Khối lượng hạt tiêu giao dịch tại Ấn Độ tuần qua đã giảm xuống 72.884 tấn. Các nhà đầu tư đang nắm giữ khối lượng hàng tồn kho đã tới hạn đang cố gắng bán ra với giá hạ. Các nhà xuất khẩu thì đang mua vào vì thấy giá hạ. Hạt tiêu giao ngay cũng giảm 300 Rupi/100 kg xuống 11.700 Rupi với loại xô và 12.300 Rupi với loại chọn, mặc dù không có áp lực bán ra.
Trên thị trường quốc tế, giá hầu hết các loại vững trong tuần qua. Có tin sản lượng ở Ấn Độ, Việt Nam, Braxin và Indonexia giảm, nên tổng sản lượng hạt tiêu thế giới năm nay sẽ chỉ đạt 211.000 tấn, so với 266.000 tấn năm 2006. Ngoài việc lượng tồn kho gối vụ suy giảm mạnh, sản lượng giảm sẽ làm cho nguồn cung năm 2008 càng bị thắt chặt. Giá hạt tiêu Ấn Độ tiếp tục giảm nhưng giá trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục vững bởi nhu cầu khá do nỗi lo về nguồn cung ảnh hưởng tới giá tất cả các xuất xứ khác. Ấn Độ tiếp tục hạn chế khối lượng hạt tiêu giao ngay xuất khẩu.
Theo Tổ chức Hạt tiêu Quốc tế (IPC), thị trường hạt tiêu đen thế giới tiếp tục khan hiếm. Tại Ấn Độ, hợp đồng giao dịch kỳ hạn tháng 11 được giao dịch nhiều nhất. Tại Lampung, giá trung bình hạt tiêu nội địa vào khoảng 25.000 rupiah/kg. Tại Việt Nam, giá cũng ổn định. Ở Đắc Lắc, giá hạt tiêu nguyên liệu là 46.000 đồng/kg. Tại Sarawak, thị trường cũng yên tĩnh, với giá nội địa và giá FOB đều giảm nhẹ. Giá hạt tiêu đen nội địa ở Sarawak là 9.295 Rupiah/tấn, giảm so với 9.360 ringgit tuần trước đó. Tuy nhiên, tính theo USD thì giá ổn định.
Trên thị trường hạt tiêu trắng, tại Banka, giá nội địa giảm khoảng 1.000 rupiah so với 39.000 Rupiah/kg tuần trước. Tại Sarawak, giá hạt tiêu trắng nội địa cũng giảm từ 14.684 ringgit/tấn xuống 14.658 ringgit. Tuy nhiên, tính theo USD, giá tưng 1%, lên 5.400 USD/tấn. Tại Hải Nam, Trung Quốc, giá nội địa và FOB đều giảm khoảng 2% xuống lần lượt 4.320 USD/tấn và 4.520 USD/tấn.