Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thuế phá giá tôm Việt Nam tại Mỹ còn 0%
20 | 09 | 2007
2 công ty Việt Hải và Grobest được hưởng thuế suất 0%, còn 6 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khác, là bị đơn xem xét hành chính lần 1 vụ kiện tôm Việt Nam tại Mỹ, vẫn giữ nguyên mức thuế phá giá cũ.

Đây là kết quả xem xét hành chính (review) lần 1 vừa được Ủy ban Thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xác nhận thông tin chiều 18/9.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, Grobest là bị đơn tự nguyện mới, còn Việt Hải nằm trong danh sách bị đơn bắt buộc của DOC có mức thuế bán phá giá ban đầu là 4,57%. 6 doanh nghiệp bị đơn còn lại có mức thuế suất phá giá bình quân 25,76%.

Mức thuế phá giá này áp dụng cho các lô hàng nhập khẩu vào Mỹ tính từ tháng 8/2004 đến ngày 31/1/2006. Cùng đợt này còn có các nước tôm nước ấm bị Mỹ kiện phá giá cùng xem xét hành chính là Trung Quốc, Ecuador, Thái Lan và Brazil.

Kết quả cuối cùng của các bị đơn Trung Quốc bình quân 0,44-112,81%, Ecuador 0-3,69%. Những bị đơn Thái Lan cũng chịu mức thuế suất 2,58-57,64%, Brazil 4,62-67,8%.

Vào cuối 2004, 54 doanh nghiệp Việt Nam nằm trong danh sách bị đơn vụ kiện tôm đã bị DOC áp mức thuế phá giá thấp nhất là 4,3%, cao nhất 25,76%. Tháng 4/2006, DOC thông báo sẽ xem xét hành chính lần 1 mức thuế chống bán phá giá đã áp đối với các bị đơn VN cùng doanh nghiệp của 5 nước khác.

Toàn bộ bị đơn Việt Nam đăng ký tham gia review lần 1. Giữa tháng 6/2006, 19 doanh nghiệp bắt tay với Liên minh tôm Việt Nam và nộp một khoản tiền lớn để nguyên đơn rút yêu cầu xem xét hành chính đối với mình. 30 tên doanh nghiệp trong danh sách DOC xem xét được VASEP thông báo không tìm được.

Tháng 7 năm ngoái, DOC thông báo đổi danh sách bị đơn bắt buộc từ Amanda Foods, Phương Nam và Fimex như ban đầu, sang Kigimex, Fish one và Seaprodex Hà Nội. 3 bị đơn bắt buộc mới có mức thuế phá giá đang áp dụng từ 4,57% đến 25,76%.

Tuy nhiên theo giới quan sát, vấn đề quan trọng ở đây không phải việc xem xét hành chính mà là những quyết định được đưa ra tại WTO liên quan đến các vụ kiện phá giá tôm. Trong đó Ấn Độ và Thái Lan đang kiện Mỹ, sau khi Êcuađo đã thắng trong vụ tương tự.

Hiện WTO đang giữ phán quyết thuế suất phá giá khi review “đưa về 0” là phi pháp, bởi cho thấy các mức thuế tôm được tính toán không đúng thực tế. Ông Trương Đình Hòe cũng khẳng định, thuế suất phá giá của 2 doanh nghiệp bị đơn sau review bằng 0 chứng tỏ tôm Việt Nam không bán phá giá vào Mỹ.

Theo dự đoán của nhiều nhà quan sát trong ngành, các mức thuế phá giá tương tự trong tương lai sẽ bị các quốc gia có liên quan chất vấn theo những nguyên tắc của WTO. Thực tế diễn biến này đã xuất hiện trong vụ kiện của Êcuađo với Mỹ.



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường