Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FTA ASEAN-EU: “Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”
21 | 11 | 2007
Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Bùi Huy Sơn cho rằng FTA ASEAN-EU chính là cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Thưa ông, Việt Nam là quốc gia đầu tiên xây dựng chương trình hành động chiến lược dài hạn cho quan hệ Việt Nam - EU so với các nước trong khối ASEAN. Xin ông cho biết điều này xuất phát từ những lợi ích thiết thực nào?

Trước hết, điều này xuất phát từ những thành tựu kinh tế đáng khích lệ trong thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) thời gian qua. Hiện nay, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, và là nguồn tiếp nhận đầu tư rất lớn sang Việt Nam. Năm 2006, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10,2 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam sang khối EU đạt xấp xỉ 7 tỷ USD, EU cũng chiếm tỷ trọng 17% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam.

Có thể thấy EU là thị trường mục tiêu tiềm tàng lớn nhất đối với Việt Nam; trong đó, các nước nhập khẩu lớn nhất là: Đức, Anh (800 triệu-1 tỷ USD/năm), kế đến là Pháp, Hà Lan (500-700 triệu USD/năm), gồm các sản phẩm: dệt may, giày dép, nông sản, thủ công mỹ nghệ... Tốc độ tăng trưởng bình quân 20-30%/năm. Các nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Việt Nam như Italia, Hà Lan, CHLB Đức, khoảng 500 - 700 triệu USD/năm, gồm máy móc, trang thiết bị, phân bón, dược phẩm...

Một điều mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần quan tâm là khối EU hiện nay đã là 27 thành viên, trong đó bao gồm những nước mới từ Đông Âu. Đây là những thị trường có yêu cầu không cao, trong khi mức thuế suất thì đều bằng nhau (ở tất cả các nước EU). Đây chính là cơ hội của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Ngoài ra, EU còn là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam: 9,94 tỷ USD vốn FDI đăng ký với 740 dự án, tuyển dụng hơn 23.000 lao động, và 940 triệu USD vốn ODA năm 2007. Đây là những lợi ích thiệt thực nhất trong quan hệ thương mại Việt Nam và EU, và sẽ còn tiếp tục phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai gần.

Điều kiện cần và đủ để có được một nền kinh tế mạnh là các khối doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đủ mạnh và hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh cho một Hiệp định tự do mậu dịch (FTA) ASEAN-EU sắp tới, được biết các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức?

Có thể nói, với FTA ASEAN-EU, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam không chỉ có thách thức mà còn có rất nhiều lợi ích tiềm tàng. Đó là cơ hội cho việc tiếp cận thị trường. Một hiệp định tự do mậu dịch ASEAN-EU không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho 2 phía ASEAN và EU mà trước hết, đó còn là lợi ích và cơ hội cho thị trường Việt Nam tiếp tục được mở ra, theo sau việc gia nhập WTO của Việt Nam.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI từ nước ngoài cũng như việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ những quốc gia tiên tiến cùng những kinh nghiệm quản lý của họ, qua đó để phát triển nguồn nhân lực trong nước.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận là họ phải đối mặt với rất nhiều những thách thức và khó khăn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của EU rất mạnh và các doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của EU, trong khi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, như: chưa hoặc không có chiến lược dài hạn, vị thế nền kinh tế thị trường của Việt Nam chưa được công nhận, nguồn lực còn hạn chế...

Song song đó, khi FTA ASEAN-EU ra đời thì các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng sẽ cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp lớn của khối EU, điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Lấy ví dụ, nếu trong việc cạnh tranh mà các doanh nghiệp lớn của Việt Nam bị mất hợp đồng thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa (thầu phụ chẳng hạn) cũng bị mất hợp đồng.

Nói cách khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là phần bổ sung, phụ trợ công nghiệp và dịch vụ cho các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia. Chưa hết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng sẽ gặp sức ép từ nội bộ các nước ASEAN, bởi lẽ nước nào cũng muốn giành ưu thế trong thương thảo với EU.

Thưa ông, như ông đã nói, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là “nhân tố ổn định” cho nền kinh tế quốc dân (đóng góp 25% GDP và chiếm hơn 80% các doanh nghiệp mới thành lập, năm 2006). Với vai trò là người điều phối và đàm phán với các đối tác cho FTA ASEAN-EU, ông có những khuyến nghị gì đối với các cấp lãnh đạo cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam?

Các bộ, ngành liên quan cần xác định Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU là một yêu cầu cần thiết cho sự liên kết khu vực. EU cũng dành cho Việt Nam và một số nước ASEAN những ưu đãi về thuế quan (GSP) đối với một số chủng loại hàng hóa. Tuy nhiên đến một lúc nào đó khi nền kinh tế các quốc gia này đã phát triển, EU sẽ chuyển những GSP sang các nước nghèo, kém phát triển khác, và khi đó sân chơi sòng phẳng, bình đẳng chỉ có thể là các FTA.

Bên cạnh đó, cần tiến hành ký kết các hiệp định đối tác và hợp tác (PCA). Cần tiếp thu và tiếp nhận những hỗ trợ của khối các nước thuộc EU để hỗ trợ cho việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và ASEAN. Chúng ta cũng cần nhận hỗ trợ từ một số nước khác trong khu vực ASEAN, bởi vì trình độ phát triển trong nội bộ khối ASEAN cũng rất khác nhau. Ngoài ra, cũng cần có những quyết sách cụ thể trong nước để phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
http://vneconomy.vn


Báo cáo phân tích thị trường