Nghề chăn nuôi lợn rừng mới chỉ bắt đầu lan rộng ở nước ta từ đầu năm 2006, con giống được Nhà nước cho phép nhập từ Thái Lan, tính đến thời điểm này đã có khoảng 500 con lợn rừng thuần chủng được nhập qua đường chính ngạch. Giá con giống ban đầu cao ngất ngưởng.
Ông Trần Đình Bá (ở Bình Dương) từng khởi nghiệp từ cặp lợn rừng thuần chủng mua từ Thái Lan với giá 3.500 USD. Hiện tại, giá lợn rừng thuần chủng xuất chuồng vào khoảng 210 ngàn - 250 ngàn đồng/kg (khoảng 3-5 triệu đồng/con).
Cần định hướng quản lý
Cả nước hiện có trên 20 trang trại chăn nuôi lợn rừng với quy mô lớn, đấy là chưa kể hàng trăm hộ chăn nuôi số lượng ít. Hiện có 3 công ty đang kinh doanh con giống và tiêu thụ thịt lợn rừng là: Công ty TNHH Khánh Giang (ở Bình Phước); Công ty Hương Tràm (ở quận Phú Nhuận - Tp.HCM); Công ty ANFA (ở quận 10 - Tp.HCM). Giữa năm 2006, Công ty ANFA đã có hơn 400 đơn đặt hàng mua giống lợn rừng từ khắp các tỉnh miền Nam.
Mặc dù đến nay, ở Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai có rất nhiều hộ nuôi lợn rừng với quy mô 20-50 con/hộ, song còn lâu mới đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường về món đặc sản này.
Trang trại của ông Nguyễn Trùng Phương (Trảng Bàng - Tây Ninh) khởi nghiệp từ 1 cặp lợn rừng, đến nay mỗi năm xuất chuồng 200 con và duy trì đàn 70 nái để sản xuất giống. Chủ trại lợn rừng đầu tiên ở miền Bắc là ông Trần Đình Bá (Lương Sơn - Hoà Bình), cho biết: "Nếu nuôi thịt thì mỗi con lợn rừng cho thu lãi 3-4 triệu đồng, nếu bán giống thì lãi cao hơn nhiều".
Tuy nhiên, nuôi lợn rừng không dễ, số lượng con đẻ ra ít, chi phí giống đắt, nên số lượng lợn rừng thuần chủng xuất chuồng chỉ chiếm một phần nhỏ so với thịt lợn rừng đang được tiêu thụ trên thị trường dưới "mác" lợn rừng.
Phần nhiều những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã cho lai lợn rừng đực với lợn địa phương, họ chỉ phải mua một con lợn rừng đực nguyên gốc, đem phối với rất nhiều con nái có sẵn cho ra vô vàn con giống đời sau. Lợn chứa 50% phẩm chất lợn rừng và 50% máu bản địa, chăn nuôi sẽ dễ hơn, ít bị bệnh tật.
Thuần hoá lợn rừng Việt Nam
Theo TS. Võ Văn Sự, Chủ nhiệm Khoa Động vật quý hiếm - Viện chăn nuôi, chỉ lợn rừng thuần chủng mới được coi là lợn rừng, tất cả những loại lợn lai, lợn địa phương không thể được coi là lợn rừng. Việc "đánh đồng" những loại lợn khác với lợn rừng chẳng khác gì giả mạo sản phẩm, xâm hại tới quyền lợi của thực khách, đồng thời gây ngộ nhận về mặt chất lượng, giảm thấp giá trị của lợn rừng.
Viện Chăn nuôi đang tham mưu cho Cục Chăn nuôi đề ra các quy chế nhằm quản lý việc chăn nuôi lợn rừng. Chăn nuôi lợn rừng đòi hỏi kỹ thuật cao, vì vậy sẽ không khuyến khích nông dân chăn nuôi lợn rừng.
Chỉ những doanh nghiệp lớn, có trang trại rộng đủ tạo môi trường nuôi tương đương điều kiện hoang dã, có kinh nghiệm, và phải được cấp giấy phép mới được chăn nuôi lợn rừng. Việc chăn nuôi phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm.
Lợn rừng sẽ được Nhà nước quản lý tới từng cá thể. Mỗi con lợn được gắn số tai, được cấp giấy chứng nhận chủng giống, lý lịch phả hệ. Tất cả lợn rừng xuất chuồng đem tiêu thụ trên thị trường đều phải có giấy này mới đảm bảo giá trị.
Thực hiện phương thức này, sẽ đảm bảo quyền lợi cho thực khách, giữ gìn uy tín "thương hiệu" của lợn rừng, đồng thời ngăn chặn được tình trạng săn bắt lợn trong rừng đem về nuôi.
Lợn rừng Thái Lan đã thuần hoá 10 năm, nhưng ở Việt Nam cách đây 4 năm, Viện Chăn nuôi mới được Nhà nước cho phép nghiên cứu để thuần hoá lợn rừng. Mong muốn của các nhà khoa học Việt Nam là sẽ có được giống lợn rừng Việt Nam, mang những tính trạng khác biệt hẳn với lợn rừng Thái Lan, sẽ được chăn nuôi đại trà tại Việt Nam, và giới thiệu, cung cấp giống ra các nước trong khu vực.
TS. Võ Văn Sự cho biết: so với lợn rừng Thái Lan, lợn rừng Việt Nam có chân thon hơn, tai đứng hơn, mõm dài hơn.