bán buôn nông sản ở vùng sản xuất tập trung. Song bước đầu đi vào hoạt đồng chưa đạt kết quả cao. Trong thời gian tới cần đầu tư hơn nữa để xây dựng trung tâm thương mại, các cơ sở bảo quản sản phẩm (kho lạnh) ở vùng có sản lượng hàng hoá lớn và ở trung tâm tiêu thụ lớn. Đầu tư nâng cấp công trình thuỷ lợi để cung cấp nước tưới cho vải. Đặc biệt vùng vải ở vùng núi cao thường xuyên thiếu nước vào mùa khô hanh. Nâng cấp các tuyến giao thông vào vùng sản xuát, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lớn vào tiêu thụ sản phẩm vải cho nông dân.
5. Giải pháp về thị trường, xúc tiến thương mại
Tổ chức cho nông dân trồng vải tiếp cận với thị trường, tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu. Thông qua việc giới thiệu sản phẩm ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thông qua Công ty thương nghiệp huyện hoặc công ty thương mại tư nhân, các hợp tác xã để đặt các đại lý bán và giới thiệu sản phẩm ở các chợ lớn, ở các thị trấn, thị xã trong và ngoài tỉnh… Thành lập hiệp hội trái cây huyện Lục Ngạn, giao nhãn hiệu sản phẩm vải thiều Lục Ngạn cho Hiệp hội quản lý và sử dụng. Xây dựng, ban hành các quy định quản lý, sử dụng nhãn hiệu vải thiều Lục Ngạn, tiến hành đăng ký xây dựng thương hiệu vải thiều Lục Ngạn và hoàn thành chỉ dẫn địa lý, đồng thời đẩy mạnh quảng bá vải thiều Lục Ngạn trên các phương tiện thông tin đại trúng. Phát huy vai trò chủ động của nông dân trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ vải, tránh tình trạng trông chờ và ỷ lại vào Nhà nước.
6. Giải pháp về chính sách cho sản xuất vải
Cần khoanh vùng quy hoạch sản xuất vải, khắc phục tình trạng đất manh mún bằng biện pháp đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa, đồng thời đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. UBND huyện cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cho phát triển sản xuất vải chín sớm trên một số lĩnh vực sau: Hỗ trợ mắt ghép, đầu tư kinh phí cho khuyến nông và xây dựng các mô hình vải thiều chín sớm bằng phương pháp ghép Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn và hệ thống chợ bán buôn nông sản để giúp cho nông dân vận chuyển hàng hoá dễ dàng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, giảm chi phí lưu thông hàng hoá. Thực hiện tốt chính sách tín dụng nông thôn ưu đãi như: giảm bớt thủ tục khi cho vay, nâng cao lượng vốn vay, giảm lãi suất... để giúp các tác nhân giảm bớt khó khăn trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ của mình.