Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tình hình sản xuất cà phê trong nước và dự báo
22 | 06 | 2007
Hạn hán vừa qua làm thiệt hại hàng chục ngàn hecta cà phê ở Tây Nguyên, vùng cà phê trọng điểm của Việt Nam, cũng là thông tin ảnh hưởng có lợi đối với giá cà phê robusta trên thị trường thế giới.
Một số nhà kinh doanh cà phê cho rằng với đà này, giá có thể đạt tới ngưỡng 20.000 đồng/kg hoặc hơn.

Giá cà phê đang lên, nhưng doanh nghiệp thiếu vốn, nông dân tiếc vì đã lỡ phá diện tích trồng cà phê do hạn hán và nhiều năm xuống giá

Theo Bộ NN-PTNT, lần đầu tiên kể từ sau đợt khủng khoảng về giá cà phê trong niên vụ 1999-2000, hiện nay giá thu mua cà phê nhân trong nước của các doanh nghiệp (DN) đang ở mức trên 16.000 đồng/kg. Giá cà phê xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng vượt con số 1.000 USD/tấn. Bộ Thương mại cho biết chỉ trong một tuần qua cả nước đã xuất khẩu gần 8.000 tấn cà phê, kim ngạch đạt trên 6,4 triệu USD.
 
Công ty Cà phê Đắk Uy (tỉnh Kon Tum) hiện có diện tích trồng cà phê trên 900 ha, trong đó hơn 50% là diện tích của công nhân công ty. Niên vụ 2004-2005, Công ty Cà phê Đắk Uy thu hoạch đạt 10.000 tấn cà phê tươi.  Hiện nay giá thành để sản xuất 1 kg cà phê tươi ở mức 2.100 đồng, với giá bán hiện tại là 3.500 đồng/kg, người trồng cà phê có lãi 1.400 đồng/kg. Với xu hướng giá tăng như hiện nay, người trồng cà phê đã tính được lãi trước khi đầu tư cho vụ mới. Tuy không phải là đơn vị trực tiếp xuất khẩu, nhưng nhờ dự báo được tình hình thị trường, hiện nay trong kho của Công ty Cà phê Đắk Uy vẫn còn trên 600 tấn cà phê khô, với giá bán hiện nay, đây sẽ là năm đầu tiên Công ty Cà phê Đắk Uy làm ăn có lãi nhất kể từ 5 năm trở lại đây.
 
Công ty Xuất nhập khẩu Intimex là đơn vị chuyên xuất khẩu trực tiếp các mặt hàng nông sản. Từ đầu năm đến nay, Intimex đã xuất khẩu được 45.000 tấn cà phê nhân, mặc dù lượng xuất mới chỉ bằng 50% so với cả năm 2004, nhưng kim ngạch xấp xỉ bằng cả năm qua. Bởi theo Intimex, giá xuất khẩu bình quân năm 2004 chỉ ở mức 500 USD/tấn, bằng 1/2 so với giá hiện tại. Tuy nhiên, không phải DN xuất khẩu nào cũng được hưởng lợi từ đợt tăng giá này. Bởi vấn đề vốn luôn là bài toán khó cho các DN Việt Nam, trong khi niên vụ vừa qua, ngân hàng đã hạn chế, hoặc không tiếp tục đầu tư cho ngành cà phê do làm ăn không hiệu quả nhiều năm. Chính điều này buộc các nhà xuất khẩu phải bán hàng khi giá vừa nhích lên để lấy tiền gom hàng mới, mà không dám trữ, mặc dù nhiều DN vẫn dự đoán được giá sẽ tiếp tục tăng.
 
Với tình hình hạn hán đã diễn ra ở các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua, nhiều nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng... đã chặt bỏ, hoặc không tiếp tục đầu tư cho vườn cây. Bộ NN-PTNT dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2005-2006 của Việt Nam sẽ giảm 20% - 25%, chỉ còn khoảng hơn 600.000 tấn so với 900.000 tấn như trước đây. Trên thế giới, dự kiến sản lượng cà phê của Brazil cũng sẽ tiếp tục giảm do miền Nam nước này đang bước vào mùa đông, nên diện tích cà phê của các nhà sản xuất sẽ bị ảnh hưởng sương muối. Trước tình hình này, phân tích của DN xuất khẩu cà phê và các chuyên gia cho biết giá cà phê trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng ở mức ổn định, không lên xuống thất thường như trước đây.
 
Trong nước, từ nay đến cuối năm giá xuất khẩu sẽ vượt qua con số 2.000 USD/tấn.
 
Vào đầu niên vụ 2004-2005, nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài cho rằng, sản lượng cà phê Việt Nam đạt từ 900.000 – 950.000 tấn, nhưng Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) lại nhận định chỉ khoảng 720.000 – 750.000 tấn. Nhưng thực tế xuất khẩu vừa qua và tiến độ mua vào hiện nay cho thấy, ước tính của Vicofa là đúng. Càng ngày thông tin về sản lượng cà phê Việt Nam thấp càng chính xác thì có nghĩa giá cà phê vẫn ở mức cao vì cung thấp hơn cầu. Hạn hán vừa qua làm thiệt hại hàng chục ngàn hecta cà phê ở Tây Nguyên, vùng cà phê trọng điểm của Việt Nam, cũng là thông tin ảnh hưởng có lợi đối với giá cà phê robusta trên thị trường thế giới. Một số nhà kinh doanh cà phê cho rằng với đà này, giá có thể đạt tới ngưỡng 20.000 đồng/kg hoặc hơn.


http://www.baothuongmai.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường